.

Môi cười nhìn mắt khóc

.

Ngày 7-7-2009, trong khi cả nước Mỹ và cả hành tinh lắng chìm trong những cảm xúc đưa tiễn “Vua nhạc Pop” Michael Jackson về cõi vĩnh hằng, có một nhà thơ Mỹ lặng lẽ rời nước Mỹ đến Việt Nam chỉ để thêm một lần nhận ra sự phi lý của cuộc chiến tranh đã xảy ra giữa hai nước. Đó là nhà thơ Frederick Turner.

Nhà thơ F.Turner (trái) và tác giả tại đền Đô. Ảnh: Trần Nghi Hoàng

Frederick Turner là một nhà thơ có vóc dáng cao lớn với gương mặt thông minh và bộ râu quai nón. Ông sinh năm 1943 ở Anh, là con trai nhà nhân chủng học lừng danh (chuyên về biểu tượng và sinh hoạt tôn giáo châu Phi) Vitor Turner. Gia đình ông nhập cư vào Mỹ năm 1967. Ông là một trong những giáo sư sáng lập ra trường Nghệ thuật và nhân văn thuộc Đại học Dallas, bang Texas – Mỹ. Ông là tác giả của nhiều tập thơ, tiểu thuyết và phê bình nổi tiếng ở Mỹ như “Bão tố” (Tempest), “Ống sáo và xứ OZ” (flute and OZ)… và là dịch giả các tập thơ Hungary, thơ Đường. Mùa hè năm 2007, ông đã mời giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, nhà thơ Hoàng Trần Cương và tôi sang Dallas để dự Hội thảo về trào lưu nói trên. Mùa hè năm nay, lần đầu tiên ông đến Việt Nam.

Mặc dù từ phi trường Nội Bài tới Khách sạn Camelia phố Chân Cầm đã rất khuya, Frederick Turner vẫn dậy rất sớm đi ra Bờ Hồ (Hoàn Kiếm) hòa vào dòng người đi bộ và tập thể dục hàng sáng. Trở về ăn phở bò Lý Quốc Sư cùng chúng tôi, câu đầu tiên ông nói là: “Không hiểu sao đất nước các bạn nhìn ai cũng thấy gương mặt hiền hòa, mến khách mà đã từng phải chịu bị Mỹ ném bom nhiều năm. Thật phi lý hết sức”.

Trong thư điện tử ông viết cho Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến ngày 20-6-2006 có bày tỏ một ước mơ: “Tôi được biết Việt Nam có một lịch sử văn học sáng giá. Tôi mong muốn có ngày được đến thăm Văn Miếu – ngôi đền của văn học”. Giờ đây ước mơ đã thành hiện thực. Ông bước vào Văn Miếu với câu buột thốt: “Như hiện ra một phép lạ”. Cứ thế, vừa thắp hương các bàn thờ, ông vừa trầm tư đi bên hàng bia Tiến sĩ.

Frederick Turner lấy một người vợ Trung Quốc tên là Chang Mei-lin từ năm 1966. Bà là chủ bút một tạp chí văn học. Đấy là lý do để ông dịch thơ Đường bằng vốn tiếng Hoa của mình cùng sự trợ giúp của vợ. Với vốn tiếng Hoa ấy, ông đã đủ để đọc và hiểu sơ bộ nội dung trên các bia Tiến sĩ. Càng đọc, càng hiểu, ông càng trầm trồ, xuýt xoa.

Từ ngôi đền văn học được xây dựng từ thời Lý, Frederick Turner cùng chúng tôi lên đền Đô thăm nơi thờ 8 vị vua Lý. Trước khi vào thắp hương trong đền, ông đã được thưởng thức một canh quan họ làng do các liền anh, liền chị thuộc nhóm của liền chị Nguyễn Xuân Lan trình diễn tại Thủy đình trước đền bên hồ bán nguyệt. Ông quá ngạc nhiên trước vẻ đẹp giai điệu của những “Khách đến chơi nhà”, “Mời trầu”, “Còn duyên”… và cả quyết ngay quan họ chắc chắn sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể khi nghe câu chuyện tâm sự của các liền anh, liền chị.

Chuyện ngẫu nhiên như một điều lành là khi chúng tôi vừa bước vào cửa đền, có ngay một quả muỗn chín rụng xuống. Ông khoái chí nhặt lên và ăn ngon lành. Frederick Turner bày tỏ rằng đền Đô đẹp hơn nhiều đền ở Trung Quốc. Ông còn thích thú khi thấy trên nóc đền các cụ đặt phượng (văn hóa) ở trên rồng (quyền lực). Thật vui khi ngồi vào bữa ăn trưa với những bánh đúc chấm tương, những món ăn dân dã của làng quê Kinh Bắc, Frederick Turner ăn rất ngon lành.

Vừa ăn lại vừa tiếp tục nghe hát. Các làn điệu quan họ cứ mềm mại thả vào không gian những dải lụa âm thanh, khiến ông cao hứng xin hát một bản dân ca của Scotlen gốc gác. Ấn tượng quan họ đã khiến ông viết ngay một bài thơ mang tên “Những người phụ nữ Việt Nam” (The woman of Viet Nam) mà nhà thơ Hoàng Trần Cương sau khi nghe dịch nghĩa thì xuất chiêu dịch ngay thành thơ: “Em đỏ tía trong mượt mà áo lụa/ Nhắc anh nhớ về một bờ dương liễu/ Những giai điệu như những bàn tay mời gọi/ Cất lên tiếng ca thánh thót chim trời…”.

Frederick Turner là một nhà thơ nhiều cảm xúc và yêu trẻ thơ. Từ Kinh Bắc về, ông muốn được tới thăm một nhà xuất bản sách thiếu nhi. Chúng tôi đưa ông tới NXB Kim Đồng. Vừa hay, Nhà xuất bản mới cho “ra lò” cuốn sách nhạc “Bác Hồ - người cho em tất cả”. Thế là mỗi người được tặng một cuốn. Sách in đẹp, trình bày cũng đẹp khiến ông có vẻ hài lòng.

Hóa ra Frederick Turner cũng biết chuyện trên đường lênh đênh bốn biển, năm châu, Bác Hồ đã đến Mỹ đầu tiên ở Boston và New York nhiều năm. Câu chuyện giữa ông và Tổng biên tập NXB Nguyễn Huy Thắng (con trai cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng – vốn từng làm Giám đốc đầu tiên của NXB) đã mở ra nhiều triển vọng hợp tác về giới thiệu bản thảo, giới thiệu mảng sách tiếng Anh ở Mỹ.

Từ những giai điệu quan họ, chúng tôi cùng ông xuống Vịnh Hạ Long – di sản thiên nhiên của Thế giới. Ở Hạ Long, chúng tôi và ông đọc thơ cho nhau nghe. Ông rất thích cái khí lực trong thơ chiến tranh của Hoàng Trần Cương và nhiều chia sẻ với thơ về thân phận người lính của tôi. Rất may, chuyến thăm Việt Nam của Frederick Turner lại trùng với chuyến ra Hà Nội của người bạn thơ gốc Việt đang sống ở Washington D.C tên là Trần Nghi Hoàng. Nhờ Hoàng thông dịch mà câu chuyện trôi chảy và hào hứng. Ông cũng thích thơ Hoàng, một thứ thơ muốn vượt ra khỏi mọi sự kiện, chỉ khai thác tâm tưởng. Hoàng đã về Việt Nam hơn một năm, ở Hội An vừa sáng tác, vừa dịch sách.

Hoàng tâm sự: “Ở Mỹ 33 năm buồn quá. Về Việt Nam thật vui và dễ sống”. Thật hồn nhiên khi Frederick Turner và Trần Nghi Hoàng lại gặp nhau và chia sẻ với nhau ở Hà Nội chứ không phải ở Mỹ. Cảm xúc khiến cho ông viết bài thơ mang tên “Thi sĩ” tặng ba chúng tôi. Hoàng Trần Cương lại lên cơn xuất thần dịch ngay mặc dù chẳng biết một chữ tiếng Anh bẻ đôi, chỉ nhờ vào phần ý mà Hoàng dịch ra: “Xuyên thủng sự mung lung của mọi đế chế/ Vượt thoát mọi nỗi đau trần tục đang lúc nhúc trong những tiếng cười /Bay lên từ nỗi đau thương nhất/ Họ, những thi sĩ của trần gian /Bằng trái tim cất lên tiếng đàn /Xuyên thủng mọi vách ngăn - Đến với nhau bằng tiếng cười thánh thiện”.

Không chỉ dịch thơ của Frederick Turner, Cương còn dịch cả thơ tiếng Anh của Hoàng do Hoàng nói ý ra. Bài thơ tên là “Ký ức mất tích”: “Dội lên từ đáy lòng tôi những ký ức đã chết chìm/ Quặn lên từng lớp, từng lớp/..../ Chỉ còn lại giọng hát vàng của một con chim không biết tên / Đang thản nhiên rụng xuống”.

Cơn hứng khởi khiến cho chàng thi sĩ xứ Nghệ có khuôn mặt “buồn như đá” còn “xuất khẩu thành thơ” một bài thơ mang tên “Bất chợt sống” tặng Frederick Turner: “Chợt vẳng xuống từ tinh không/ Chợt dội lên từ đáy biển/ Chợt hiện lên từ mặt đất/ Chợt về dưới mái hiên / Những tiếng cười thánh thiện/ Những ánh mắt con người/ Những lời không thành tiếng/ Những miền không mốc giới/ Là tôi/ Và bạn tôi/ Môi cười nhìn mắt khóc”.

Một tuần lãng du đã qua quá nhanh với những chia sẻ, với những cảm xúc dâng trào. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nói đùa: “Ông Turner đến Việt Nam một tuần, mà hiểu được Việt Nam bằng những người Mỹ đi du lịch phải đi đến mấy năm trời”. Thật vậy, đúng là “lòng thành cảm kích trời đất”.

Nguyễn Thụy Kha

 

;
.
.
.
.
.