.

Nghệ thuật phê bình

.

Bất cứ ai ở cương vị lãnh đạo, quản lý, giám sát đều có lúc nào đó phải khiển trách, phê bình hay kỷ luật nhân viên cấp dưới của mình. Thường thì bạn nên có thái độ thẳng thắn, tuy nhiên có lúc cũng nên khéo léo tế nhị, tùy thuộc vào hoàn cảnh và tính cách hay thái độ của người kia. Một điều hết sức quan trọng mà bạn cần nhớ là phê bình cũng cần có nghệ thuật, hãy giữ bình tĩnh khi “sửa gáy” nhân viên của mình, nếu bạn thật sự muốn việc này đem lại những hiệu quả như mong muốn.

 

- Quyết đoán, nhưng không nóng nảy: Có một sự khác biệt rõ ràng giữa cách xử sự “quyết đoán” và “nóng nảy”. Lối cư xử nóng nảy sẽ thể hiện rằng bạn đang mất điềm tĩnh, từ đó dẫn đến mất khả năng kiểm soát tình huống. Trong khi đó, áp dụng thái độ quyết đoán khi phê bình một ai đó có nghĩa là bạn hoàn toàn làm chủ được cảm xúc của mình, hiểu được mình cần phải làm gì và nên xử sự như thế nào để vừa được việc mà vẫn không xảy ra cãi vã hay hiểu nhầm trong khi vẫn giữ được sự tôn trọng đối với cấp dưới, nhân viên.

- Nắm được bản chất vấn đề: Nếu nắm được toàn bộ sự việc trước khi có ý định phê bình một ai đó, bạn sẽ giữ được thái độ bình tĩnh và thậm chí có thể bênh vực cho họ khi cần thiết với những chứng cứ bạn có được. Thời điểm, bối cảnh, ai nói cái gì… là những yếu tố cơ bản mà những ai bị phê bình thường “cãi lại” hay phủ nhận, vì vậy, nếu bạn càng nắm rõ những tình tiết của sự việc thì sẽ càng dễ dàng làm chủ tình huống và tránh được sự đối đầu hay tranh luận không cần thiết.

- Lắng nghe: Ngay cả khi bạn đã nắm được những bằng chứng rõ ràng về việc nhân viên của bạn đã làm sai, hãy để họ giãi bày sự việc theo những nhận định từ phía họ. Thay vì cắt ngang nửa chừng, hãy cho họ cơ hội để trình bày hết ý. Việc bạn liên tục phản đối hay bắt bẻ sẽ khiến cả hai bên trở nên mất bình tĩnh và thiếu kiên nhẫn. Bằng cách này, người đó sẽ dễ dàng nhận ra được lỗi sai của mình và trở nên tâm phục, khẩu phục hơn.

- Dùng chiến thuật “vừa đấm vừa xoa”: Đối với một số trường hợp chỉ cần một lời nhắc nhở hoặc khiển trách là đủ, bạn nên áp dụng chiến thuật “vừa đấm vừa xoa” để luôn giữ được thái độ điềm tĩnh. Trong tình huống này, bạn sẽ nhẹ nhàng giải thích những điểm sai của người nhân viên đó, nói cho họ biết họ cần phải điều chỉnh cách cư xử của mình như thế nào để bảo đảm sẽ không bao giờ tái phạm những chuyện tương tự lần thứ hai, cũng như việc bạn kỳ vọng vào sự thay đổi của họ ra sao. Chắc chắn rằng, cách làm này không có nghĩa là “tội” của nhân viên nọ bị xem nhẹ, mà nó cho thấy bạn rất quyết đoán và kiểm soát được tình huống. Không những vậy, nhân viên của bạn sẽ tự ý thức được việc bạn không hài lòng với cách xử sự của họ, và những hậu quả mà họ phải đối mặt nếu để chuyện đó tái diễn.

Nhiều nhà quản lý cho rằng việc phê bình hay khiển trách cấp dưới là một hình thức “trừng phạt”. Thực ra nhận định này không đúng. Phê bình đi đôi với việc cải thiện hành vi, cách xử sự của nhân viên chính là bạn đang giúp họ thể hiện tốt hơn, hiệu quả hơn vai trò của mình. Việc sử dụng những biện pháp tiêu cực sẽ đem lại những kết quả không mong muốn mà chỉ góp phần làm căng thẳng mối quan hệ giữa người quản lý với nhân viên. Nếu bạn luôn giữ được thái độ bình tĩnh, thay vì những trận “đấu khẩu”, bạn sẽ kiểm soát được sự việc trong khi cấp dưới của bạn sẽ tôn trọng những quyết định của bạn hơn và cũng không cảm thấy “ấm ức”.

Bạn nên xem phê bình, khiển trách là một việc đòi hỏi bạn và các nhân viên phải cùng nhau giải quyết một vấn đề. Nhiệm vụ chủ yếu của bạn là khi nào có thể, hãy tạo ra một tình huống nhằm khuyến khích nhân viên cùng bạn xác định nguyên nhân của những sai phạm và cách sửa chữa, khắc phục những lỗi sai đó. Hãy xem phê bình là một cơ hội học hỏi để uốn nắn cách xử sự của nhân viên trở nên phù hợp với các yêu cầu và kỳ vọng của cơ quan, nơi làm việc...

Nhật Lê (Theo worketiquette)

;
.
.
.
.
.