Năm 1992, từ Nhà khách của UBND huyện Núi Thành, tôi chứng kiến qua truyền hình chiến thắng 2-0 trước Cảng Hải Phòng và lễ đăng quang của Đội tuyển bóng đá Quảng Nam-Đà Nẵng. Những giọt nước mắt hạnh phúc, những vòng tay siết chặt, những tiếng reo hò như muốn xé toang lồng ngực…, tất cả giống như một giấc mơ!
17 năm trăn trở của ước mong, khắc khoải bởi đợi chờ, quả là một khoảng thời gian thật dài. Có lúc, tưởng như nỗi khát khao dằng dặc ấy sẽ làm cho ngay cả con sông Hàn cũng phải nặng trĩu những băn khoăn…
Thế kỷ XXI đã thắp sáng cho nhân loại một niềm tin mới, sức mạnh mới! Có thể nói rằng, Đà Nẵng là một trong rất ít những địa phương đạt được nhiều thành công - kỷ lục nhất trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này. Chợt nhớ, cách đây hơn 17 năm, tôi đã từng xuất bản một cuốn tiểu thuyết về Đà Nẵng, về chiến tranh với những “ngày hè đỏ lửa”, nhan đề Tro và Lửa lạnh, dày 370 trang. Ý tưởng của “lửa lạnh” bật ra từ rất nhiều buổi tối đứng trên bờ sông Hàn với lắm ý nghĩ mông lung chợt đến, khi ngắm nhìn sự trầm nặng, tích tụ mênh mông của một dòng sông.
“Không phải lửa tạo ra tro mà chính bởi tro đã tạo nên hình hài ngọn lửa”, là cái tứ dội lên từ lịch sử: Tại sao cả người Pháp lẫn người Mỹ đều chọn con sông này để mở đầu hai cuộc chiến tranh (1-8-1858 và 8-3-1965)? Lịch sử đã từng “lựa chọn” Đà Nẵng để cả dân tộc, nòi giống Việt bước vào hai (trong một) cuộc kháng chiến trường kỳ vinh quang, trường kỳ thử thách, dài đến gần 120 năm. Lịch sử có “chọn” tiếp hay không cái “vị thế” ấy trong thời đại mới?
Câu trả lời đã và đang được định rõ hình hài với bộn bề sự kiện. Những cái đầu tiên, những cái nhất, cứ như sóng nước sông Hàn dồn dập gọi về. Đà Nẵng là thành phố đầu tiên không có người ăn xin, thành phố đầu tiên mà tất cả những người đạp xe thồ lam lũ nhận được quà Tết ấm đậm tình người, là thành phố đầu tiên xây dựng Trung tâm Hành chính hiện đại, là địa phương đầu tiên xây Bệnh viện ung bướu hoàn toàn miễn phí, địa phương “sạch” nhất về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, là nơi khởi công xây dựng trường Đại học Quốc tế đầu tiên của cả nước… Và, bây giờ, Đà Nẵng đã tạo ra một điều đầu tiên mới mẻ nữa của bóng đá Việt Nam: Lê Huỳnh Đức đã trở thành nhà vô địch “kép” - vừa là cầu thủ vô địch quốc gia vừa là HLV Trưởng câu lạc bộ vô địch quốc gia!
Thành công của Lê Huỳnh Đức không đến từ sự ngẫu nhiên. Khi anh phải “nuốt nước mắt rời khỏi câu lạc bộ Ngân hàng Đông Á”, Lê Huỳnh Đức đã thực sự “được hồi sinh” (Người Lao Động, 5-8-2009). Đức đã “chịu ơn mảnh đất này biết bao”; bởi ở đây, anh đã nhận được sự cởi mở, bao dung như biển trời lồng lộng; sự cảm thông nhẹ nhàng và dung dị như “đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi”; sự chân tình, mộc mạc của người dân giống như con sông Hàn lặng lẽ miệt mài… Chợt nhớ đến lời của một bài hát Nga: Dabôta u nax praxtai-a. Dabôta nasa takai-a: Sự chăm sóc, lo lắng (cho người khác) của chúng tôi (thật ra) rất giản dị. Con người chúng tôi là thế và chỉ có vậy thôi…
“Người Đà Nẵng” hôm nay đã và đang đem đến cho ngày mai thật nhiều những dấu ấn mới ngọt ngào. Những cách nghĩ sâu sắc, tầm nhìn xa rộng, cách làm mới táo bạo, đã tác động mạnh mẽ và nhanh chóng lên mọi mặt của đời sống, xã hội. Bóng đá là một phần - một hệ quả trực tiếp trong cái guồng đổi thay nhanh đến chóng mặt của thành phố lớn nhất miền Trung.
Trong số báo Thanh Niên ngày 4-8-2009, khi được nhà báo hỏi về sự sa sút của bóng đá TP. Hồ Chí Minh, HLV Lê Huỳnh Đức đã bộc bạch rằng đó là “một hình ảnh không thể không đau lòng”; rằng “Tôi chỉ là người làm thể thao nên không dám phân tích ở các góc độ khác, nhưng tôi nghĩ có thể tất cả bắt nguồn từ sự quan tâm và đầu tư chưa thỏa đáng.
Chừng nào những điều đó được khắc phục may ra bóng đá TP. Hồ Chí Minh mới tìm lại được chính mình”. Nói về nơi mình đã lớn lên, trưởng thành trong bóng đá, nhưng Lê Huỳnh Đức đã gián tiếp và khá ý vị khi khẳng định thành công của anh, của SHB Đà Nẵng được bắt đầu từ sự quan tâm, đầu tư, chăm sóc, động viên, đồng hành chu đáo của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể người dân Đà Nẵng!
Bóng đá chỉ là một môn thể thao. Nhưng đối với người Brasil, người Argentina, người Anh, người Việt Nam…, thì đó còn là máu thịt, là nguồn năng lượng sống, là đam mê và khát khao mãnh liệt đến vô cùng. Không phải tự nhiên mà bóng đá được suy tôn (khẳng định) là môn thể thao vua. Trong cái “trò chơi” như chính cuộc đời ấy có đủ tất cả những cái hay, cái dở của con người.
Sự táo bạo, tỉnh táo, tầm nhìn thông minh của người chỉ đạo (nhà lãnh đạo) và những trớ trêu may rủi khóc nghẹn đến thẫn thờ của người dân (cầu thủ); cái cao thượng và những sai lầm; cái hết mình của cá nhân và vai trò của tập thể; cái rõ ràng và tính mơ hồ của luật lệ; mối liên hệ vừa xa vừa gần giữa một cá thể (sân bóng) với cả xã hội (khán đài, truyền hình)…, là những điều mà không một môn thể thao nào có được!
Bóng đá là cuộc đời. Vì thế, con người phải sống hết mình để tìm thấy cơ hội từ thách thức luôn nóng giãy của nó. Chiến thắng chỉ đến với ai kiên trì, biết vượt qua gian khổ, khó khăn. Thành công chỉ đến với sự đồng tâm, đồng hướng của tất cả. Dường như lịch sử luôn “thích làm” ngược lại với những cái tên. Hàn Quốc có nền kinh tế nóng và phát triển vào loại bậc nhất của hành tinh. Nước sông Hàn của Đà Nẵng đang lan tỏa nhiệt tình, sức sống mới. Người dân Đà Nẵng có quyền tự hào vì SHB Đà Nẵng đã biết chuyển lửa từ cuộc sống, đổi thay; để thắp sáng thêm sự rực rỡ của những thành công đang đến, ngày ngày…
Hà Văn Thịnh