.

Giữa trái tim với trái tim

.

Một buổi chiều, khi mặt trời sắp khuất sau rặng núi xa nơi thượng nguồn sông Thu Bồn, một cựu binh Mỹ cúi xuống, thả trên sông từng nắm tro hài cốt của một cựu binh Mỹ khác. Trong thời khắc thiêng liêng như một nghi lễ tôn giáo, người sống thì thầm những câu thơ của người chết để lại: Tôi muốn tro tàn xác thân tôi/ theo gió núi rải đi khắp cao nguyên Trung phần Việt Nam/ Từ nơi này tâm hồn tôi/ sẽ dõi nhìn vẻ đẹp cuộc đời…

Các tổ chức nhân đạo, từ thiện đã hỗ trợ nhiều trang thiết bị cho NNCĐDC ở Đà Nẵng. Trong ảnh: Các em khiếm thính học giao tiếp bằng ký hiệu qua chương trình trên máy vi tính.

Người cựu binh Mỹ ấy là giáo sư Kenneth Hermann, từng bị bắt quân dịch và bị đưa đến chiến trường Quảng Nam lúc mới 25 tuổi. Năm 1998, lần đầu tiên trở lại Đà Nẵng, ông tìm đến nơi ông đã đóng quân 30 năm trước. Trong cuốn sách “Một người Mỹ ở Việt Nam hôm nay” của mình, ông trải lòng mình khi chọn đứng về phía của công bằng, lẽ phải và quyết tâm đeo đuổi đến cùng vụ kiện với Chính phủ Mỹ nhằm đòi quyền lợi cho nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Việt Nam. Còn người kia là Rick Bradshaw, chết tại Mỹ vì di chứng của chiến tranh ở Việt Nam.

“Nối với nhau bằng sợi dây yêu thương”

Không chỉ những cựu binh Mỹ từng cầm súng trên chiến trường Việt Nam mà ngay cả những người lần đầu tiên đến nơi này và chứng kiến những di chứng tàn khốc của cuộc chiến đã lùi xa hơn 30 năm cũng cảm nhận được nỗi đau xé lòng ấy.

Jen Flynn đến Đà Nẵng lần đầu tiên vào tháng 5-2008 cùng với hơn 10 tình nguyện viên nhiều quốc tịch khác của Tổ chức Global Volunteer Network – Vietnam (GVN-VN). Được một thời gian, Giám đốc Điều hành của GVN-VN, Đặng Văn Quốc Việt, thấy cô có thể quản lý, điều hành một số công việc nên yêu cầu cô ở lại để giúp anh. Và cô vui vẻ nhận lời ở lại với chức danh Giám đốc chương trình phụ trách chung, trong đó có chương trình ở Đà Nẵng với công tác tình nguyện viên, hỗ trợ khả năng giao tiếp hòa nhập cộng đồng, quyên góp tài trợ cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Đà Nẵng (DAVA).

Phụ trách điều phối tình nguyện viên, cô đã đưa nhiều tình nguyện viên đến các trung tâm của DAVA, chăm sóc, thực hiện các công tác phục hồi chức năng. Do yêu cầu của công việc, cô đã có điều kiện tiếp xúc nhiều trẻ em là nạn nhân chất độc da cam, đã đưa nhiều em đi khám ở các bệnh viện lớn. Làm việc ở Sài Gòn, Hà Nội có thể tốt hơn nhiều, nhưng cô chọn Đà Nẵng vì trái tim cô đã nặng lòng với trẻ em nơi này: “Tôi ở lại đây vì có rất nhiều trẻ em cần đến tình thương. Khi mà giữa con người và con người nối với nhau bằng sợi dây yêu thương thì công việc sẽ dễ dàng hơn”.

Trung tuần tháng 6 vừa qua, khi Giáo sư Fred Wilcox, giảng viên Khoa Văn học Trường Đại học California (Mỹ) đến thăm, tặng quà và tìm hiểu các NNCĐDC ở Đà Nẵng, Jen Flynn đã cùng với giáo sư ký đơn xin gia nhập DAVA. Giáo sư chuẩn bị ra mắt cuốn sách “Ảnh hưởng của chất độc da cam đối với con người và môi trường Việt Nam” do ông và các cộng sự thực hiện. Còn Jen Flynn thì, không chồng con, tâm nguyện rằng: “Khi tôi chết, tro hài cốt một nửa ở Việt Nam, nửa kia ở Mỹ”.

“Tôi muốn góp một phần nhỏ bé…”

Đó là lời bộc bạch của Jessica Todd, tình nguyện viên GVN-VN đến từ nước Anh, trong lần đến thăm Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng tuần trước. Theo học khoa Tâm lý học ở Đại học Scotland, cô vận động gia đình và bạn bè tham gia chương trình tình nguyện của cô bằng cách quyên góp. Vừa rồi cô và các bạn đã tổ chức quyên góp được một số tiền cho cô giúp đỡ trẻ em tại Đà Nẵng. Đang nghiên cứu chuyên đề về tâm lý của một số trẻ em ngỗ nghịch, cô đến Đà Nẵng từ năm ngoái với mục đích muốn thử nghiệm kiến thức mà mình đã học ở trường đại học.

Jen Flynn:

“Tôi ở lại đây vì có rất nhiều trẻ em cần đến tình thương. Khi mà giữa con người và con người nối với nhau bằng sợi dây yêu thương thì công việc sẽ dễ dàng hơn

Cô nói với lòng chân thành: “3 năm nữa, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tâm lý học, có thể tôi sẽ qua Việt Nam, sống và làm việc ở Đà Nẵng. Tới Việt Nam đến nay là 10 tháng, khoảng thời gian đủ để tôi cảm nhận về đất và người nơi này và dành tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Ở đây, tôi cảm thấy mình làm được nhiều việc hơn ở đất nước Anh”. Cô cảm nhận được sự khác biệt: Sự quan tâm giữa con người với con người ở nơi đây nhiều hơn ở đất nước của cô. Khi cô tới đây làm việc, mọi người đều muốn tham gia vào giúp đỡ người khác, cái mà ở đất nước của cô có quá ít... Và điều quan trọng là cô muốn góp một phần nhỏ bé của mình để giúp đỡ mọi người”.

“Muốn góp một phần nhỏ bé” cũng là cảm nghĩ của bà Nadya M. William, một nhà hoạt động xã hội của Tổ chức Global Exchange (GE), khi bà đến Đà Nẵng để tìm hiểu hoàn cảnh của các NNCĐDC đầu tháng 4 vừa qua. Từ những thông tin này, GE sẽ lên kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông Mỹ về nỗi đau mà các NNCĐDC Việt Nam đang chịu đựng, qua đó vận động người dân Mỹ và dư luận quốc tế ủng hộ vụ kiện của các NNCĐDC ở cả Việt Nam và Mỹ lên Tòa án Tối cao Mỹ. Ghi dấu chuyện đi quan trọng này, bà Nadya M. William đã làm đơn tự nguyện gia nhập và làm hội viên danh dự của DAVA.

“Nơi mà tôi không thể nào dứt bỏ khỏi trái tim tôi”

Jessica Todd (đứng, giữa) và các em ở Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng (cơ sở 2).

 

“Cát bụi đời người” của cựu binh Mỹ Rick Bradshaw đã được xuôi dòng Thu Bồn thể theo ý nguyện trong bài thơ di chúc của ông: Và dòng nước của trời sẽ gột rửa tâm hồn tôi. Mang đến những thửa ruộng bậc thang. Mọc lên bên sườn đồi... Tôi sẽ sống ở đây mãi mãi... Để mỗi ngày sẽ trồi lên trong những cánh hoa rừng...

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng nỗi đau da cam vẫn còn để lại di chứng trên thể xác và tinh thần những nạn nhân từ hai phía. Có người đã nằm xuống với nguyện ước được “gột rửa tâm hồn” như Rick Bradshaw, có người đang gom góp những lá thư đầy nước mắt của các NNCĐDC Việt Nam với lời hứa danh dự “tôi sẽ mang tất cả thư của các NNCĐDC Việt Nam đến Nhà Trắng” như Kenneth Hermann.

Và, cũng có người, như Jen Flynn, đến Việt Nam, đến Đà Nẵng, để nhận ra “con người và con người nối với nhau bằng sợi dây yêu thương”. Cô đã gửi một nửa trái tim cho Việt Nam – một ý nguyện rất đỗi thiêng liêng như câu thơ di chúc của người cựu binh đồng hương với cô: Những gì đã theo tôi đến mảnh đất này. Đến cái nơi mà tôi không thể nào dứt bỏ khỏi trái tim tôi...

VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.