.

Người thầy làng Hà Lộc

.

Nhân cách và tài năng của người thầy đã để lại dấu ấn trong tâm hồn các môn sinh, mà hai người đã làm rạng rỡ trang sử cách mạng nước nhà là Nguyễn Duy Hiệu với Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887) và Châu Thượng Văn với phong trào chống sưu thuế (1908).

Bia Văn miếu Đông Bàn (hiện đặt tại Bảo tàng Điện Bàn) có ghi tên Cử nhân Lê Tấn Toán. (Ảnh: VTL)

Trường học của Cử nhân Lê Tấn Toán không xa chợ Cầu làng Hà Lộc, là lò sôi kinh nấu sử của các sĩ tử thời ấy. Đó là một ngôi nhà 5 gian cất theo kiểu cổ nhìn ra sông, giữa khu vườn rộng 4 sào chung quanh có tre xanh bao bọc. Học trò buổi đầu là con cháu trong họ tộc, sau là khắp làng rồi cả tỉnh. Tiếng lành đồn xa, sĩ tử từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định cũng kéo về Hà Lộc theo học rất đông. Bà Lê Thị Phái 80 tuổi, nói về cụ tổ 3 đời của mình như vậy.

Thầy Lê Tấn Toán sinh năm 1837 (Đinh Dậu) tại làng Hà Lộc, tổng Phú Triêm, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Khoa Tân Dậu (1861), ba anh em cùng đi thi thì hai người em đỗ tú tài, thầy đỗ cử nhân. Không ra làm quan, thầy ở lại quê nhà mở trường dạy học. Thầy là người khiêm cung, trọng nhân nghĩa. Trong bi ký nói về việc lập Văn miếu tại Đông Bàn (Gò Nổi) vào năm Tự Đức 26 (1873), ngoài tên các nhân vật nổi tiếng như Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm... còn có tên thầy, Lê Tấn Toán.

Thầy nói muốn dạy người, trước phải dạy mình cho nghiêm. Vì thế mà con cháu thầy nhiều người là tú tài, lương y, hương sư có tiếng. Gia phả tộc Lê Tấn còn ghi con gái thầy là Lê Thị Vịnh về làm dâu Tiến sĩ Phạm Phú Thứ ở Đông Bàn (Gò Nổi). Trong bia mộ người anh của thầy, ở hàng con rể thấy có ghi Châu Khởi Vị - tên con trai của người học trò Châu Thượng Văn.

Nguyễn Duy Hiệu sinh sau thầy mình 10 năm, đỗ cử nhân (1876), rồi phó bảng (1879), noi gương thầy, không chịu ra làm quan. Đến khi có đạo dụ của vua Tự Đức, vạn bất đắc dĩ ông mới nhận chức phụ đạo giảng tập cho Thái tử (1882). Khi vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở, xuống chiếu Cần vương chống Pháp, ông cởi bỏ áo mão cân đai, dốc sức vào công cuộc xây dựng lực lượng kháng chiến.

Bằng uy tín và nhân cách của mình, thầy cử họ Lê đã giúp học trò kêu gọi sĩ phu khắp nơi quay về dưới bóng cờ đại nghĩa. Vì thế, khi Hường Hiệu thay Tiến sĩ Trần Văn Dư làm Hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam, có lời đồn đoán rằng Cử nhân Lê Tấn Toán là quân sư của Nghĩa hội. Tuần phủ Quảng Nam lúc đó là Châu Đình Kế liền cho lính xuống Hà Lộc mời thầy cử Lê về tỉnh đường nói là để dự tiệc, nhưng chủ ý là muốn hạ nhục cụ Cử. Không ngờ, y bị cụ Cử mắng khéo cho một trận ra trò.

Khi Nghĩa hội tan rã, ngày 6-9-1887 (20-7 Đinh Hợi), thầy cử Lê bị bắt đưa về tỉnh đường Quảng Nam. Sau bị buộc tội làm quân sư cho “ngụy hội”, phải thọ hình “tam ban triều điển”, thầy khẳng khái nhận chén thuốc độc để giữ tròn nghĩa khí.

Học trò góp tiền mua lụa phong kín thi thể thầy, đưa về Hà Lộc. Gia phả tộc Lê Tấn ghi rằng đêm ấy Hường Hiệu cải trang lẻn về lạy thầy. Lúc bị bắt, Hường Hiệu yêu cầu Nguyễn Thân cho mình được ra viếng mộ thầy lần cuối. Thân không cho, Hường Hiệu đành quỳ trong cũi quay mặt về làng Hà Lộc lạy vĩnh biệt thầy. Cảnh tượng đau lòng ấy khiến lính áp giải ông cũng phải rơi lệ!

Châu Thượng Văn còn có tên là Châu Thơ Đồng, gốc người làng Minh Hương, nay là phường Minh An, thành phố Hội An. Ông là một thành viên trung kiên đóng góp công của khá lớn cho phong trào Nghĩa hội Quảng Nam của đồng môn Nguyễn Duy Hiệu. Ngày 9-2-1908, phong trào chống sưu thuế nổ ra ở Đại Lộc rồi ngày càng lan rộng ra các tỉnh miền Trung, ảnh hưởng cả trong Nam, ngoài Bắc khiến thực dân Pháp và Nam triều ra tay đàn áp quyết liệt.

Châu Thượng Văn bị bắt cùng với các đồng chí. Ông bị đày ra Lao Bảo, nhưng đến Huế thì mất trong lao Thừa Phủ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng xem việc ông nhịn ăn trong tù để phản kháng giặc Pháp như hình thức đấu tranh của Thánh Cam Địa (Gandhi) ở Ấn Độ về sau.

Học trò quả đã không phụ lòng thầy. Thầy cử Lê mất ngày 24-7 Đinh Hợi (1887) mà mãi đến năm Ất Mùi (1895) mộ ông mới được dựng bia, cho thấy thực dân Pháp và triều đình Huế sau đó còn thẳng tay đàn áp những người theo Nghĩa hội. Bia ghi thụy hiệu của thầy là Chưởng Văn và một câu đối, có lẽ do các môn sinh lập để tán dương công đức của thầy:

Thời vận sơ hanh huy địa mạch/ Khoa đồ tảo trạc phá thiên hoang. Tạm dịch: Thời vận vừa chớm hanh thông (đã làm) sáng rỡ mạch nước trong đất. Đường khoa danh sớm được gội rửa (cho nên) khai phá cả ruộng hoang trên trời.

Hơn một thế kỷ qua, rất tiếc, vẫn chưa có một nghĩa cử tri ân nào đối với người thầy làng Hà Lộc.

VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.