.

Một cuốn sử ca đáng quý

.

Với Việt Nam lục bát sử (*), nữ tác giả đa tài Ngọc Thiên Hoa lại đem đến cho độc giả một bất ngờ thú vị. Có độ dài tới gần 5.000 câu lục bát, Việt Nam lục bát sử bám sát vào cuốn Việt Nam sử lược (VNSL) của Trần Trọng Kim. Điểm đáng nói nhất của Việt Nam lục bát sử là khả năng tải theo các sự kiện lịch sử của những câu thơ lục bát hiệu quả và tiện dụng cho người muốn nhớ sử từ thời Hồng Bàng kéo dài cho đến khi thực dân Pháp hoàn thành việc biến toàn cõi Việt Nam thành thuộc địa của họ những năm đầu thế kỷ XX.

 

Tức là văn học được sử dụng như một phương tiện để tải lịch sử. Có thể vì thế mà trong Việt Nam lục bát sử các sự kiện lịch sử được dồn nén, cô đọng tới mức tối đa, để trong một câu 6 hay 8 chữ, cung cấp được nhiều tư liệu nhất - và đó cũng là điểm độc đáo thú vị của cuốn sách. Chẳng hạn một đoạn rất dài trong VNSL Nhà tiền Lý (544-602): 1 - Lý Nam Đế; 2 - Triệu Việt Vương; 3 - Hậu Lý Nam Đế đã được Ngọc Thiên Hoa tóm lại trong một đoạn thơ rất dễ nhớ như thế này:

Giao Châu thóc chín lưng chừng

Thân trâu, kiếp ngựa vang lừng trống khua.

Ngoài biên, giặc Tống hơn thua

Bên trong, Lâm Ấp vào mùa phá ranh.

Bên Tàu, lưỡng thổ phân tranh

Tề vừa phế Tống, Lương thanh toán Tề.

Tham tàn thái thú, người ghê

Hùng tâm, Lý Bí giương cờ diệt gian.

“Vạn Xuân” thoát cảnh lầm than

"Thái bình thiên đức", xua tan bóng tà.

Bình minh chiếu sáng sơn hà

Thanh bình tự chủ như là đến phiên!

Nghe qua, Lương Đế đảo điên

Xua quân lấn chiếm, Bá Tiên phụng quyền.

Thua đi, thắng lại truân chuyên

Lý Bôn quyết định trao quyền Triệu Vương.

Một đoạn khác trong VNSL Lịch Triều Lược Kỷ: 1- Nam-triều Bắc triều; 2- Trịnh Nguyễn phân tranh khi chuyển sang Việt Nam lục bát sử của Ngọc Thiên Hoa, trở thành:

Nước Nam một cõi biển Đông

Ngô Vương đuổi Hán uy phong lẫy lừng.

Tiên Hoàng dẹp loạn sứ quân

"Quan quang thượng quốc" vào chừng sáu trăm.

Hậu triều Lê quá hoang dâm

Để cho họ Mạc ngấm ngầm cướp ngôi.

Phục hưng Lê cũ xa rồi

Lê Trung Hưng mới chia đôi nước nhà.

Dĩ nhiên, mỗi loại hình có ưu thế và hạn chế riêng của nó, không thể cái này thay thế cái kia. Nhưng chỉ riêng việc nỗ lực làm cho người đọc hào hứng học lịch sử, khơi gợi ở họ những cảm hứng và nhu cầu tìm hiểu sâu hơn về quá khứ cũng đủ thấy tấm lòng của tác giả đối với lịch sử nước nhà, với thế hệ trẻ, nhất là khi dạy và học lịch sử đang trở thành vấn nạn của hệ thống nhà trường phổ thông hiện nay.

Một điểm đáng nói khác là tác giả cho người đọc hình dung bao quát về một đất nước Việt Nam ở tất cả các yếu tố tạo ra nó, chứ không chỉ ở việc liệt kê các sự kiện lịch sử như trong phần lớn tác phẩm diễn ca khác, kể cả Đại Nam quốc sử diễn ca.

Tuy nhiên, Việt Nam lục bát sử không chỉ có vậy. Chẳng hạn trong suốt gần 5.000 câu, ta luôn phải sống với nhiều trạng thái tình cảm: Niềm tự hào, nỗi thán phục, sự phán xét nghiêm khắc, niềm thích thú hoặc buồn đau cũng như những mỉa mai cay đắng... tương ứng với các sự kiện lịch sử hay cuộc đời của những nhân vật. Tức là tác giả đóng luôn cả vai trò “Thái sử công” bằng vị thế của một thi sĩ! Và những lời bình ấy thường lại là những gì khiến độc giả thấy thú vị nhất vì tính sắc sảo và hóm hỉnh. Nó cho thấy tác giả rất giỏi làm “sống lại thời cuộc” cũng như khả năng cao tay khi sử dụng ngôn ngữ đầy biến hóa. Xin cảm ơn tác giả và xin vui mừng giới thiệu Việt Nam lục bát sử - mà theo chúng tôi là một cuốn sách quý - với xa gần.

Tạ Duy Anh

(*) NXB Hội Nhà văn 2009

;
.
.
.
.
.