.

Một điệu hầu văn

.

1

Thực ra, không phải một điệu mà là cả một dàn xướng từ mái nhì đến tụng quân, sàng sê... tay Sáng Ngọc cà cưa cây đàn nhị réo rắc hồn người, cổ xúy nhảy nhót, "dây bát quái ngài sắc linh ngọc...", cô Tình cứ thế mà lên giá này đến giá khác.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Khói hương nghi ngút, hương trầm ngào ngạt, chuông mỏ lách cách, tay vỗ rôm rốp, rượu trắng nồng cay, áo vàng chói, nơ đỏ rực, "ngài" nhảy, "ngài" múa, "ngài" khai bản đến ban lộc không biết mệt mỏi. Sau "xa giá hồi cung" thứ mười hai ngài vẫn tinh tường bảo đệ tử đổi đôi hia thêu rồng vàng sang hài phụng bởi ngài đã về trời giờ “bà" đội mão lên giá khác. Điệu sàng sê lại trỗi lên: "Cảnh đẹp cố đô, nay đây cảnh đẹp cố đô... hờ...".

Quá nửa đêm, đám đàn hát ăn uống no say về hết mấy đứa con đương ngon giấc, ông chồng trương cái bụng to đùng kềnh càng ngáy khò khò, cô Tình mới lò mò dọn dẹp.

Để thành lệ, 24 tháng giêng năm nào cô Tình cũng dâng lễ cho mẹ bề trên, đệ tử thập phương nườm nượp cúng nhường, cô Tình thu được khá vốn liếng, đủ "chấy hóa" cho một năm dài. Kể ra ông trời có mắt, "cô ba thượng ngàn" chiếu cố, dạo này cô Tình có "lộc" lắm!

...Mớ "hổ lốn" cô Tình tỉ mẫn lượm đổ vào máng cho người ta lấy cơm cho heo. Đống trái cây cô bọc từng gói, mai biếu chòm xóm..., bi nhiêu việc nhỏ nhặt ấy cô cặm cụi làm đến hơn bốn giờ sáng mới ngơi tay. Rửa mặt xong, cô đốt nhang cắm đều mấy chục bệ thờ, khói quyện lên ngút, mắt cô cay xè. "Bà" đang "đợ" hay cô khóc đấy ư!

Mười năm rồi còn gì, cô Tình được "ngài" cho thoát kiếp làm "Nhà cái" đầy tai ương để mượn hồn bà chúa cứu rỗi gia đình. Gọi vậy vì đàn bà yếu đuối như cô mà gặp cái đận ấy khốc liệt quá. "Con hụi chế", kẻ chạy làng, đứa phá sản, người trốn biệt..., "hụi sống thì đến lượt hốt, cô phải chồng tiền. Cô Tình không biết xoay đường nào.

Tháng trước, ông Sung chồng cô Tình bị tai nạn phải cưa một giò đang nằm viện, cái thai trong bụng cô Tình sắp nở, bầy con nheo nhóc... Thời cô Tình khấm khá nhiều kẻ lăng xăng lo cơm nước, chăm trẻ, đếm tiền... giờ cô vỡ lở chẳng có được một mống người thân, lòng dạ cô Tình héo hon, bác sĩ phải mổ mới cứu được người mẹ ở bàn đẻ. Thế mà chủ nợ cứ thấp thoáng trước cửa phòng và chờ rinh đồ ở nhà cô.

Độ tuần, khi cô Tình lê lết dậy nấu nướng, giặt giũ, chủ nợ vẫn không để yên. Họ cấu xé, càu nhàu, chửi rủa, tựa hồ nhà cô Tình là bãi rác mà bao thứ tạp nham trên đời đều đã trở về đấy. Cô Tình gượng được vài ngày rồi cô mê sảng dật dờ. Người ta nói tại cô có máu sản hậu, người ta đồn cô bị "tà"...

Quả thật, cô hay nắm mấy bó hương rồi dâng lạy tứ phương. Am mẹ, am con, am ông, am bà lần lượt được cô dựng lên, lư hương nhiều vô kể, con nít đếm không hết. Cô rước mấy bức ảnh đâu đâu đem về thờ, ai đi ngang cũng thấy sợ. Người lớn không cho đám trai gái lại gần, họ lo con em mình bị hớp hồn.

2

Hè này Ri lên cấp ba. Anh Văn bảo: "Thi trường thường thôi, vào lớp chuyên tỉnh khó lắm!". Ri không cãi nhưng nghĩ thầm: "Rứa anh vô Sài Gòn học mà chi, răng không ở Huế!". Nói vậy nhưng ý Ri không bắt bẻ mô, Ri muốn anh Văn ở nhà kèm cho Ri. Xóm này chỉ có anh Văn là thân thiết với Ri thôi, nhà anh Văn nghèo lắm! Vậy mà, sáng chủ nhật Ri dậy muộn anh Văn đã đi xa rồi. Buồn ơi! Còn ai thức khuya với Ri, giảng cho Ri những bài tập khó..., giá như mẹ Ri còn nhiều tiền, Ri vào trung tâm luyện thi cũng được, đằng này..., Ri rối trí quá!

Hồi trước Ri có biết làm lụng việc nhà mô, chừ Ri phải cáng đáng; nấu cơm cho mẹ, bới qua cho ba, giặt áo quần hai em... Ri thấy mệt vô cùng song Ri chẳng nhờ được ai.

Mẹ chưa khỏe đã đi giặt đồ, Ri năn nỉ: "Mẹ để con làm cho, mẹ còn yếu mà!". Mẹ cười ngấn nước, bảo: "Có chi mô, mẹ đỡ rồi!". Nhà yên được vài hôm thì bọn con hụi kéo đến, họ ác thật cứ chửi ầm ĩ, mẹ ngất đi. Ri đi chợ về đùng đùng giận, Ri xách cái rựa định phang cho mỗi người mỗi nhát. Ai đó ngăn lại, em Ri khóc thét. Ri đỡ mẹ vô giường, mẹ gượng hớp vài giọt nước, dặn Ri: "Đừng làm bậy con, tại mẹ có lỗi, họ rủa là phải!". Ri nức nở: "Nhưng mà có do mẹ mô!". Mẹ cười buồn: "Thôi con, mẹ xin con...". Rồi mẹ thiếp đi. Đám lâu la chầu chực cũng nản. "Nhỡ cô Tình có mệnh hệ gì, họ mang họa sao. Chó dại cùng đường!".

Từ hôm mẹ tỉnh đến giờ mẹ hay chăm chăm nhìn trời, ngơ ngơ không buồn hỏi han đến ai trong nhà. Cái nhìn của mẹ khi thì lạnh lùng, lúc lại lờ đờ làm mọi người hai hãi. Mẹ hét, mẹ la, mẹ hí vang giữa đống khói nhang, đám chủ nợ cũng bạt vía ít còn lai vãng. Mẹ đi, mẹ về thất thường, Ri chẳng biết hồi nào. Mẹ bày bàn thờ lủ khủ, tiếng mẹ lầm rầm, tay vái lia lịa làm anh em Ri chẳng dám lại gần. Ri phải đưa em vô phòng Ri đóng kín mít cửa rồi dỗ em ngủ. Trong giấc mơ của Ri má luôn ướt đẫm nước mắt.

3

Xóm giềng dị nghị, họ hàng lánh xa, nhà cô Tình như một ngôi miếu thờ, các con cô đã ăn ngủ ở một lối sau, chúng sợ các bức hình kỳ quái mà cô cúng bái. Ông Sung không là người, ông không là ma, ông cà thọt say ngất ngưởng không biết ngày đêm. Điều an ủi duy nhất; cả gia đình ấy không bận tâm đến nguồn sống, mặc kệ cô Tình đi đâu, làm gì, ai nấy đều biết cô Tình luôn chu cấp việc sinh hoạt chi tiêu cho cả nhà.

Lên đồng, bói bài, xem tử vi... bụt chùa nhà không thiêng nhưng xem ra tiếng cô Tình lan rộng dữ lắm. Một đồn mười, mười đồn trăm... đám người bu lại nhà cô Tình để gieo quẻ không ít, dạo rộ lên xe máy chật kín đường đi. Đương nhiên cô Tình không thoát khỏi bị công an hỏi thăm. Sắc mặt cô đã hồng nay càng ửng hơn. Cô Tình về phường làm kiểm điểm giữa đám cúng kiếng tản hết, bầy con nháo nhác. Thằng Ri lầm lì dọn đồ, tiện tay gấp lại cuộn kinh "Thủy sám" còn sót ở kệ bàn nó liếc ngang, thở dài.

Bị phạt hành chính trở về, cô Tình lại vắng nhà liên miên. Hết ra Vinh, vào Hội An, xuống Nong, ghé đến chợ Đồn,... hiếm khi thấy cô Tình ở yên một chỗ. Không phải cô Tình lén lút hành nghề, cô bảo: "Đệ tử mời cô đến cúng, cô không nỡ từ chối". Vòng xoáy kéo cô Tình đến gần hơn với tiền bạc, xa nợ nần, cô nhuộm tóc, trông hãy còn trẻ chán. Nhiều người khen cô đẹp, cô tít mắt, cười giòn.

4

Ri thi rớt, bạn Ri cũng không hơn gì, tụi nó đều vào bán công hoặc dân lập. Ri không mở lời với ai, Ri chẳng nộp đơn ở đâu. Lờ mờ Ri nghe chú Út nói với ba: "Cho nó học nghề đi!". Cha Ri lè phè uống rượu, gầm ghè. Mẹ Ri tất tả kiếm tiền, bỏ mặc. Ri lững thững nghĩ: "Gắng miệt mài, năm sau tính!".

Buồn vẩn buồn vơ mấy ngày rồi Ri quen dần (người lớn có ngó ngàng chi bọn con nít mô!). Cha Ri chống nạng ra Bắc buôn lạc xoong. Mẹ vài tuần, cả tháng mới về, phát tiền chợ xong mẹ lại đi ngay. Em Ri chơi, học thường, Ri tà tà làm việc nhà, chán ngắt.

Hồi anh Văn chưa rời quê, sáng nào hai anh em cũng tranh thủ chạy lòng vòng qua cầu An Hòa, ghé cống Rớ uống sữa đậu nành nóng hổi, mồ hôi túa ra khỏe re. Hè thì bơi sải trên sông Bạch Yến có con đập ngăn dòng mặn ngọt, nước mát rượi Ri thích lắm dù Ri chẳng bao giờ đuổi kịp anh Văn.

Chừ Ri vẫn dậy sớm nhưng tâm trạng rã rời, tay chân bải hoải. Thoảng gặp mưa lất phất, Ri chạy ngơ ngơ như người mất hồn, Ri rùng mình thấy lạnh, không còn ham khởi động cho một ngày mới.

Bạn bè hiếm khi ghé chơi bởi sau lưng Ri mấy o xầm xì "nhà nớ linh thiêng tê, nọ", Ri đành thinh lặng, thanh minh mà chi.

Ngày qua ngày với nỗi ngán ngẩm, có lần tự nhiên em gái Ri hỏi: "Răng ba đi lâu rứa". Ri gượng gạo "Ừa... ba bận, giỗ nội ba sẽ về mà!". Ri xốn mắt bởi em Ri quay mặt buồn xo, thực lòng Ri chẳng biết. Ri nghe mang máng ba ở hẳn ngoài kia, mẹ thì sống như một thế giới khác. Mẹ luôn hơn hớn nói cười với khách còn trong nhà chuyện gì mẹ cũng ậm ờ chiếu lệ.

5

- Chị ngu, chị mới mất chồng!

- Chồng tui, chứ chồng o hử? Để coi anh Sung gặp con nớ, thằng chồng hắn đi tù về rồi biết thân.

- Hừ, chị đoản hậu quá hí. Té ra chị nắm kỹ lai lịch con mụ nớ, răng chị không ra ngoài đem anh về, lỡ có chi thì...

- Đường sá xa xôi, tui lo làm nuôi con, hơi sức mô...

- Xa. Chị đừng có ngụy biện. Chị để thời gian hú hí thằng khác thì có.

- Này - Cô Tình xông tới em chồng - Tao nói cho mày biết. Ông bà bưng trầu hầu rượu đem tao về chứ không phải thứ trôi sông lạc chợ nhá! Mày hỗn tao giã rụng răng chừ!

Hai người đàn bà sần sộ, lao vào như chực muốn ăn tươi nuốt sống nhau. Đám đàn ông, kẻ lôi ra, người tản mát, bởi giỗ cúng xong giờ người ta ngồi xỉa răng bàn chuyện phiếm. Năm nay ông Sung không về song một tay cô Tình vẫn làm đám linh đình thành ra tiếng nói của cô cũng có trọng lượng. Em chồng săm soi một hơi ở nhà sau chừng không lại, quay qua rửa chén bát loảng xoảng. Cô Tình lăng xăng gói quà cho khách. Miệng cô vẫn tươi nở tía lia như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Đôi khi người lớn dễ quên nhưng con nít thì nhớ. Chuyện ban chiều đó, Ri rưng rức không ngủ được. Chú Út nói trong bàn ăn: "Nhà không nóc thi, chừ thằng con lông bông tê!". Ri nghẹn cứng, đũa gắp yểu xìu. Mẹ và o xích mích, Ri lặng người chẳng tin được ai. Nhỏ Han bảo: "Con trai phải gần mặt trời cơ, mới có nam tính!". Có lẽ Ri tự nhận mình gần mặt trăng hơn nên Ri cứ lẻ loi buồn, thui thủi một mình Ri thôi.

Thao láo suốt đêm như thế rồi Ri mở cửa, như người mộng du, Ri tản bước đều qua con đường phẳng lì quen thuộc, qua lối đá sỏi xanh của đường ray lúc nào không hay. Có tiếng còi tàu hú vang, ánh đèn chói sáng. Ri chẳng còn nghe, còn thấy gì nữa.

6

Tôi làm nghề chạy xe ôm. Tôi rất mê mấy cái món coi bói, không phải vì tôi sùng bái chi, đơn giản là chở các mối này tôi được ăn tiền hai đầu. Điều lạ là các "cô", các "cậu" đều có một đời sống gia đình phức tạp ghê. Không phải tôi xoi mói gì đâu, vì rằng mỗi lần chờ các bà xem, tôi bắt chuyện với hàng xóm thì biết thôi. Này, cô Loan bốn đời chồng, có cô con gái mười lăm tuổi đã chửa, sanh đôi. Cô Thương bị giật kinh phong, sấm sét đánh không chết thành ra cô thiêng lắm, chỉ tội là không có người đàn ông nào sống nổi với cô sáu tháng, người ta nói cô có máu "sát phu". "Cậu Mão hồi xưa học tâm lý gì đó ở bên Tây nửa chừng về, ở nhà, vợ bỏ, đâm ra "cậu" lẩm bà lẩm bẩm mấy năm. Một sáng, "cậu" hét vang bảo nhà bên có "cốt" ở giữa sân, quả thật gia chủ đào lên y chang vậy, nên người ta đồn "cậu" lên là "linh" tợn. "Cậu" phán ai cũng khiếp sợ, tin ngay...

Hơn nữa, tôi rất thích ca xướng, hầu văn, nói chung nghe đài thì mình không rảnh, tiền bạc chẳng dư lấy đâu mà xuống thuyền... nên nhằm lễ lượt của "các bà", "các cô" chở khách tới là tôi ngóng nghe không biết chán. Mấy "ngài" thương hay ban lộc cho tôi vì vậy tôi ghiền luôn. Cái xứ thần kinh này chỗ nào "lên đồng", chỗ nào "coi" hay tôi đều biết ráo. Chắc quý bác không tin đâu, tôi dừng kể thôi. Không! Không phải vì tôi sợ các bác cho tôi là nói phét mà tôi bận chở khách. Cô ta ở nhà cô Tình ra kìa. Cô này hồi xưa ế chồng, được cô Tình "cúng bề trên" cho nên có người dạm hỏi, tháng sau là cưới đó. Cô ấy đến "trả lễ" cô Tình đấy!

Truyện ngắn PHAN ĐÌNH ĐẢM

;
.
.
.
.
.