Đạo diễn than trời vì luôn phải bị động. Và sự bị động ấy có nguyên nhân từ việc phải phụ thuộc hoàn toàn vào những diễn viên nổi tiếng và có tay nghề chuyên môn - vốn không thuộc biên chế của đoàn làm phim. Ngược lại, những diễn viên tự do đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ nhưng chưa nhiều thâm niên - muốn cống hiến, muốn thử sức ở nhiều vai diễn nhưng lại… không dễ dàng. Rõ ràng, họ cần đến một “trung gian” - người đại diện làm cầu nối cho diễn viên và đạo diễn (nói nôm na là “Manager” - quản lý). Song trên thực tế, chưa nhiều người mặn mà lắm với “vai trò đặc biệt” này.
Luôn… bị động
Diễn viên Đại Nghĩa đang được chăm chút ở khâu phục trang. |
Ở những nước phát triển, việc những diễn viên tìm đến các nhà đại diện được xem là lẽ đương nhiên. Họ coi đó như là một ngành công nghiệp giải trí. Tại Việt Nam, những năm gần đây cũng đã bắt đầu hình thành những người đại diện mà nhiều “sao” bên lĩnh vực ca nhạc đã và đang tìm được một vị trí nhất định trong lòng công chúng khán giả (như Đan Trường, Lam Trường, Cao Thái Sơn, Cẩm Ly, Ưng Hoàng Phúc, v.v…).
Trong khi đó, người đại diện cho diễn viên điện ảnh thì dường như… chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Vì vậy, việc thành lập công ty đại diện cho diễn viên là rất cần thiết. Việc xuất hiện của các công ty này, trở thành một mô hình khép kín - đào tạo và lăng xê các diễn viên chuyên nghiệp cho điện ảnh nước nhà - là một xu hướng tất yếu của xã hội phát triển. Những công ty lớn đại diện cho diễn viên có thể sở hữu hàng chục ngôi sao, quy trình làm việc khép kín: từ tuyển chọn, đào tạo, quảng bá tên tuổi, nhận kịch bản, lo thương thảo hợp đồng, v.v…
Trong một lần trò chuyện với người viết bài này, một nữ nghệ sĩ tên tuổi (xin phép giấu tên) đã bộc bạch: Ở Việt Nam, người đại diện cho diễn viên thật sự chưa nhiều. Chị thèm có một công ty làm người đại diện cho chị, lo cho chị một số công việc bên lề như: Chuẩn bị trang phục, tìm kiếm vai diễn, thương thảo hợp đồng, sắp xếp lịch… để chị được toàn tâm toàn ý cho các vai diễn. Một đạo diễn cũng có tên tuổi (thuộc Hãng TFS - Hãng phim Truyền hình TP. Hồ Chí Minh) từng thừa nhận: Mỗi lần dựng phim là một lần đau đầu.
Một bộ phim gây được hiệu ứng trong lòng khán giả, ngoài yếu tố kịch bản hay, thì diễn viên cũng không kém phần quan trọng. Thực tế chúng tôi không có dàn diễn viên trong tay nên luôn bị động. Trong khi lực lượng diễn viên tự do thì rất nhiều, có những phim muốn cũng không thể mời bởi không biết tìm họ ở đâu (ngoài những người đã cho số điện thoại hoặc qua những người quen biết), mặc dù có diễn viên cũng rất yêu phim trường. Rõ ràng, nếu có những người đại diện chuyên nghiệp thì những đạo diễn phim truyền hình như chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn nhiều.
Mời những “người cũ”
Đối với những diễn viên hoạt động độc lập, họ không ngần ngại tìm mọi cách để tiếp cận với đạo diễn. Họ sẵn sàng đi xin vai (cho dù là vai thứ chính hoặc vai phụ), sẵn sàng tiếp thị bản thân mình với các nhà làm phim - trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua phó đạo diễn hoặc các thành viên trong đoàn làm phim).
Thông thường, khi thực hiện một bộ phim (truyền hình hoặc phim nhựa), không phải đạo diễn nào cũng mạo hiểm giao vai cho những diễn viên chưa có tên tuổi, do đó, giải pháp an toàn nhất với các đạo diễn là mời những diễn viên có tên tuổi đã từng cộng tác với đoàn làm phim. Cho dù là diễn viên có thâm niên, có tay nghề chuyên môn hay mới chập chững vào nghề thì cùng lúc đảm nhận nhiều công việc - từ việc tự nhân vai, tự thương thảo tiền cát-xê cho vai diễn, đến chuyện lo phục trang, giờ giấc quay phim… cũng làm cho họ xao lãng chuyên môn. Có lẽ vì thế mà các nhân vật do một diễn viên đóng cứ na ná giống nhau, đơn điệu và nhàm chán; rồi chuyện “cơm chẳng lành, canh không ngọt” giữa đạo diễn và diễn viên vì… cát-xê cũng không phải là hiếm.
Mỗi năm, có hàng trăm sinh viên khoa Diễn viên Trường Sân khấu - Điện ảnh tốt nghiệp ra trường - từ chính quy dài hạn cho đến những lớp đào tạo ngắn hạn (chưa kể các thí sinh đoạt giải cao từ những cuộc thi điện ảnh). Rất ít trong số đó, nếu may mắn thì được các đạo diễn để ý giao cho các vai diễn trong phim hoặc được những sân khấu nhận về các đoàn kịch, nhà hát; số còn lại (không may mắn) thì trở thành diễn viên tự do, tự đi tìm vai diễn. Không ít những diễn viên trẻ do đam mê, gắn bó với phim trường nhưng đầy gian truân và vất vả, họ đành phải tự mày mò và tự tìm kiếm cơ hội cho mình.
Mặc dù tiền cát-xê cho một vai diễn chính trong phim truyền hình ở mức từ 1 - 1,5 triệu đồng/tập là quá ít ỏi để người diễn viên có thể thuê một người làm “người đại diện” cho họ, nhưng trong thời gian tới, việc hội nhập và giao lưu sẽ buộc phải hình thành những công ty đại diện cho diễn viên một cách chuyên nghiệp. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng phim nội không thua trên chính sân nhà của mình.
Thanh Tân