Một người chụp ảnh nude nghệ thuật gần hai mươi năm, “tai tiếng” nhiều, niềm vui không ít, mệt mỏi chẳng kể xiết. Thế nhưng anh vẫn tự hào. Anh tâm sự, nếu cho chọn lại, anh vẫn lấy công việc chụp ảnh nude nghệ thuật làm niềm vui. Bởi theo anh, bây giờ người ta chụp ảnh khỏa thân với mục đích xấu nhiều quá. Chỉ cần vài thao tác trên mạng là tìm ra cả ngàn chiếc. Anh là nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên, một người sáng tác cần mẫn, tận tụy vì niềm say mê. Anh tâm sự: “Tại sao chúng ta không trồng hoa, để lấn át những loài cỏ dại ấy?”.
Ảnh là người
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên. |
Thái Phiên tâm sự: Huế có những cái hà khắc riêng. Từ một nơi được gọi là phong kiến lại sinh ra tôi, người có thể được gọi là đi ngược lại với những khuôn phép của phong kiến. Nhưng tôi khẳng định con đường của tôi đi là đúng. Bởi ảnh của tôi kín đáo, nghệ thuật chứ không phải là ảnh sex rẻ tiền như trên mạng vẫn tung ra tràn lan.
Thế hệ 8X, 9X đua đòi, chụp ảnh, cũng có thể chỉ làm lưu niệm. Nó gần như một hiển nhiên ở thế giới này. Các em không hiểu văn hóa, các em chỉ cốt phô trương. Bởi vì các em yêu bản thân, muốn phô bày vẻ đẹp bản thân của mình. Thậm chí, có những cô gái muốn nổi tiếng như các cô ca sĩ. Đó là một điều dại dột.
Thái Phiên chụp ảnh nude từ năm 1992. Lúc đầu, anh mua máy ảnh chỉ để chụp cho vợ con và những người thân yêu. Thế rồi nỗi đam mê nhiếp ảnh nghệ thuật cứ lớn dần lên trong anh và gắn chặt với anh như một “nghiệp chướng”. Anh thừa nhận tình yêu nghệ thuật trong anh là xuất phát từ sự cảm thụ văn học.
Các nhân vật trong mỗi tác phẩm văn học đều cho một ý tưởng nào đó. Anh cũng nhận ra văn học là cái nôi của tất cả các môn nghệ thuật khác. Ví như trong truyện Kiều có câu “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Một câu tám chữ, đủ để hình thành một cấu trúc cho tác phẩm nghệ thuật ảnh. Người ta nói “Văn là người”, thì ở đây Thái Phiên lại có câu “Ảnh là người”. Ảnh của anh, thể hiện khát vọng, tình yêu của anh và niềm đam mê không cùng.
Cái Tâm và cái Hồn
Cuốn sách Xuân thì của Thái Phiên, tập hợp 71 bức ảnh khỏa thân nghệ thuật được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trao Cup đồng vào cuối năm 2008. Được biết, Cup VAPA trao thường niên cho hai hạng mục: tác phẩm ảnh và sách ảnh - công trình nhiếp ảnh. Sau khi nghe tin, Thái Phiên và các người mẫu của anh rất vui mừng. Thái Phiên nói: “Qua giải thưởng này, Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã khẳng định một bước tiến mới trong nghệ thuật. Họ đã... giải oan cho những người yêu thích thể loại ảnh nude”.
Nhiều cô gái đã tìm đến anh nhờ anh lưu giữ lại khoảnh khắc của một thời son trẻ. Đó là những người thực sự yêu nghệ thuật, hiểu nghệ thuật, họ yêu vẻ đẹp bản thân, phần lớn họ là dân trí thức. Sự lao động nhọc nhằn của người nghệ sĩ và người mẫu đã tạo cho đời những tác phẩm tuyệt mỹ đến bất ngờ... Giờ đây, xã hội phần nào đã có cái nhìn cởi mở hơn, ghi nhận ảnh khỏa thân nghệ thuật bình đẳng với các thể loại ảnh nghệ thuật khác như chân dung, sinh hoạt.
Thì đó cũng là ước mơ của anh. Thái Phiên tâm sự rằng, một lần cô gái bán sách kể cho anh biết, một ông nọ thích ảnh khỏa thân, mua một cuốn sách Xuân thì nhưng lại nhờ cô bán hàng đóng lên hai chữ “kính biếu”, để khi mang về nhà, chứng minh là mình được tặng, vì ngại người nhà sẽ “hiểu sai” khi phải bỏ tiền ra mua.
Với anh, mỗi bức ảnh là mỗi câu chuyện riêng, kỷ niệm riêng, làm nền cho các ý tưởng khác. Có một câu chuyện vui mà đến bây giờ anh vẫn nhớ và kể cho bạn bè nghe. Cách đây khoảng 4 năm, có một người đàn ông gọi điện nhờ anh chụp cho vợ ông tấm ảnh khỏa thân. Thái Phiên sợ người ta tống tiền, từ chối khéo. Một tuần sau ông ta lại gọi, tha thiết. Thái Phiên vẫn ngại ngần. Một tuần nữa ông này lại gọi. Thái Phiên mang tâm trạng tò mò đi gặp hai vợ chồng họ. Chẳng nhắc gì về ảnh khỏa thân, anh chủ động nói về nghệ thuật, về thời sự thế giới.
Qua câu chuyện, anh nhận ra họ là những người am hiểu nhiều về nghệ thuật và có kiến thức rộng. Thái Phiên rất an tâm. Khi đứng lên ra về, người vợ bắt tay Thái Phiên: “Em tha thiết muốn anh chụp cho em một bức làm kỷ niệm. Anh đừng để em thất vọng”. Đêm về, Thái Phiên trằn trọc mãi, anh chưa bao giờ chụp cho người trên 40 cả, nhưng đây có thể là một thách thức trong nghề nghiệp. Nửa đêm, anh ngồi bật dậy, hý hoáy vẽ bố cục vào sổ tay, sáng hôm sau ra chợ mua khăn voan để tạo nền. Khi chụp xong, Thái Phiên mail lại cho ông chồng, nhưng không thấy ông trả lời.
Hôm sau, điện thoại anh reo lên, một giọng nói phụ nữ: “Anh Thái Phiên ơi, anh không phải là nhà nhiếp ảnh…”. Trời ạ! Anh thấy hẫng hụt, chơi vơi…, anh đã nhọc công chuẩn bị bố cục, ý tưởng, anh đã cố hết sức mình mà người ta bảo anh không phải là nhà nhiếp ảnh? “...Anh là một nhà phù thủy”! Thái Phiên thở phào nhẹ nhõm. Một cách chơi chữ thật hóm hỉnh. Mấy hôm sau, anh phóng ảnh to, mang đến cơ quan ông chồng và được biết ông ta là sếp của một công ty. Quả bất ngờ.
Thái Phiên không kiếm sống từ những bức ảnh khỏa thân. Mỗi chuyến đi chụp cùng người mẫu, anh thường phải chi phí rất tốn kém. Thực sự, chụp ảnh nude chẳng đem lại cho anh tiền bạc. Anh sống được là nhờ chụp ảnh quảng cáo và làm ảnh lịch hằng năm. Đúng như anh đã nói, người làm nghệ thuật rất cần có cái Tâm trong sáng thì ảnh mới đẹp được.
Khi chụp ảnh thì chỉ nghĩ đến công việc và làm sao để cho bức ảnh đẹp, đầu óc không hề nghĩ lung tung, vớ vẩn được. Có người hỏi: “Với những người mẫu đẹp như thế, anh có ước ao được “sở hữu” họ không, và có bao giờ bị người mẫu “đốn ngã” chưa hoặc ngược lại?”. Thái Phiên bảo anh không phải gỗ đá, nhưng làm việc là làm việc, không thể “nhập nhằng” được. “Cái Tâm mà không tĩnh thì cái Hồn sẽ không Mỹ”- Thái Phiên dứt khoát.
Nguyễn Văn Học