.

Người Mỹ tìm việc tại Trung Quốc

.

Thượng Hải và Bắc Kinh đang trở thành vùng đất mới với cơ hội tìm việc làm dành cho sinh viên người Mỹ mới tốt nghiệp, những người đang phải đối mặt với con số thất nghiệp trong nước tăng gấp đôi.

Joshua Arjuna Stephens, tốt nghiệp Trường Đại học Wesleyan năm 2007, đang làm việc cho XPD Media ở Bắc Kinh.

“Tôi thấy gia tăng làn sóng người trẻ đến tìm việc ở Trung Quốc trong những năm qua”, Jack Perkowski - người sáng lập Tập đoàn Asimco, một trong các công ty tự động lớn nhất ở Trung Quốc. Perkowski cho biết: “Khi tôi đến Trung Quốc vào năm 1994, đã có một làn sóng đầu tiên người Mỹ đến Trung Quốc. Những người trẻ bây giờ là một phần trong làn sóng thứ hai”.

Báo New York Times cho hay, trong số những người trẻ mới đến Trung Quốc tìm việc có Joshua Arjuna Stephens, tốt nghiệp Trường Đại học Wesleyan ở Mỹ năm 2007 với bằng cử nhân. Sau 2 năm, anh quyết định làm cho một công ty du lịch giáo dục với công việc nghiên cứu thị trường và phát triển chương trình ở Thượng Hải.
 
“Tôi không biết gì về Trung Quốc. Mọi người nghĩ tôi không nói được ngôn ngữ ở đất nước này nhưng tôi muốn thoát khỏi suy nghĩ như thế”, Stephens nói. Đến năm 2009, sau những hạn chế ở vùng đất mới, Stephens đã thông thạo tiếng Quan Thoại và hiện là người quản lý cho XPD Media, một công ty truyền thông xã hội có trụ sở đóng ở Bắc Kinh.

Jonathan Woetzel, một đối tác với McKinsey & Company ở Thượng Hải, đã sống ở Trung Quốc từ giữa những năm 1980, nói rằng một vài năm trước, nhiều thanh niên Mỹ đến Trung Quốc như một phần trong làn sóng bùng nổ doanh nghiệp. Woetzel nói: “Bây giờ vẫn tiếp tục có nhiều sự thử nghiệm ở Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, khi người trẻ sẵn sàng tìm đến với những cái mới”.

Báo New York Times cho hay, nền kinh tế Trung Quốc trở nên dễ thích ứng hơn đối với các doanh nghiệp và những người tìm kiếm việc làm, với tổng sản phẩm quốc nội tăng 7,9% trong quý gần đây so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu thống kê từ Chính phủ Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở thành phố tại quốc gia này là 4,3%.

Grace Hsieh, Chủ tịch câu lạc bộ Yale ở Bắc Kinh và cũng là một người tốt nghiệp vào năm 2007, cho biết cô thấy gia tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp Trường Yale làm việc ở Bắc Kinh từ khi cô đến Trung Quốc cách đây 2 năm. Hsieh đang là một nhân viên kiểm toán ở Bắc Kinh do công ty PR Hill&Knowlton. Sarabeth Berman, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Barnard năm 2006 với chuyên ngành nghiên cứu đô thị, đã đến Bắc Kinh từ năm 23 tuổi vì cảm thấy khó khăn khi sống ở Mỹ với công việc mà cô yêu thích như hiện nay:
 
giám đốc chương trình tại công ty vũ đạo hiện đại đầu tiên ở Trung Quốc “BeijingDance/LDTX”. Berman nói rằng, cô đã được mời làm việc vì sự hiểu biết về vũ đạo hiện đại phương Tây hơn là kiến thức về Trung Quốc. “Mặc dù kỹ năng về ngôn ngữ của tôi hạn chế và thực tế tôi không có kinh nghiệm làm việc ở Trung Quốc, nhưng tôi vẫn có cơ hội làm quản lý về du lịch, các dự án quốc tế, sản xuất chương trình Lễ hội khiêu vũ Bắc Kinh hằng năm”, Berman nói. Sau 2 năm sống và làm việc ở Trung Quốc, Berman đã có những thành công đáng kể, cô còn có cơ hội đi khắp Trung Quốc, châu Âu và Mỹ cùng với công ty vũ đạo.

Mick Zomnir, 20 tuổi, thực tập tại ngân hàng JFP ở Bắc Kinh. (Ảnh: NYT)

 

Perkowski đã trải qua gần 20 năm ở Wall Street trước khi đến Trung Quốc. Ông nói rằng, nhiều công ty Trung Quốc đang tìm kiếm người nói tiếng Anh bản ngữ để giúp họ mở rộng thị trường ở Mỹ. Perkowski cho biết, công ty mà ông đang làm việc muốn ông tìm những thanh niên Mỹ có trình độ để có thể kết nối quan hệ của công ty này ở Mỹ, nhưng tiêu chuẩn phải là những người am hiểu về sắc thái văn hóa, xã hội của phương Tây. Công ty mới đây nhất của Perkowski là JFP Holdings, ngân hàng có trụ sở ở Bắc Kinh, không đưa ra yêu cầu tuyển dụng nào nhưng lại nhận được hơn 60 hồ sơ đăng ký tìm việc, trong đó 1/3 là thanh niên ở Mỹ muốn đến làm việc tại Trung Quốc.

Mick Zomnir, 20 tuổi, sinh viên năm thứ ba tại Trường Kỹ thuật Massachusetts (M.I.T - Mỹ) đang thực tập tại JFP, cho hay khi tất cả mọi thứ trở nên khó khăn hơn ở Mỹ, anh bắt đầu nghĩ đến các cơ hội ở những nơi khác. Zomnir không nói được tiếng Trung Quốc nhưng anh sẽ bắt đầu học tiếng Quan Thoại khi trở lại Trường M.I.T vào mùa thu này. Một điều quan trọng ở Trung Quốc mà nhiều thanh niên đến tìm việc nhận thấy là họ có cơ hội để bước lên những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp.

THIÊN BÌNH

 

;
.
.
.
.
.