Chất xúc tác cho kinh tế lần đầu tiên đã được khơi dậy từ Trung Quốc và các nước còn lại của châu Á hé mở hy vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ
Một cây cầu được xây dựng ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Theo báo New York Times, các nhà kinh tế học tiên đoán rằng, một Trung Quốc phát triển mạnh mẽ sẽ dẫn đến sự cạnh tranh và vượt qua Mỹ trong tầm ảnh hưởng kinh tế. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ vẫn hơn gấp 3 lần nền kinh tế Trung Quốc thì việc phát triển nhanh chóng của quốc gia thuộc châu Á này và trở thành đối thủ cùng với sự phục hồi của toàn cầu được cho là sẽ diễn ra sớm hơn mong đợi.
Neal Soss, chuyên gia kinh tế trưởng của Credit Suisse tại New York (Mỹ) nhận xét rằng, trung tâm kinh tế đã chuyển dịch được một thời gian nhưng sự suy thoái lần này sẽ đánh dấu một giai đoạn quyết định. Chuyên gia Soss nhấn mạnh: Chính châu Á đang vực dậy thế giới, chứ không phải Mỹ như vẫn thường xảy ra trước đây.
Kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng mạnh trở lại sau khi các ngân hàng nước này đã ký được hợp đồng cho vay trị giá 1.000 tỷ USD trong nửa đầu năm 2009, cùng với gần 600 tỷ USD từ chương trình kích cầu của Chính phủ. Theo báo New York Times, mặc dù các lợi ích có thể nhìn thấy hiển nhiên, nhưng một số chuyên gia kinh tế vẫn lo ngại rằng Trung Quốc có tăng trưởng bền vững không, hay chỉ gia tăng khả năng xuất khẩu, bất chấp sự thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng phương Tây
Giáo sư Kinh tế học Kenneth S. Rogoff tại Đại học Harvard danh tiếng của Mỹ nói: “Câu hỏi lớn hiện tại là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nếu nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu không tăng trở lại, tôi không chắc chắn châu Á sẽ có một kế hoạch B (một phương án khác dự phòng)”. Song, nhu cầu mạnh của người tiêu dùng và các công ty Trung Quốc là một trong những lý do khiến giá dầu tăng lên gấp đôi, hơn 70 USD/thùng, sau khi giá dầu đã sụt đến mức thấp nhất kỷ lục vào đầu năm nay. Và Trung Quốc có thể tiếp tục mua quốc trái Mỹ trong khi Washington đang đi vay nhằm chi trả cho vô số gói cứu trợ và kích cầu tốn kém mà Chính phủ nước này phải bỏ ra.
New York Times cho rằng, Mỹ cũng không còn là thị trường tiêu thụ quan trọng tuyệt đối của các nước phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu như Đức hay Nhật Bản nữa. Trung Quốc vượt qua Mỹ trong nửa đầu năm 2009 để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản. Trong khi đó, các nhà sản xuất châu Âu cũng đang tìm đến khu vực châu Á, thay vì phương Tây.
“Chúng ta đang mất dần giao dịch thương mại xuyên Đại Tây Dương với Mỹ. Chúng ta đang tiến gần đến Trung Quốc”, Jens Nagel - người đứng đầu bộ phận quốc tế của Hiệp hội Xuất khẩu Đức nói. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Mỹ sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của châu Á, theo đó kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm 2009.
Ông Soss nhận xét: “Sự phục hồi mạnh mẽ từ nước ngoài, đặc biệt là vùng Đông Á, là dấu hiệu cho thấy xuất khẩu và nhập khẩu Mỹ sẽ nhanh chóng tăng trở lại”. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã bắt đầu tăng lên 5,5 tỷ USD trong tháng 6 từ mức 4,1 tỷ vào tháng 1-2009. “Các con số dễ thay đổi nhưng khuynh hướng rất rõ ràng. Đây là điều đối lập lớn ở Nhật Bản - nơi hàng xuất khẩu của Mỹ vẫn đang giảm, nhưng ở Trung Quốc lại khác”, Robert Brusca – chuyên gia kinh tế của FAO Economics ở New York nhận định.
Tác động đến châu Âu
Một công trình xây dựng ở phía đông Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images) |
|
Song, khi nhu cầu từ khu vực tư nhân phải gánh lấy trọng trách vực dậy tăng trưởng, tiêu dùng tại châu Á được dự đoán là sẽ thay thế phần nào Mỹ bởi người dân tại đây đã tiết kiệm hơn sau khủng hoảng. Và nếu Trung Quốc phục hồi chậm thì một số chuyên gia lo ngại rằng vào nửa cuối năm 2009, nỗ lực của Mỹ để thoát khỏi cuộc suy thoái sẽ là điều khó khăn hơn.
Michael Saunders, chuyên gia phân tích của Citigroup cho rằng, trong các cuộc khủng hoảng đầu những năm 1990 và năm 2001-2002, kinh tế Mỹ đã là đầu tàu đưa nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Trung Quốc và các nước châu Á khác vào thời gian đó còn có dự trữ tiền mặt rất yếu. Nhưng một thập niên trở lại đây, thặng dự thương mại của Trung Quốc trong giao dịch với phương Tây đã tăng kỷ lục.
Hiện tại, nước này đang giữ 2.130 tỷ USD dự trữ ngoại tệ - điểm tựa vững chắc cho vị thế cường quốc kinh tế mới nổi. Citigroup gần đây tăng dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay từ 8,2% lên 8,7%, và năm sau từ 8,8% lên 9,8%.
Trong khi các nhà kinh tế như Soss hy vọng sự tăng trưởng như Trung Quốc sẽ lan sang Mỹ, ảnh hưởng này cũng tác động đáng kể đến châu Âu. Thực tế, sau khi kinh tế Đức và Pháp bất ngờ tăng trưởng dương trở lại trong quý 2 năm nay, ngân hàng Đức Deutsche Bank đưa ra một bản báo cáo có tựa đề: “Eurozone Q2 GDP: Sản xuất tại Trung Quốc?”. Cho đến nay, câu trả lời là khẳng định. Gilles Moec, chuyên gia kinh tế của Deutsche Bank tại London (Anh) cho biết: “Điều này thật thú vị, bởi thông thường châu Á không đóng vai trò quan trọng như vậy đối với sản xuất và xuất khẩu của châu Âu”.
Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu của Pháp sang Trung Quốc và các nước Đông Á tăng 18,7% trong quý 2, xoay chuyển hoàn toàn so với mức sụt 16,2% trong quý trước. Theo Gilles Moec, xuất khẩu của 16 nước khu vực sử dụng đồng Euro tăng 6,3% trong quý 2, sau khi đã giảm 6,2% trong quý 1. Simon Johnson, chuyên gia kinh tế từng làm việc cho IMF nhận xét: “Châu Á vẫn còn tương đối nhỏ so với thế giới, nhưng thế giới đang thay đổi, sức mạnh kinh tế sẽ có lúc chuyển thành sức mạnh chính trị”.
BÌNH YÊN (Theo New York Times)