Môn văn đang được học trò đầu tư như thế nào? Những bạn theo đuổi môn văn có cảm thấy lạc lõng trong thế giới của những người cùng trang lứa chỉ coi môn văn đơn thuần là phương tiện kiếm điểm lên lớp?
“Trộn” tài liệu cho thầy cô “hoa mắt”
Đề thi dạng mở kỳ thi đại học năm nay khiến nhiều thí sinh rất thích thú. |
Tham khảo ý kiến của một số HS cấp 2, 3 về môn văn, hầu hết câu trả lời chúng tôi nhận được là “học mệt”, “chi chi đâu”, “cô nói gì chẳng hiểu”. Học cho qua, soạn bài cho có, nên nhiều HS tới giờ văn là mở sách giải ra chép đủ các thứ mà không hiểu mình đang chép gì. Cô giáo trên cho hay: “Đọc bài làm, biết chắc HS có sử dụng sách giải, nhưng không biết đích xác đoạn văn ấy nằm ở trang nào, sách nào nên tôi không thể chấm điểm thấp mà cũng không thể cho điểm cao”. Để cô giáo “hoa mắt”, học trò cóp mỗi chỗ một vài câu và “trộn” thành bài.
Việc “triển khai ý tưởng”, “diễn đạt ý tưởng” được coi là khá xa vời. Viết cho đúng trọng tâm câu hỏi đã khó với nhiều HS. Cô giáo yêu cầu nêu tính nhân đạo trong tác phẩm của Nguyễn Du. HS tìm trong các sách thấy nội dung nào “dính” tới Nguyễn Du thì chép, mà không cần quan tâm nội dung đó có liên quan gì tới yếu tố nhân đạo hay không. Chép mỏi tay thì… ngưng. Có trò chép tài liệu nhưng thấy dài quá nên chấm câu giữa chừng cho... khỏe.
Nói "không" với học thêm văn
Có lẽ Văn học là một môn chính hiếm hoi mà phụ huynh và HS tỏ ra rất tuân thủ yêu cầu của ngành giáo dục: nói “Không” với việc học thêm. V., một HS lớp 8 cho biết: “Cả lớp không bạn nào đi học hè môn văn. Có bạn H. thích đi, nhưng mẹ không chịu vì cho rằng văn là từ bên trong con người mình viết ra. Lớp nào có đông bạn đi học thêm văn là vì cô giáo chủ nhiệm dạy môn văn”.
Tham khảo tại các trung tâm gia sư, chúng tôi nhận thấy học phí môn văn luôn thấp hơn tất cả các môn còn lại. Phụ huynh có thể kì kèo, lựa chọn kỹ giáo viên dạy các môn tự nhiên, nhưng lại khá thờ ơ trong việc chọn giáo viên dạy văn cho con. Vậy mới có chuyện nhiều sinh viên (SV) dạy các môn tự nhiên kiêm luôn dạy môn văn. “Chỉ cần đọc bài giải trong sách cho học sinh chép là được, chúng cũng không thích nghe giảng dài dòng đâu”, một SV nói. T., HS lớp 12, đang có ý định thi đại học khối D vào năm tới cũng tỏ vẻ thờ ơ: “Em đang luyện toán, Anh văn. Môn văn thì từ từ, vô năm rồi tính”.
Chị Minh Tâm, một phụ huynh (quận Sơn Trà) thẳng thắn bộc bạch: “Tôi không cho con thi ngành Văn vì ba lý do: thứ nhất thi khối này có quá ít sự lựa chọn trường, thứ hai nếu có thì mấy chuyên ngành này không “hot”, thứ ba ra trường rất khó xin việc và khó kiếm nơi có thu nhập cao”.
Tôi học văn, tôi... lạc lõng
“Khi có ai đó hỏi về nghề nghiệp, tôi trả lời mình dạy văn, liền nhận hai phản ứng. Nếu là người lớn tuổi, họ tỏ ra quý mến vì nghĩ người dạy văn hẳn sẽ biết cách ứng xử tốt với mọi người. Nếu là người trẻ tuổi, họ sẽ nhíu mày và hỏi lại: “Chắc cực lắm hả?”, một cô giáo tâm sự. Mang tâm trạng lạc lõng giữa chính những người đồng trang lứa, Nguyệt Sương, SV Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ: “Mình đang tham gia vào một lớp học Anh văn quốc tế, trong lớp chỉ duy nhất mình học ban C. Trong những giờ giải lao, chủ đề của các bạn thường xoay quanh các vấn đề về kinh tế, công nghệ... Tuy mình cũng hiểu biết về những lĩnh vực này, nhưng sao vẫn thấy cô đơn giữa những người trẻ tuổi”.
“Hơn 80% học sinh của các lớp chuyên văn làm những công việc trái nghề, rất ít bạn đủ quyết tâm đi theo con đường sư phạm, văn chương để truyền đạt cho thế hệ sau, mà nếu có theo được thì cũng không thể sống đến cùng với nghề”, một giáo viên dạy văn của Trường THPT Phan Châu Trinh cho hay.
Thông tin từ Sở GD & ĐT thành phố Đà Nẵng cho thấy, trong năm học 2009-2010, có gần 1.400 HS thi vào các ban khoa học xã hội của các trường THPT, chiếm 10,2 % trong tổng số học sinh, chỉ bằng 1/3 số học sinh thi vào ban khoa học tự nhiên. Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2009, trong số hơn 3.500 thí sinh thi vào ban C Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, chỉ có 590 thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên (chiếm 16,76%) cho môn văn, nhưng có tới gần 3.000 bài thi môn này đạt điểm dưới trung bình. Ở TP. Hồ Chí Minh có tình trạng nhiều thủ khoa của các trường ĐH chỉ được 2-3 điểm môn văn.
Ngô Đồng – Hướng Dương