.

Lơ lửng tai họa phơi nhiễm

.

Trước năm 1997, Đà Nẵng có khoảng 3.000 nạn nhân nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin, con số thống kê mới nhất hiện nay là có hơn 5.000 người nhiễm bệnh. Số người tiếp xúc và bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin vẫn chưa được xác định tới con số cuối cùng. Nhiều nạn nhân bị phơi nhiễm thuộc thế hệ thứ 2, 3 và xuất hiện một khái niệm mới: nạn nhân nghi nhiễm-số này hầu hết là trẻ em.

Nạn nhân nghi nhiễm

Nhiều địa điểm trong sân bay Đà Nẵng nhiễm dioxin và đến nay sau hơn 30 năm vẫn còn bốc mùi. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội VAVA Đà Nẵng cho rằng, những điểm nóng môi trường trong và quanh sân bay tiềm ẩn nhiều nguy cơ phơi nhiễm dioxin với con người. (Ảnh: Văn phòng Ban chỉ đạo 33)

Sinh năm 2000, Nguyễn Huy Kha từ khi sinh ra có thể trạng bình thường như bao em nhỏ khác. Nhưng đến 4 tháng tuổi, mắt Kha bắt đầu có dấu hiệu lồi ra, người vẹo vọ và em rơi vào tình trạng bất động do bại liệt. Ba mẹ bế Kha đến nhiều bệnh viện trong thành phố nhưng các bác sĩ đều kết luận em bị bại não. Đời em gắn liền với chiếc xe lăn, chỉ biết cười một cách ngây ngô và khóc.

Chị Phan Thị Ngọc Ánh, mẹ em Nguyễn Phan Hoài Linh, sinh năm 2001 cũng bị bệnh bại não kể rằng, trong suốt quá trình mang thai chị đi khám đều thấy bình thường, em bé chào đời khỏe mạnh trong niềm vui của hai vợ chồng. Nhưng gần 1 năm sau, thấy con chậm lớn, mắt lồi, ngây ngô, đi khám thì bác sĩ kết luận bé đã mắc bệnh. Chị Ánh ôm con ra Bắc, vào Nam, đến nhiều bệnh viện lớn với hy vọng y học hiện đại sẽ cứu con chị. Nhưng các bác sĩ chỉ biết lắc đầu bất lực.

Huy Kha và Hoài Linh là hai trong số 11 em bị mắc các chứng dị tật bẩm sinh do nghi ngờ nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin sinh từ năm 2000 trở lại đây ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Đây là một trong những khu vực gần sân bay Đà Nẵng, “điểm nóng” nhiễm chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh.

Toàn phường có 64 nạn nhân được xác định là khuyết tật nặng do nhiễm chất độc hóa học hoặc nghi ngờ nhiễm chất độc da cam/dioxin, chủ yếu là thanh-thiếu niên và thuộc thế hệ thứ 2, 3. Hầu hết cha mẹ những nạn nhân có thời gian sinh sống ở vùng đất này từ rất lâu, tức trên dưới 30 năm (trước và sau cuộc chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam). Người trẻ nhất có con bị nghi ngờ nhiễm da cam/dioxin là chị Ngọc Ánh sinh năm 1981. Còn tại phường Hòa Khê, quận Thanh Khê có đến 119 bệnh nhân khuyết tật bẩm sinh, phần lớn là người nghi nhiễm dioxin.

Tai họa không báo trước

Bé Nguyễn Văn Tuấn Tú 10 tháng tuổi mang trong mình nỗi đau da cam.

 

Năm 1991, từ Thanh Hóa vào làm nhân viên bán hàng thuộc Công ty Thương mại Masco, sân bay Đà Nẵng, chị Lưu Thị Thư ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu vẫn không thể nghĩ rằng trong tương lai gia đình nhỏ của chị mang nỗi đau da cam. Sống trong khu tập thể của sân bay, chị cũng như bao nhiêu người khác hằng ngày vẫn uống nguồn nước ngầm khoan từ lòng đất, ăn rau từ mảnh vườn nhỏ trồng cải thiện cạnh khu nhà ở.

Năm 1994 chị lấy chồng, năm 1995 sinh con gái đầu lòng. Năm 1997, anh Dũng chồng chị mới có điều kiện chuyển công tác từ TP. Hồ Chí Minh về Đà Nẵng. Anh làm công nhân ở Đội sân - đường thuộc Cụm cảng Hàng không miền Trung. Công việc hằng ngày của anh là nạo vét mương cống thoát nước của đường băng.

Ở đây có rất nhiều cá, lươn, chạch, anh Dũng cũng như anh em trong đội bắt về ăn thường xuyên. Theo TS.BS Lê Kế Sơn, nguyên Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tại Việt Nam (văn phòng Ban chỉ đạo 33): ở vùng được xác định nhiễm độc chất dioxin, người dân không được ăn ốc, cua, cá sống trong lớp bùn tại các hồ; không được ăn mỡ các gia cầm như gà, vịt vì dioxin thường tích tụ trong các mô mỡ của gia cầm.

Năm 2000, anh chị sinh cô con gái thứ hai. Bé sinh ra khỏe mạnh, bình thường như bao em bé khác. Nhưng khi được hơn 1 tháng tuổi, bé bắt đầu trở nên xanh xao, chân tay co quắp lại. Chị Thư đưa con đi khám thì được nghe kết luận bé bị thiếu máu huyết tán, gãy xương bệnh lý. Nhưng cô bé chỉ sống với chị được 7 năm, rồi mất.

Anh chị quyết định sinh bé thứ ba. Trong suốt quá trình mang thai, chị siêu âm cẩn thận; thăm khám ở những bác sĩ sản khoa giỏi nhất ở Đà Nẵng. Ngày bé trai của chị chào đời, lành lặn, khỏe mạnh, anh chị tràn trề hy vọng. Nhưng khi bé Tú được 10 ngày tuổi thì có những biểu hiện giống cô chị: người xanh do bị thiếu máu, thở khò khè. Chị Thư lại được nghe những kết luận như các bác sĩ đã kết luận về bệnh lý con gái.

Và Nguyễn Huy Kha không bao giờ đứng được trên đôi chân của mình bởi căn bệnh bại não. Em là nạn nhân nghi ngờ nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Chị không chấp nhận những ca bệnh giống nhau và một kết cục đau đớn. Hai vợ chồng chị ôm con ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây các bác sĩ cũng tiến hành chọc tủy xương, phân tích máu. Và bé Tú lúc đó mới hơn 1 tháng tuổi đã mang trong mình những căn bệnh mà đến nay y học vẫn còn bó tay: xương hóa đá, thiếu máu, thóp rộng, lách to… và một kết luận cuối cùng: bé đã bị nhiễm dioxin. Nguồn gốc lây nhiễm từ bố hay mẹ vẫn còn là một câu hỏi.

Anh Dũng và chị Thư chỉ biết ôm con về với nỗi đau tột cùng. Đã gần 1 tuổi, bé Tú đôi lúc nở nụ cười xa vắng. Do không có tủy, hằng tháng anh chị phải đưa con đến bệnh viện chuyền máu cho bé. Tú còn bị những cơn hen thường xuyên dày vò. Có lẽ không một nỗi đau nào có thể lớn hơn nỗi đau gia đình nhỏ này đang trải qua, các bác sĩ khuyên chị chân thành là không nên sinh con nữa, vì sẽ có những kết cục mang tên một vết thương của 4 đến 5 triệu nạn nhân da cam/dioxin trên đất nước này đang phải đối mặt hằng ngày.

Những nạn nhân không hề có lỗi, nhưng họ đang gánh một vết thương chiến tranh nhức nhối dù gần 35 năm cuộc chiến đã đi qua. Ở đâu đó, trong sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát, Biên Hòa; ở A Lưới, A Sao; ở những cánh rừng như đồi Sacly ở Ngọc Hồi, Kon Tum đến nay cây cỏ vẫn không mọc được. Vết thương trên da thịt con người, trên đất, trên mỗi làng quê Việt Nam đến bao giờ thôi chảy máu?

Bằng chứng và vấn đề đạo đức

Ngày 30-1-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA) quyết định đệ đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ. Trong phiên tòa mở lần đầu năm 2005 và phiên tòa phúc thẩm mở năm 2008, các thẩm phán Mỹ đều bác đơn của VAVA và nói đến vấn đề “bằng chứng”. Họ hàm ý cho rằng chưa có đủ bằng chứng về tác hại của dioxin trong người Việt Nam.

Trong thực tế nhiều cựu binh Mỹ mang bệnh tật do nhiễm dioxin và con số 4,8 triệu nạn nhân Việt Nam là một bằng chứng xác đáng. Nhưng chứng minh sự ảnh hưởng của dioxin trong sức khỏe con người vẫn còn là một thách thức lớn của khoa học. Ngoài một số bệnh ung thư mà giới khoa học đã có đầy đủ bằng chứng để cho rằng dioxin là một nguyên nhân chính, một số bệnh khác vẫn còn trong vòng nghi vấn hay cần thêm bằng chứng.
 

Hồ sen phía Nam sân bay Đà Nẵng được xem là điểm nóng về môi trường nhưng người dân vẫn không được khuyến cáo không nên ăn cá câu từ hồ.

Tại Đà Nẵng, năm 2008, Quỹ Ford đã tài trợ cho Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 thuộc Bộ Tài nguyên-Môi trường thực hiện dự án đánh giá toàn diện ô nhiễm dioxin tại phía Nam sân bay Đà Nẵng. Dự án đã hoàn thành việc thu thập và phân tích mẫu môi trường, xác định sân bay Đà Nẵng là điểm nóng nhiễm với nồng độ dioxin cao hơn mức cho phép hàng trăm đến hàng nghìn ppt (part per trillion-phần nghìn tỷ). Mới đây, công ty tư vấn Hatfield tiến hành thu thập và phân tích mẫu sinh phẩm (máu và sữa) của người dân sống xung quanh sân bay Đà Nẵng (tập trung tại khu vực phía Nam sân bay) sẽ cho kết quả trong thời gian tới.

Có thể thấy rõ hậu quả của chất độc da cam hiện nay mà cuộc chiến tranh Việt Nam để lại. Vết thương đó không dễ nhìn thấy khi đất nước đang trên đường phát triển kinh tế nhanh chóng. Nhưng những cư dân sống trong các vùng từng bị ảnh hưởng chất độc da cam là những người còn rất nghèo. Họ cần được giúp đỡ.

Xin trích ý kiến của GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan-Australia): …Mỹ là một quốc gia được xây dựng trên nền tảng dân chủ và sự thật, và không có lý do gì ngăn cản Mỹ nhận lãnh trách nhiệm về sai lầm và những hệ quả nghiêm trọng của chất độc da cam ở Việt Nam.

Chính phủ Mỹ có kế hoạch giải ngân 3 triệu USD viện trợ trợ giúp người khuyết tật Đà Nẵng thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), thực hiện 3 dự án hỗ trợ người khuyết tật trong 3 năm, từ 2009 đến 2011. Đối tác của 3 dự án là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

1- Dự án “Mạng lưới hỗ trợ người khuyết tật tại TP. Đà Nẵng” do Tổ chức Đông Tây Hội ngộ, Mỹ và Cơ quan Viện trợ Ailen (Irish Aid) tài trợ, với kinh phí năm đầu tiên (2009) là 486.355 USD.

2- Dự án “Mô hình phục hồi chức năng và hỗ trợ kinh tế cho người khuyết tật tại TP. Đà Nẵng” do Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam (VNAH), Mỹ tài trợ, với kinh phí năm đầu tiên là 382.000 USD.

3- Dự án “Tăng cường các cơ hội và dịch vụ kinh tế cho người khuyết tật tại Đà Nẵng” do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, Mỹ (Save the Children/US) tài trợ, với kinh phí năm đầu tiên là 191.743 USD.


Phóng sự của HOÀNG NHUNG

 

 

;
.
.
.
.
.