.

Ngày hè lang bạt

.

“Cô ơi, mua giúp cháu hộp singum”. Đang ngồi uống café với người bạn, chợt cô bé trông chưa đến 10 tuổi níu lấy tay tôi. Nhìn khuôn mặt còn búng ra sữa cộng thêm giọng nói nằng nặng của người miền ngoài, tôi buột miệng “Hình như con không phải người xứ này. Vào năm học mới rồi sao con không về học mà còn ở đây?”. Cô bé không trả lời mà chỉ gật gật đầu rồi tiếp tục níu lấy tay áo tôi…

Từ năm học “hai không”…

Bé Tý đang mời khách mua kẹo xinh-gum dọc tuyến đường Bạch Đằng.

Có lẽ những ai đã từng ngồi uống café tại quán Thư Viện trên đường Bạch Đằng sẽ không xa lạ gì với nhóm 5 chị em gái cùng quê Thanh Hóa. Đứa nhỏ nhất tên Hương, năm nay 6 tuổi. Đứa lớn nhất khoảng mười tuổi tên Ni. Như đã được căn dặn từ trước nên các em khá dè dặt với những câu hỏi rất bình thường do người lạ đặt ra như: Con tên gì? Học lớp mấy? Sao lại phải đi bán dạo? Ba mẹ con làm gì mà con phải đi bán thế này?...

Trong nhóm 5 chị em, có lẽ bé Tý là dạn dĩ nhất. Đứng ngoài cổng quan sát, hễ thấy người khách nào mới vào, ngồi chưa yên vị là Tý lại chạy ào vào mời mua kẹo singum. Đôi khi gặp khách khó tính phàn nàn, nhân viên quán lại phải bế xốc cô bé lên và bồng ra khỏi quán. Nhưng có lẽ đã quen với điều này, khi nào thấy nhân viên của quán không chú ý là cô bé lại lén chạy vào, tiếp tục công việc mời khách của mình.

Tại một quán nước khác trên đường Lý Tự Trọng, chúng tôi tiếp xúc với em Phạm Văn Vũ, 10 tuổi, quê xã Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hóa. Ba năm trước, sau khi hết chương trình học lớp 1, Vũ theo chân mẹ vào Đà Nẵng trong một chuyến tàu đêm. Những ngày đầu, đường phố Đà Nẵng đối với em hoàn toàn xa lạ. Mỗi chiều, mẹ Vũ lại mượn xe đạp của người đồng hương trong khu nhà trọ trên đường Trần Cao Vân để chở em đi dạo qua những con đường có nhiều quán xá. Khi Vũ đã quen đường, người mẹ gửi em lại cho những người đồng hương để về lo cho bầy con nheo nhóc nơi quê nhà. Mùa hè năm ấy Vũ bắt đầu làm quen với công việc bán dạo.

Thời gian này, khi một số trường trên địa bàn thành phố đã bước vào năm học mới thì đội quân “nhóc tỳ” tứ phương này vẫn còn rong ruổi trên nhiều con phố đông đúc của Đà thành. Nếu có hỏi, các em đều có câu trả lời chung: “Thời gian đầu năm học bài vở không nhiều nên tụi cháu vẫn tranh thủ bán. Thầy cô giáo cũng hiểu được hoàn cảnh gia đình tụi cháu nên nếu có về học trễ mười ngày, nửa tháng cũng không sao”.

Có lẽ chính sự “thông cảm” này mà nhiều em vừa kết thúc môn thi cuối cùng vào chiều trước thì sáng hôm sau đã khăn gói vào Đà Nẵng gia nhập vào đoàn quân bán hàng rong. Hết mùa hè, các em lại khăn gói về quê tiếp tục công việc đèn sách, hẹn ngày gặp lại ở phố người. Thế là trong nhiều năm học của mình, các em thường chịu cảnh “2 không”: không khai giảng, không bế giảng. Ít khi các em được xênh xang quần áo mới, cặp sách mới có mặt trong các dịp khai giảng, và bịn rịn trong buổi bế giảng và cả buổi liên hoan chia tay với lớp.

…đến người “không tạm trú”

Giữa phố phường xa lạ, những em bé tha phương vẫn đều đặn với bước chân mưu sinh của mình.

 

Cùng đi với Vũ chiều ấy là cậu bé có khuôn mặt khá “lỳ” tên Nguyễn Xuân Dương, 8 tuổi, quê ở một xã nghèo thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Cũng như Vũ, Dương vào Đà Nẵng đã 2 mùa hè và rong ruổi trên khắp các con phố lớn từ Bạch Đằng, Lê Lợi đến Lý Tự Trọng, Ông Ích Khiêm để bán vé số. Tranh thủ lúc tôi ngồi hỏi chuyện Vũ, Dương nhanh chân chạy một vòng quanh quán để mời khách. Cuối cùng, cậu bé mới quay lại chỗ chúng tôi trò chuyện.


Theo lời Dương, trong một lần đi bán trên đường Bạch Đằng, cậu bé Dương đã gặp “anh Vũ”, sau vài câu chuyện phiếm, hai anh em kết nhau và hẹn gặp khoảng 6 giờ sáng mỗi ngày ở góc đường Bạch Đằng-Quang Trung để cùng đi bán. Âu đó cũng là cách các em dựa vào nhau trên những nẻo đường mưu sinh.

Công việc mang tính thời vụ trong mỗi dịp hè của các em đã làm công tác quản lý người nhập cư trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn. Không một cơ quan chức năng nào có thể nắm được số lượng đội quân này vì thời gian lưu trú của phần lớn các em chỉ tập trung trong dịp hè.

Trao đổi với chúng tôi, anh Mai Đức Vũ, công tác tại Phòng Bảo trợ Xã hội-Bảo vệ và chăm sóc trẻ em thuộc Sở LĐ-TB và XH Đà Nẵng cho biết, chỉ có những nhóm trẻ đến cư trú trên địa bàn từ 6 tháng trở lên, có đăng ký tạm trú mới có cơ sở để nắm bắt, còn phần lớn trẻ đến Đà Nẵng bán hàng rong trong mùa hè thì con số luôn dao động nên không thể quản lý được. Mặt khác, chủ nhà trọ ít khi khai báo số người chỉ thuê tạm thời trong 2, 3 tháng hè. Chỉ có em nào vi phạm quy định “5 không” của thành phố mới bị quản lý và theo dõi. Điều này khiến việc bảo vệ các em trước nguy cơ bị bạo hành, ngược đãi và bóc lột sức lao động là rất khó.

Cách đây hơn 5 năm, trao đổi với phóng viên báoTuổi Trẻ, Đại tá Lê Ngọc Nam - Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng thời điểm đó - cho biết: Đối với trẻ em vị thành niên lang thang kiếm sống bằng các hình thức bán hàng rong, vé số, bán báo, đánh giày... và không có người nuôi dưỡng, không có nơi ở hợp pháp thì nhất quyết không cho tạm trú. Cơ quan chức năng sẽ tổ chức đưa các em hồi cư, đoàn tụ với gia đình. Đối với những trường hợp thật sự không còn nơi nương tựa thì sẽ đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng, học nghề... (Tuổi Trẻ online ngày 3-1-2005).

Thế nhưng, trên thực tế, chẳng ai nỡ “cấm cửa” các em khi đây chính là công việc để kiếm sống, giúp đỡ gia đình và giúp chính bản thân các em để có được tấm áo hay cây bút mới khi vào năm học. Chính vì thế, làn sóng lao động trẻ em dưới 14 tuổi nhập cư vào Đà Nẵng trong mùa hè thường rất cao nhưng khó kiểm soát và quản lý. Hay nói đúng hơn, chẳng ai muốn quản lý vì xem đây chỉ là hiện tượng xã hội trong vài tháng hè.

Đầu năm 2009 đến nay, Sở LĐ-TB và XH đã “thu gom” được 3 em quê ở các tỉnh, thành khác đến Đà Nẵng bán hàng rong và vi phạm “5 không” của thành phố để đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Sơn nuôi dưỡng. Hiện ở trung tâm luôn dao động từ 20 đến 30 trẻ lưu trú. Khi vào trại, các em sẽ được trả về gia đình hay sẽ được ở lại trung tâm nếu các em không còn gia đình, người thân.
 
Tuy nhiên, chẳng ai dám khẳng định liệu rằng khi về lại với gia đình, các em này lại không lao vào một cuộc mưu sinh mới, khốc liệt hơn để tự nuôi sống bản thân, gia đình. Chấp nhận tha phương, làm những việc nặng nhọc so với lứa tuổi, sức khỏe, trong khi đồng tiền công được trả thấp kém, rẻ mạt.

“Tuần sau là cháu về rồi, về còn đi học nữa chứ. Tuy học không được giỏi nhưng cháu vẫn thích đi học hơn”. Câu nói hồn nhiên của Tý lọt thỏm giữa phố xá ồn ào, đông đúc. Bỗng em dừng lại, mắt nhìn chiếc xe máy đang lướt qua rồi buột miệng “Con bé đó sướng quá cô nhỉ, cháu thích được bố mẹ chở đi chơi như thế lắm nhưng nhà cháu nghèo quá”. Tự dưng, tôi mong sao bé Tý sẽ bình an và yên lành trước mọi bão giông của cuộc đời còn quá dài phía trước.

Theo ông Nguyễn Hải Hữu- Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ em phải lao động là do sự nghèo đói. Kinh tế khó khăn, nguy cơ có thêm hàng ngàn trẻ em phải lao động kiếm sống trong thời gian tới là khó tránh khỏi. Nguyên nhân sâu xa là cơ hội và khả năng tiếp cận của trẻ em đối với hệ thống giáo dục và dạy nghề còn hạn chế.
 
Vì nghèo nên nhiều gia đình không đủ tiền cho con đến trường. Khi trẻ em không được học, các em cũng bị tước bỏ cơ hội đào tạo nghề. Cái vòng luẩn quẩn-đói nghèo-thất học-lao động không kỹ thuật-thu nhập thấp-đói nghèo vẫn tiếp diễn.

TIỂU YẾN

 

;
.
.
.
.
.