.

Mổ tim hở cần nhiều máu

.

Khác với mổ tim kín – mổ trong lúc tim vẫn đang đập, mổ tim hở là mổ trong lúc tim đã ngừng đập, phổi ngừng thở, phải cho người bệnh dùng tạm thời tim, phổi nhân tạo. Mổ tim hở khó hơn, thời gian mổ kéo dài hơn, nhất là cần một lượng máu nhiều hơn.

Máu hiến tăng, người chết giảm.

Ca mổ tim hở đầu tiên tại Đà Nẵng được các y, bác sĩ Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ thực hiện thành công vào trưa ngày 28-7-2006 với sự hỗ trợ của nhóm y, bác sĩ Khoa Tim mạch lồng ngực BV Trung ương Huế, sau 3 giờ phẫu thuật. Khi lên bàn mổ, cháu Mai Thị Như Ý ở phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, lúc đó chỉ mới 28 tháng tuổi, nay cháu đã học lớp mẫu giáo lớn và phát triển bình thường. Anh Mai Phước Vinh, ba của Như Ý, hiện công tác tại Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng nhớ lại: Lúc đó, theo yêu cầu của bác sĩ, tôi và cậu của cháu vừa cho máu, vừa mong bình an mọi sự.

Do thể trọng của cháu chỉ nặng 10kg nên ca mổ ấy chỉ tốn 2 đơn vị máu. Thực tế, theo Bác sĩ ThS. Ngô Đức Hải, Phó Giám đốc – Trưởng khoa Ngoại tim mạch lồng ngực BV Hoàn Mỹ, có những ca đặc biệt cần đến hơn 40 đơn vị máu toàn phần và các sản phẩm của máu như huyết tương, hồng cầu khối, tiểu cầu. Đó là trường hợp một bệnh nhân đau tim dẫn đến đau gan làm bụng bị cổ trướng, các bác sĩ phải phẫu thuật thay van tim 2 lá. Nay thì bệnh nhân đã bình phục, bụng đã nhỏ lại.

Bác sĩ Hải giải thích, khi mổ tim hở phải dẫn máu ra ngoài để tim, phổi nhân tạo chuyển hóa máu đen thành đỏ trước khi đưa vào lại ống động mạch chủ nuôi cơ thể nên các bác sĩ pha chất chống đông vào máu. Chất này làm tan tiểu cầu, vì thế, mổ càng lâu, máu càng tan và càng mất máu. Bình thường một ca mổ chỉ mất khoảng 2-3 giờ, những ca mổ thay van động mạch chủ mất 6-7 giờ, thậm chí có ca kéo dài đến 11 giờ. Mổ tim hở, vì thế, nếu chưa có ít nhất 4 người nhà trùng nhóm máu với bệnh nhân thì chưa thể tiến hành phẫu thuật.

Máu bảo quản trong tủ lạnh sẽ giảm dần lượng tiểu cầu. Máu “tươi” vừa lấy của người nhà bệnh nhân có đầy đủ các thành phần của máu. Tuy nhiên, theo Dược sĩ Ngô Viết Phú, Trưởng khoa Xét nghiệm BV Hoàn Mỹ, không phải bệnh nhân nào cũng may mắn có nhóm máu trùng với người nhà. Cách đây mấy tháng, có một ca mổ tim hở ở BV Hoàn Mỹ phải huy động đến hơn 20 người nhà mà chỉ có 1 người trùng nhóm máu AB với bệnh nhân, cuối cùng phải nhờ đến “Ngân hàng máu sống” của Hội Chữ thập đỏ thành phố.

Một ca mổ tim hở ở BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng. (Ảnh do BV cung cấp)

 

Nhu cầu về máu cho phẫu thuật nói chung, mổ tim hở nói riêng ở BV Hoàn Mỹ ngày một tăng, nếu năm 2007 cần đến 1.239 đơn vị máu thì năm 2008 con số này đã tăng lên 1.946, dự kiến trong năm 2009 này sẽ còn cao hơn nữa. Phần lớn lượng máu này do Trung tâm Huyết học – Truyền máu BV Đà Nẵng cung ứng theo dạng cần đâu lấy đó, bởi theo Dược sĩ Phú, máu nhận về không được phép để lại ở BV Hoàn Mỹ, trong ngày dùng không hết phải trả cho trung tâm, vì ở BV Hoàn Mỹ không có thiết bị bảo quản máu chuyên dụng.

Sau ca mổ tim hở đầu tiên (với chi phí khoảng 40 triệu đồng do BV Hoàn Mỹ tài trợ) được giới y học đánh giá cao, đến nay BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã thực hiện 179 ca mổ tim hở, trong đó tử vong 3 ca, tỷ lệ 1,67%. Đây là một con số khả quan, bởi theo BS Hải, ở các trung tâm tim mạch, tỷ lệ tử vong dưới 5% đã được đánh giá là tốt. “Nếu không có một loại thuốc cực kỳ cần thiết là máu, đặc biệt là máu “tươi”, thì các ca mổ nói chung, mổ tim hở nói riêng ở Hoàn Mỹ không đạt được những kết quả mỹ mãn như thời gian qua. Tất cả đã chuẩn bị đâu vào đó rồi mà thiếu máu là coi như đổ sông, đổ biển” – Bác sĩ khẳng định.

VIÊN PHÚC QUÂN

 

;
.
.
.
.
.