.

Hành trình từ Đà Nẵng

.

Nói đến Lê Văn Hiến, người ta không thể không nhắc đến tác phẩm “Ngục Kontum” nổi tiếng của ông, nhưng với người dân Đà Nẵng khi nhắc đến ông là nói đến một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong cướp chính quyền và xây dựng chính quyền tại Đà Nẵng sau tháng Tám năm 1945.

Gần đây, thông qua ông Phan Vịnh và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam cũng như sự giúp đỡ nhiệt thành của các anh chị làm công tác tư liệu của Bộ Tài chính để dựng lại cuộc đời của Lê Văn Hiến, chúng tôi có dịp bổ sung nhiều sử liệu quý về ông, nhất là những đóng góp của ông cho cách mạng Việt Nam.

Những tờ công lệnh đặc biệt

Bác Hồ cùng đồng chí Lê Văn Hiến (người đứng ngoài cùng, bên phải) đang nghe Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe đọc văn kiện tại chiến khu Việt Bắc.

Tại cuộc hội thảo về Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến ở Hà Nội do Bộ Tài chính tổ chức vào cuối năm 2008, có nhiều ý kiến khen ngợi Lê Văn Hiến khi ông đề nghị với Bác Hồ thu dung những người lính Nhật thành những người “Việt Nam mới”, đóng góp rất nhiều công sức, máu xương cho cách mạng Việt Nam. Vài năm trước khi ông qua đời tại Hà Nội, nhiều chiến sĩ “Việt Nam mới” người Nhật đã cùng gia đình tìm đến thăm ông.

Ông Nguyễn Mạnh Thường – nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Phan Thanh tại Đà Nẵng năm 1946 nhớ lại: Trong khi chờ quân đồng minh đến giải giáp và cho về nước, do ta khéo léo vận động, nên đã có vài ba sĩ quan Nhật ở Đà Nẵng giúp ta về mặt huấn luyện quân sự. Qua số lính Nhật có cảm tình với ta, ta đã khám phá một số nơi chôn giấu vũ khí, đạn dược của Nhật, Pháp ở núi Phước Tường, xưởng Staca, sân bay Đà Nẵng… gồm nhiều đầu đạn đại bác 105 ly, 75 ly và thuốc nổ trong các quả thủy lôi của Nhật thả trôi dọc bờ biển. Nhờ đó, ta đã tích trữ khá nhiều nguyên liệu để sản xuất vũ khí và cung cấp cho cả Khu 5 sau này.

Một nội dung trong hội thảo về Lê Văn Hiến, do bà Nguyễn Thu Hà – cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh trình bày được nhiều người chú ý: Ngày 2-9-1945, đồng chí Lê Văn Hiến đã tháp tùng cựu Hoàng Bảo Đại rời Huế ra Thủ đô theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến Vinh, đồng chí đón Hoàng thân Xuphanuvông cùng ra Hà Nội để họp bàn một số vấn đề quan hệ Việt - Lào theo lời mời của Chính phủ. Tối ngày 4-9-1945, tại phòng khách trên tầng 2 của Bắc Bộ Phủ, Tổng bộ Việt Minh và Ủy ban Hành chính Hà Nội đã tổ chức tiệc chiêu đãi hai vị khách đặc biệt mà đồng chí Lê Văn Hiến mới tháp tùng ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Chính phủ đều tham dự.

Với những người làm công tác nghiên cứu, việc ông Lê Văn Hiến gìn giữ những tờ công lệnh, giấy đi đường của mình và bàn giao cho giới nghiên cứu lịch sử nước nhà là một hành động rất đáng quý. Trong những tờ giấy đi đường của ông Hiến, có giấy thông hành và Sắc lệnh số 70 có chữ ký Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 1-12-1945, cử Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến làm đặc phái viên Chính phủ ở Nam Trung bộ và Nam bộ. Sắc lệnh ghi rõ nhiệm vụ của đặc phái viên như: Kiểm tra, chỉnh đốn các cơ quan hành chính địa phương cho được thống nhất; Giải quyết các vấn đề, trừ nhiều việc có tính cách nghiêm trọng phải báo cáo về Chính phủ; thâu nạp các đơn từ khiếu nại hoặc nguyện vọng của nhân dân... Điều đó cho thấy Hồ Chủ tịch tin tưởng vào tài năng, đức độ của ông biết dường nào.

“Hiến tài... hái tiền!”

Hội thảo khoa học “Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến với cách mạng Việt Nam tại Hà Nội tháng 12-2008.

 

Cuối tháng 2 năm 1946, Lê Văn Hiến nhận lệnh trở về Hà Nội. Trước ngày Quốc hội họp phiên đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với ông “Chú sẽ thay chú Đồng (tức Phạm Văn Đồng) để chú Đồng sang làm Thứ trưởng Bộ Kinh tế!”. Trong một bữa ăn tối sau phiên họp Hội đồng Chính phủ, Hồ Chủ tịch có ra một câu đối vui: “Giáp phải giải Pháp”. Ông Tôn Quang Phiệt đối lại “Hiến tài hái tiền”. Cái hay của câu đối không chỉ ở vần, ở chữ, hai chữ đầu nói lái sẽ ra hai chữ cuối, mà còn ở chỗ nói được hai nhiệm vụ quan trọng của cách mạng lúc đó là đánh giặc và kiến quốc; câu đối còn hàm ý: ông Võ Nguyên Giáp phải “giải giáp” quân Pháp, ông Lê Văn Hiến phải “hái ra tiền” cho Chính phủ!

Trong suốt 12 năm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lê Văn Hiến đã có vai trò chủ chốt trong việc tổ chức công tác kinh tế tài chính, từ việc phát hành “Giấy bạc cụ Hồ”, tổ chức đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất và tiết kiệm gạo để nuôi quân, phát hành công phiếu kháng chiến,... đến việc lo kinh phí cho quân đội, cho các địa phương, cho các cơ quan Nhà nước, cho các hoạt động đối ngoại...

Ông đã có một sáng kiến độc đáo: tặng thưởng cho bộ đội bằng cách nêu danh bộ đội nào có chiến công oanh liệt vào serie giấy bạc đặc biệt phát hành trong toàn quốc. Sáng kiến đó, đã được Cụ Hồ khen ngợi là “hoàn toàn có tích cách tài chánh, không mất gì mà có lợi về nhiều phương tiện”.

Có thể nói, Lê Văn Hiến là một tấm gương mẫu mực về sự liêm khiết, sự cẩn trọng, tinh thần tự học nâng cao hiểu biết, tin cậy ở cán bộ và luôn cân nhắc kỹ trong mọi quyết định, mọi công việc liên quan đến từng đồng tiền, bát gạo của nhân dân. Tự nhận xét về mình, ông từng nói: “Theo lời dạy của Hồ Chủ tịch về cần kiệm liêm chính, mình tự xét mình chưa có gì đáng thẹn với 4 chữ ấy.
 
Chỉ ngại thiếu tài chứ sự siêng năng cần mẫn thì chắc có. Về tính tiết kiệm, khỏi lo ai nói mình bốc trời xa xỉ mà chỉ nghe người ta thường cho mình là “dân cá gỗ hạng nặng”. Về liêm khiết và chính trực, tự vấn lương tâm thật không có gì đáng thẹn. Đây là 4 điểm quan trọng đối với mình!”.

Lê Văn Hiến, một người con của quê hương Đà Nẵng, người đã giữ chức Bộ trưởng của hai bộ, đã được Đảng và Nhà nước truy tặng “Huân chương Sao Vàng” * với những đóng góp quý báu của ông cho cách mạng Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Đấy chính là một sự vinh danh và khẳng định nhân cách một con người hết lòng tận trung với Nước, tận hiếu với Dân cùng với một tinh thần Quốc tế cao cả.

L.A.R

* Lê Văn Hiến giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động từ ngày 2-9-1945 đến tháng 3-1946; Bộ trưởng Bộ Tài chính từ tháng 3-1946 đến 10-1958; Lễ truy tặng “Huân chương Sao Vàng” được tổ chức vào chiều ngày 15-8-2008 tại Hà Nội.

;
.
.
.
.
.