.

Nhớ mùa thu năm ấy

.

Hằng ngày qua lại chỗ “khu vườn hoa” cũ của thành phố (tức số 84 - Hùng Vương trước đây), không hiểu sao tôi cứ nhớ đến giọng kể đều đều, chậm rãi của cụ Hà Kỳ Ngộ. Ông từng nói với tôi rằng: “Hồi năm Bốn Lăm, cái chỗ vườn hoa đó, cây cối, hoa được trồng tỉa khá kỹ và gọn gàng. Chỗ đó là nơi người dân Đà Nẵng hay tụ tập vui chơi và tập thể dục mỗi ngày và cũng là nơi bọn mình đã đập nát “đài kỷ niệm chiến sĩ trận vong” của Pháp theo lệnh của anh Huỳnh Ngọc Huệ! Mà cái đất Hàn này cũng lạ, không hiểu sao hồi đó quy tụ được lắm nhân tài đến vậy!”.

Tôi đã tìm thấy hình ảnh thuở hoang sơ của vườn hoa thành phố ngay trên một bưu thiếp cũ, song cái làm tôi ngẫm nghĩ nhất là, đất Hàn từng phát tiết những nhân tài và những ý tưởng độc đáo.

Hết lòng vì một Đà Nẵng thân yêu!

S

Đường phố Đà Nẵng vào năm 1945.

au khi cướp chính quyền năm 1945, những “tao nhân mặc khách” từng quy tụ về đây đã xem Đà Nẵng như một vùng đất để thể hiện chí lớn của mình. Nhiều tấm gương “hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” đã xuất hiện, họ mang trong mình khát vọng cống hiến cho thành phố một cách chân thành. Những người của ngày ấy, đến nay vẫn kể lại bao điều lý thú.

Cho đến khi ta cướp chính quyền thành công thì Đà Nẵng đã có sẵn một hình hài của một đô thị văn minh và hiện đại. Người Pháp đã tạo ra khu phố Tây với những ngôi nhà biệt thự mang đậm kiến trúc Tây Âu, nằm lẫn vào những vườn cây ăn trái như: Tòa thị chính, Sở quan thuế, Nhà dây thép, Sở lục lộ, Cổ viện Chàm...

Đôi khi tôi chợt nghĩ, nếu Pháp không sớm quay lại cướp nước ta thì Đà Nẵng chắc chắn đã có một khu “phố ta” khá độc đáo, do chính các kỹ sư người Việt gốc Đà Nẵng thiết kế xây dựng nên. Bởi, có lần, khi tôi đến khu tập thể Hội Nhà văn ở Hà Nội để thăm nhà văn Võ Quảng - người từng giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến thành phố Đà Nẵng lúc đó và được ông kể rằng:
 
“Sau cướp chính quyền, tại Đà Nẵng có ông Nguyễn Văn Bé, một kỹ sư cầu đường - người ta thường gọi ông là ông Tham Bé (chữ tham là dùng để chỉ trình độ chuyên môn) đã mở ra cho Đà Nẵng nhiều con đường rất tiện lợi cho việc giao thông đi lại trong thành phố. Ông có trình cho tôi một chương trình và một bản đồ xây dựng Đà Nẵng rất thông minh, nhưng rồi chiến tranh cứ tiếp diễn không cho phép ông thực hiện được ước mơ đó!”.

Đứng trước tình hình thiếu cán bộ, việc quản lý hành chánh còn khá mới mẻ, ông Lâm Quang Thự - Chủ tịch UBNDCM lâm thời huyện Hòa Vang đã nghiên cứu Hiến pháp, các đạo luật và văn bản khác quy định tổ chức HĐND và UBND các cấp, xây dựng kinh tế, văn hóa, để viết cuốn sách “Tổ chức hành chánh và tư pháp cấp xã”, dày 150 trang.

Ngoài ra, ông còn tập hợp một cách có hệ thống các văn bản đã được Chính phủ ban hành từ sau Cách mạng Tháng Tám để xuất bản cuốn “Tổ chức chính quyền nhân dân” dày 180 trang. Ngay từ đầu, Lâm Quang Thự đã để tâm nghiên cứu về HĐND và từng tham gia Đại biểu Quốc hội từ khóa đầu tiên. Vào những năm thập niên 60 của thế kỷ trước, ông đã đề nghị Quốc hội nước ta không nhất thiết phải có tổ chức HĐND cấp quận, huyện. Đến nay, sau gần 50 năm, chúng ta chợt nhận ra rằng, ông đã đi trước thời cuộc một cách đáng khâm phục.

Về văn hóa văn nghệ, có lẽ Đà Nẵng không dễ gì có được lực lượng đông đảo hùng hậu như sau ngày giành được chính quyền. Tại thành Thái Phiên ngày ấy, có một Đội tuyên truyền thành phố, nơi quy tụ những tài năng lớn của đất nước sau này như: Vũ Hùng, Minh Tâm, Nguyễn Văn Bổng, Tế Hanh, Hồ Định, Nguyễn Châu Ân, Phan Quang Câu, Văn Cận, Phan Huỳnh Điểu, hoạ sĩ Đào Thế, Dương Ái Kiệt... Chính họ đã đem hết tài năng, sự nhiệt tình cách mạng cho thành phố, cho “cuộc đời mới”, cống hiến cho quê hương những tác phẩm, những ca khúc tuyệt vời. Đúng như sau này nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã kể:
 
Chính quyền cần làm gì chỉ cần xướng một câu là tầng lớp thanh niên chúng tôi tề tựu đông đủ, đứng ngay vào hàng ngũ sẵn sàng lên đường ngay tức khắc... Có những đơn vị ở lại tăng cường lực lượng phòng thủ cho Đà Nẵng.

Nhà của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ở Ngã Năm – trung tâm thành phố nên thường được thấy các đoàn quân hành quân qua nhà. Có một bài hát thường được cất lên: “Một ra đi, là không trở về, lòng tráng sĩ thề không nao núng...”. Chính bài hát đó đã đốt lên ngọn lửa thôi thúc nhạc sĩ sáng tác bài hát “Giải phóng quân” lịch sử.

Nhắc lại những câu chuyện này, để chúng ta luôn sống dậy tinh thần “vì một Đà Nẵng thân yêu” như đã có tự ngày nào.

Tinh thần thể dục của Đất Hàn!

Cổ Viện Chàm khi xây dựng chưa hoàn chỉnh.

 

Khu vườn hoa ngày ấy là nơi người dân Đà Nẵng sau ngày giành chính quyền tụ tập để nghe thông tin, tập thể dục và tham gia chào cờ mỗi sáng cùng với những công chức thành phố. Nói về những ngày sau Cách mạng Tháng Tám tại Đà Nẵng, nhà báo lão thành Đoàn Bá Từ thường diễn đạt một cách hào khí và hồn hậu nhất. Buổi tối, từ 7 đến 9 giờ, người dân từ Chợ Mới, Cây Quăng, từ bên tê bến đò Hà Thân kéo đến Ty Thông tin (chỗ trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố hiện nay) để nghe tin tức, thời sự.

Buổi sáng, cứ bắt đầu từ 5 giờ, tiếng loa vang lên lời kêu gọi đồng bào tập thể dục. Ông không nhớ ai đó đã sáng tác bài hát này: “Sáng rồi, sáng rồi anh em ơi! Chim hót vang đầy trời! Mau dậy, mau dậy anh em ơi. Ca bài ca sáng ngời...”. Người dân cứ nghe theo lời hát mà hút vào ngày mới. Cuộc sống cứ thôi thúc với những âm điệu đẹp và thật rộn ràng!

Nhân nói chuyện thể dục buổi sáng ngày ấy, xin nói thêm về bài thể dục mà Bác Hồ tập trong một bức ảnh, có người chú thích là “Bác đang tập dưỡng sinh”. Thực ra, khi ở trong tù Đắc Lây, ông Đoàn Bá Từ có sáng tác một bài tập thể dục cho mình và một số bạn tù, trong đó có đồng chí Lê Văn Hiến. Thế rồi, theo nhà báo Đoàn Bá Từ: Ngày 5-6-1991, ông Lê Văn Hiến (Đoàn Bá Từ thường gọi là cậu) viết cho ông một bức thư nhắc đến bài thể dục Bình Minh do ông sáng tác và được chọn trong cuộc thi phát động trong nhà tù Dak Ley.

Lời bài hát phối hợp nhịp nhàng, khớp đều với các động tác thể dục theo 2 thế võ “Lão Mai độc thoại” và “Ngọc Trảng Ngân Đài” mà anh em lúc ở tù thường hay tập hằng ngày. Thư Lê Văn Hiến viết “Bài tập này sở dĩ phổ biến là việc ngẫu nhiên ngoài ý định của cậu. Năm 1947, trên chiến khu Việt Bắc, cậu tập, Bác Hồ trông thấy và hỏi nguồn gốc, cậu kể lại.
 
Bác thấy tốt và bảo nên phổ biến ngay trong thành viên Chính phủ. Bác cũng cùng anh em luyện tập nên rất thích thú”. Cậu còn gửi cho tôi bức ảnh Bác Hồ đang tập theo bài thể dục trên và nói rằng bài tập thể dục đó nay vẫn được thành viên các Câu lạc bộ của những người cao tuổi ở Hà Nội luyện tập!”.

Có một chi tiết mà nay chúng ta thấy ngày một hiếm đi, đó là cán bộ và người dân Đà Nẵng chào cờ buổi sáng. Nhà báo lão thành Đoàn Bá Từ, người có chân trong Đội tuyên truyền thành phố Đà Nẵng cùng Phan Huỳnh Điểu, nhớ lại: “Anh em Đội tuyên truyền chúng tôi chung tiền vô mua một lá cờ lớn.

Sáng sáng, các đội viên của Ty Thông tin tập hợp đứng nghiêm, đưa nắm tay lên ngang đầu chào cờ, hát Quốc ca, sau đó dự lớp tập huấn!”. Chính cái không khí chung đó lồng trong hoàn cảnh được thoát kiếp ngựa trâu nên, bất kể dân hay cán bộ, người chỉ huy hay người lãnh đạo, mỗi sáng mai ra đều hừng hực tinh thần mới, họ thể dục, chào cờ, hát Quốc ca như một chuyện bình thường.

Theo ghi chép của ông Nguyễn Sĩ Huynh - nguyên Trưởng ty Công an Đà Nẵng thời bấy giờ thì: “Lúc đó, đúng 7 giờ, còi thành phố kéo lên, mọi hoạt động đều ngưng lại, ai nấy đều đứng nghiêm chào cờ ta. Bọn lính Pháp đi lẻ tẻ cũng chào. Ngay số sĩ quan Pháp trong Ty Liên kiểm quân sự cũng đứng nghiêm chào Quốc kỳ ta. Có tên trong bọn chúng phải thốt ra: “Dân tình Việt Nam rất nghiêm túc, ý thức dân tộc rất cao!”.

Mong sao, mùa thu này, mỗi chúng ta lại có được cái tinh thần hết lòng, hết sức đóng góp cho thành phố quê hương như những ngày mùa Thu tháng Tám năm nào!

Ghi chép của Hoàng Giang

 

;
.
.
.
.
.