.

Hội An xưa dưới cái nhìn người ngoại quốc

.

Trong bốn trung tâm buôn bán lớn của Đại Việt với người ngoại quốc vào thế kỷ XVII-XVIII gồm Kẻ Chợ, Phố Hiến ở Đàng Ngoài và Hội An (Faifo), Tourane (Đà Nẵng) ở Đàng Trong, Hội An là nơi buôn bán sầm uất nhất - nơi vẫn được các thương gia nước ngoài ghé đến ca tụng như là một đầu mối giao thông, thương mại bằng đường biển quan trọng nhất của xứ Đàng Trong...

Hội An nhìn từ trên cao. (Ảnh TL)

Khi đương chức trấn thủ Quảng Nam dinh, Thế tử Nguyễn Phúc Nguyên đã cho phép các thương gia người Nhật, người Hoa xây dựng hai phố riêng rẽ cho người nước mình ở cảng thị Hội An. Ông cũng quyết định tổ chức Hội chợ Quốc tế hằng năm kéo dài trong bốn tháng, để nhân dân trong vùng và thương nhân các nước buôn bán, trao đổi hàng hóa tại cảng thị này. Hội An trở thành thương cảng mậu dịch với ngoại quốc và là nơi đô hội buôn bán lớn nhất của xứ Thuận - Quảng, cũng như có tầm quan trọng bậc nhất Đông Nam Á thời đó.

Sở dĩ lúc đó Hội An chiếm được địa vị quan trọng này là vì Quảng Nam là xứ giàu có tài nguyên, phần nhiều sản vật do đất này sản xuất, nên dễ dàng và nhanh chóng tập hợp những sản vật mà thuyền buôn ngoại quốc cần mua. Ngoài ra còn một lý do khác nữa, đó là chính trị. Vì sợ người ngoại quốc giả mạo thương gia để do thám, nên triều đình cho phép họ chỉ được tập trung, tụ họp ở những nơi nhất định có sự theo dõi, giám sát của quan quân triều đình, những nơi đó gọi là Bạc dịch trường (chợ quốc tế) để buôn bán, tập hợp hàng hóa và cấm họ đến kinh đô của Chúa Nguyễn ở Phú Xuân (Huế). Chính vì lý do này mà phần lớn các Bạc dịch trường của người ngoại quốc đến buôn bán với Đàng Trong đều tập trung ở Hội An.

Quảng Nam, dưới tầm nhìn của chính quyền đương thời, là trấn quan trọng dùng để cai quản phương Nam, đồng thời có nhiệm vụ trực tiếp giao thiệp với người nước ngoài và kiểm soát việc ngoại thương, xuất nhập khẩu. Thương gia, giáo sĩ ngoại quốc hay du khách muốn vào Đàng Trong qua cửa Hội An (hay Tourane - Đà Nẵng) phải đến ra mắt trấn thủ Quảng Nam trước.

Cristoforo Borri, một giáo sĩ người Italia đã đến Đàng Trong truyền đạo những năm 1618-1622 và mô tả Hội An ngày đó trong “Nhật ký về phái bộ mới của các Linh mục Giáo đoàn Giê-su ở Vương quốc Đàng Trong”, xuất bản tại Paris năm 1631, như sau:

“… người Trung Quốc và người Nhật Bản là những thương nhân chủ yếu của chợ phiên tổ chức tại Hội An này, năm nào cũng mở và kéo dài bốn tháng. Người Nhật Bản thường mang lại 4-5 vạn nén bạc, người Trung Quốc thì đi một thứ thuyền buồm đem lại nhiều tơ lụa tốt và các sản vật đặc biệt của họ. Do chợ này, Quốc vương thu được số tiền thuế lớn, toàn quốc cũng được nhiều lợi ích...”.

Thế nhưng đến năm 1695, theo lời của một nhà buôn người Anh là Thomas Bowyear thì không khí kinh doanh ở Hội An đã khác: “Faifo gồm một con đường phố bên bờ sông và hai dãy nhà, có khoảng 100 nóc nhà của người Tàu, cũng có 4-5 gia đình Nhật Bản. Xưa kia người Nhật là cư dân chính và làm chủ việc thương mãi ở hải cảng này, nhưng số ấy đã giảm bớt và của cải của họ cũng sút kém, sự quản trị công việc đã vào tay người Tàu”.

Sự thay đổi này cũng được Thích Đại Sán (một nhà sư người Trung Hoa đã đáp lời mời của Chúa Nguyễn Phúc Chu đến xứ Thuận - Quảng năm 1695) ghi lại trong “Hải ngoại ký sự”: “Hội An là một đầu mã lớn, nơi tập họp của khách hàng các nước; thẳng bờ sông có con đường dài 3-4 dặm, gọi là Đại Đường Nhai, hai bên đường phố nhà cửa ở bên nhau khít rịt, chủ phố đều là người Phúc Kiến (Trung Quốc) vẫn ăn mặc theo lối tiền triều (nhà Minh), phần đông phụ nữ trông coi việc buôn bán. Khách trú nơi đây hay lấy vợ người bản xứ cho tiện việc thương mãi...”.

Trong “Hồi ký về xứ Cochinchine (Đàng Trong)”, Pierre Poivre, một lái buôn phương Tây nhiều lần đến Hội An, cũng chép tương tự: “Faifo là hải cảng năng động nhất của xứ Cochinchine. Ở đấy có khoảng 6.000 người Trung Hoa và là những thương nhân cỡ lớn. Họ lấy vợ bản xứ và nộp thuế cho nhà vua…”.

Do cuộc chiến ở Đàng Trong kéo dài trong vòng 30 năm từ 1771 đến 1802 giữa quân Chúa Nguyễn và quân Tây Sơn, giữa quân Tây Sơn và quân Chúa Trịnh, đến cuối thế kỷ XVIII, Hội An dần dần trở nên vắng vẻ tiêu điều.

Cả một thời đông vui, sầm uất chỉ còn vang bóng trong khu đô thị xưa. Và cho đến ngày nay, mặc dù đã trải qua hàng mấy trăm năm với bao thăng trầm của lịch sử, sự khắc nghiệt của thiên tai bão lũ hằng năm, sự tàn phá của chiến tranh nhưng Hội An vẫn còn giữ lại trong lòng phố bé nhỏ của mình hàng trăm ngôi nhà cổ cùng với nhiều chùa chiền, đền, miếu, hội quán... ghi dấu một thời vàng son của Hội An khi các thương gia ngoại quốc đến đây buôn bán, lập nghiệp.

AN TRƯỜNG

 

;
.
.
.
.
.