.

Du khách biển và cúm A/H1N1

Trở về Việt Nam sau chuyến lặn lội chào tour qua hơn chục tiểu bang ở Mỹ và Anh, Lê Đình Tuấn báo tin vui: “Tôi vừa ký hợp đồng với gần 20 hãng tàu nước ngoài. Rất lạc quan. Như lịch đã được các bên ấn định, từ cuối tháng 7 đến hết năm nay, Tân Hồng sẽ đón khoảng 50.000 lượt khách. Từ đầu đến giữa năm 2010, dự kiến đón thêm 120.000 lượt khách nữa”. Nhẩm tính, mùa tàu biển 2009-2010, Tân Hồng Travel sẽ đón khoảng 170.000 lượt khách, chưa kể các công ty du lịch lữ hành quốc tế khác. Một con số kỷ lục trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch cúm A/H1N1.

Theo Lê Đình Tuấn, du lịch tàu biển sẽ là cứu cánh cho số lượng du khách đến Việt Nam trong thời gian tới. “Sẽ có nhiều tàu mới hơn, lớn hơn vào Việt Nam, trong đó có tàu Diamond Princess, mỗi chuyến 3.000 khách, mỗi năm có 20 chuyến đến Việt Nam. Các hãng tàu thông báo, hầu hết các tàu đã fully booked (kín chỗ), nhất là các chuyến đến Việt Nam. Họ đánh giá cao các thay đổi tích cực ở các cảng biển Việt Nam như an ninh, trật tự, vệ sinh”.

Đừng quá lo âu vì dịch cúm

Hôm đang ở Miami (Mỹ), một doanh nhân trẻ chat với tôi qua yahoo: “Điều quan ngại của các hãng tàu biển là liệu khách của họ khi vào Việt Nam có bị cách ly 7 ngày khi thân nhiệt đột ngột tăng cao? Các CEO đối tác hỏi rất kỹ về chuyện này, bởi nếu vậy sẽ vô cùng rắc rối khi du khách của họ chỉ có 8 đến 24 tiếng lên bờ”.

Anh giải thích: “Thật ra, trước lúc lên bờ, du khách đã được tàu kiểm tra sức khỏe tối đa. Trên các tàu đều có hệ thống kiểm tra thân nhiệt, có bác sĩ, bệnh viện và thậm chí có khu cách ly. Theo họ, bệnh cúm khi phát hiện chỉ cần uống thuốc là khỏi, không việc gì phải quá lo lắng. Hằng năm, ở Mỹ có đến 40.000 người chết vì cúm mùa nên họ có nhiều kinh nghiệm lắm”.

Anh kể một kinh nghiệm tự thân, hồi tháng 6-2008 tháp tùng tàu biển nước ngoài, anh cũng như nhiều du khách bị rối loạn tiêu hóa bởi loại dịch có tên “novirus”. Ngay tức khắc, các bệnh nhân được cách ly và được bác sĩ điều trị tốc hành, tẩy trùng các khu vực nghi ngờ. Khi lên bờ, họ phát găng tay, bình xịt, chất tẩy rửa cho mọi người vệ sinh tối đa. “Nói chung, không gian trên tàu rất dễ thành ổ dịch khép kín. Cũng vì thế, các hãng tàu ý thức rất cao về điều kiện vệ sinh y tế trên tàu. Nếu không, làm sao họ có thể lênh đênh trên biển hàng tháng trời từ nước này sang nước khác?” - Anh nói.

Mới đây có nhận định: Cúm A/H1N1 cùng với suy thoái kinh tế khiến cho lượng khách quốc tế vào Việt Nam giảm mạnh. Thực ra, theo nhận định của đa số các công ty du lịch, nguyên nhân sự sụt giảm này là do suy thoái kinh tế chứ dịch cúm không tác động nhiều đến quyết định của khách du lịch các nước. So sánh với Phuket (Thái Lan) đang đầy du khách dù tình hình cúm A/ H1N1 có vẻ xấu, anh nói: “Đến nay Việt Nam vẫn chưa có ca tử vong nào do cúm A, đó là một điểm son sáng chói. Cần nhấn mạnh điểm này thay vì than vãn. Thái Lan đã có hàng chục ca tử vong, nhưng vì sao du lịch của họ vẫn không đi xuống?”.

Hãy là điểm đến sáng giá!

Tuy ngại va chạm, nhưng một vài doanh nghiệp lữ hành vẫn nói thẳng: Vừa qua, Tổng cục Du lịch đề nghị miễn giảm phí visa tàu biển để hút khách, chỉ làm... giảm giá du lịch Việt Nam. Các hãng tàu quốc tế không vì mấy đồng bạc lẻ đó mà tích cực đưa khách đến Việt Nam. Theo họ, các hãng đều đồng ý có thể tăng phí visa lên 5- 10 USD do so với các quốc gia lân cận, phí hiện nay của Việt Nam quá rẻ. Ngược lại cần giảm các thủ tục, giấy tờ hơn nữa cho khách, đặc biệt là việc duyệt nhân sự xin visa, khi cần nên làm thêm trong các ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ cho kịp lịch của các hãng tàu.
 
Theo họ, đây là cơ hội tốt để quảng bá điểm đến nếu giới lữ hành trong nước tổ chức tốt các tour, cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa cơ sở vật chất và tình trạng an ninh trật tự tại các điểm viếng thăm, đặc biệt cần kiểm soát gắt gao tình trạng buôn bán chụp giựt, xà xẻo khách của một số công ty chuyên chào tour trên mạng với “giá rẻ bất ngờ”.

Mới đây, trong 2 ngày 26 và 27-7, du thuyền Sun Princess đã đưa 2.065 du khách, đa số quốc tịch Úc, cập cảng Phú Mỹ (Vũng Tàu). Tân Hồng Travel đã tổ chức cho 3.800 lượt khách lên bờ, thăm TP. Hồ Chí Minh, địa đạo Củ Chi và một số tỉnh, thành lân cận.

Chuyến đi đã để lại ấn tượng sâu trong nhiều du khách cho dù dịch cúm vẫn chưa qua. Vốn năng động, giới làm tour tàu biển muốn truyền đi thông điệp: “Xin đừng quá bi quan về tình hình du lịch thời cảm cúm. Hãy cùng nhau tìm ra giải pháp nâng cấp cho chính nó. Việt Nam hãy là điểm đến sáng giá thay vì hạ giá!”.

ĐẶNG NGỌC KHOA

 

;
.
.
.
.
.