.

Lớn lên theo từng chuyến biển

.

Nhiều cậu bé chưa qua tuổi vị thành viên, chính thức bước lên tàu cá khi mới 12, 13 tuổi, bắt đầu với công việc nấu ăn, dọn dẹp trong mỗi chuyến biển, dần dần sẽ được học nghề bủa lưới, câu mực... nhiều năm sau sẽ được công nhận là trai bạn. Đó là một quá trình cần sự quyết tâm đến bền bỉ, bởi môi trường học nghề ở đây luôn gắn với đại dương bao la, nỗi “đỏng đảnh” của thời tiết và cả sự chai sạn, vượt qua mọi thử thách mới có thể trưởng thành.

Trần Văn Quốc (bên trái) và bạn đi biển đều ở độ tuổi 14, 15 tuổi. Theo các chủ tàu cá, có khoảng 20 em quê Quảng Ngãi hiện đang học nghề biển trong độ tuổi 12-16 tuổi.

Giữa lúc bạn bè cùng trang lứa hằng ngày cắp sách đến trường, chỉ biết ăn và học, thì nhiều cậu bé tóc còn khét mùi nắng đã rời bỏ sách vở, làm bạn với ghe tàu và mùi mặn mòi của cá tôm, bắt đầu cuộc đời đi biển. Khoảng hơn mươi năm về trước, lý do để nhiều cậu bé gắn bó với nghề biển có thể do nhà nghèo, đông anh em nên một vài người trong các gia đình vùng biển phải vào đời sớm. Nhưng nay lý do để các em chấp nhận lênh đênh sóng nước là bởi các em học yếu, bỏ học giữa chừng, không muốn gắn bó với việc học.

Cha mẹ thấy các em có thể rơi vào cảnh chơi bời lêu lổng nên đã gửi con cho chú, bác hoặc những chủ tàu ở cùng làng. Những đứa trẻ vùng biển dù có điều kiện học tập và trau dồi tri thức như bao em khác ở phố đã lựa chọn một con đường mà những người đã trải qua thấy tiếc cho các em.

Phải chăng do môi trường sống tác động khiến các em dễ ham chơi, sa ngã; hay đây là một bước lùi về nhận thức khi nghề biển giã đang gặp nhiều khó khăn, nhiều người đi biển có thâm niên vài chục năm đã chấp nhận lên bờ, thì nay những cậu bé chưa đến tuổi để được gọi là thanh niên, có điều kiện đến trường và chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm trước pháp luật lại “dấn thân” học làm ngư dân?

26 năm trước, anh Nguyễn Văn Phương, ở phường Thanh Lộc Đán, quận Thanh Khê xuống tàu học nghề khi mới 13 tuổi. Bắt đầu vào nghề làm những công việc như nấu ăn, tiến đến là học vá lưới, rồi kéo lưới; học nghề máy, học cách phát hiện luồng cá... giờ anh Phương đã là thuyền trưởng, được chủ tàu giao phó điều khiển cả con tàu.

Anh bảo, đi biển riết rồi không muốn lên bờ, với lại bây giờ cũng không biết học nghề gì để làm cho phù hợp. Còn mấy đứa con thì anh bắt chúng phải học. Và dù có khổ mấy anh cũng chấp nhận để nuôi con, để chúng có một nghề ổn định trên bờ, không phải bước xuống ghe như anh đã làm.

Có một điểm chung với những cậu bé đang theo các tàu biển là hầu hết có quê ở nhiều xã vùng biển của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và phần lớn tàu câu mực nhận các em đi biển, học nghề. Bởi mỗi tàu làm mực thường có chuyến biển kéo dài trên dưới 2 tháng, mỗi thợ câu ban đêm câu mực, ban ngày xẻ mực phơi ngay trên dàn phơi giữa biển, rất bận rộn nên các tàu rất cần người nấu ăn, chăm lo những công việc lặt vặt trên tàu.

Trần Văn Quốc quê ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ đang học lớp 9 cũng bỏ ngang, theo tàu của gia đình đi biển. Lên tàu, cậu được phân công nấu cơm, làm bếp. Và phải mất mấy tháng trải qua những cơn say sóng đến mềm người, Quốc mới quen dần với biển và bắt đầu học nấu cơm, làm đồ ăn. Những việc mà khi ở nhà cậu chưa bao giờ mó tay vào. Quốc tâm sự: “Lên tàu ai cũng bình đẳng như nhau, được phân việc rõ ràng.

Nếu muốn nhìn các anh, các chú học nghề thì cứ đứng nhìn, rồi làm thử, nếu không hiểu thì hỏi sẽ được chỉ dẫn tận tình. Nói chung là phải siêng năng mới được”. Cậu khẳng định chắc nịch như một người từng trải. Và trong hơn 2 năm gắn bó với tàu, với biển, tiền lương Quốc nhận được chứng tỏ sự thành thạo của cậu giữa biển: ban đầu làm đầu bếp được chia 50% so với mức chia lợi nhuận của mỗi trai bạn, khoảng 1 năm sau tùy theo sự siêng năng, làm được nhiều việc (trong đó có kéo lưới, đánh cá hay câu mực), tiền lương sẽ được nhận đủ 100% như các thành viên khác trên tàu.

Thu nhập của Quốc, ba cậu trả đầy đủ và cậu bé sau hơn 2 năm đi biển đã dùng số tiền của mình rất có ý thức, đó là dành một ít để uống cà phê với bạn bè giữa những đợt nghỉ trước khi ra khơi, số còn lại đem gửi má để sau này làm vốn. Quốc và nhiều anh em thuyền viên nhận xét rằng, nhiều em chấp nhận khổ, lên tàu làm cật lực, nhưng sau mỗi chuyến biển, nhận tiền về quê lại có cảnh “đàn đúm” với bạn bè, rất ít phụ giúp gia đình. Cùng đi biển với nhau, các anh có khuyên bảo đủ điều nhưng khi lên đến bờ thì kiểu ham chơi vẫn không bỏ được.

Một chủ tàu QNg 98... TS xin giấu luôn tên cậu thanh niên cũng ở xã Phổ Cường đi trên một chiếc tàu của anh (rất tiếc chúng tôi đã không gặp được nhân vật do em đã theo tàu ra khơi, chuyện được nghe kể lại), bắt đầu đi biển lúc 14 tuổi. Do cha mẹ mất sớm, ở với ông nội nên em đã được ông đưa đến gửi học nghề ở tàu cá. Ban đầu em cũng nhận việc nấu cơm. Sau một thời gian, em tự học nghề bủa lưới, kéo lưới như một ngư dân thực thụ.

Đến nay đã hơn 16 tuổi, em có một số vốn kha khá với khoảng hơn 50 triệu đồng. Đây là con số mơ ước của nhiều ngư dân, bởi trong điều kiện thu nhập nghề biển không được cao, khá bấp bênh do mọi chi phí cho chuyến biển tăng cao trong khi giá cá thấp, thì một thanh niên rất trẻ đã làm việc và tiết kiệm được một số vốn cũng là một tấm gương bền bỉ chịu khó của một ngư dân giỏi trong tương lai.

Những ngư dân ở Đà Nẵng khi được hỏi đều khẳng định, họ mong muốn con cái học hành đến nơi đến chốn, không phải theo nghề biển bởi nghề này tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi việc đánh bắt của ngư dân hầu như dựa vào sức người và phó mặc sự may rủi cho thời tiết. Người đi biển, vì thế cũng đang ít dần. Và thay vào đó là những thanh niên ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, lớp trẻ thay thế lớp già.

Nhưng những em đang học lớp 7, lớp 8 lại bỏ ngang nửa chừng vì lười học, vì những trò chơi trên mạng cám dỗ, đã xin lên tàu học việc hoặc được gia đình gửi gắm đi biển, tức là các em đã bỏ lỡ một cơ hội được học hành trong khi ở nhiều nơi, để được đến trường, nhiều em đã chấp nhận làm thêm hoặc đến trường trong sự thiếu thốn.

Nhiều năm nữa, khi vấn đề đánh bắt thủy sản được hiện đại hóa, tàu và ngư lưới cụ được đầu tư công nghệ hiện đại, thì trình độ của những ngư dân đang nối bước có bảo đảm để đảm nhận và điều khiển những chiếc tàu hiện đại, trong khi thời tiết cũng như ngư trường ngày càng phức tạp, cần đến sự vận hành của những người vừa bảo đảm cả trí tuệ và kinh nghiệm...

Hiền Lương

 

 

;
.
.
.
.
.