.

Những thiên thần áo xanh

.

Lúc “cao điểm”, Võ Công Uyên từng nhận chăm sóc đến 4 bệnh nhân trong vai trò điều dưỡng viên. Ròng rã gần 3 năm chấp nhận làm “điều dưỡng viên thuê” Uyên mới kiếm đủ tiền trang trải cho cuộc sống của mình, một phần gửi về quê giúp mẹ và nuôi cô em gái học Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật...

Điều dưỡng viên “thuê”

 

Nhớ lại thời điểm mới ra trường, chân ướt chân ráo vào học việc tại Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, giọng Uyên nghẹn lại: “Tất cả học viên học việc đều không có lương hay bất kỳ một khoản phụ cấp nào, nhưng có được một BV nhận học việc đã là điều may mắn. Làm ở khoa Ngoại yêu cầu, rồi được giới thiệu chăm sóc một người bệnh, Uyên được trả công mỗi ngày 70.000 đồng. Lúc đó Uyên một tay chăm người bệnh, một tay chăm ba lâm bệnh nặng chuyển ở quê ra.

Người bệnh rồi cũng ra viện, về nhà, còn ba Uyên thì mãi mãi nằm xuống, chẳng bao giờ còn được con gái săn sóc”. Thời gian sau, khi tay nghề đã ổn, Phòng Điều dưỡng của BV đã giới thiệu cho Uyên một lúc 3 “mối” bệnh nhân đang điều trị tại BV và một bệnh nhân điều trị ngoại trú. Trong khi vẫn phải đảm trách công việc của một điều dưỡng học việc như lúc mới ra trường:

chăm sóc các bệnh nhân trong khoa, trực đêm theo lịch phân công… Uyên làm việc cần mẫn như một chú ong thợ, đêm hay ngày đều phải túc trực ở từng ca bệnh, làm hết tất cả những việc từ nhỏ đến lớn như tiêm thuốc, theo dõi dịch truyền, lau rửa, bón cháo, đổ bô… mà nếu không có sự tận tình của các điều dưỡng viên, người bệnh không thể xoay xở do đây là khoa có nhiều bệnh nhân tuổi cao, thậm chí có người đã rơi vào tình trạng hôn mê.

Ngoài số tiền 70.000 đồng/ngày/người, Uyên còn được người nhà bệnh nhân bao suất cơm trưa nếu làm ban ngày và suất tối nếu phải trực đêm. Thỉnh thoảng được bồi dưỡng thêm nhưng số tiền không nhiều bởi cô biết con cháu người bệnh đã gánh rất nhiều chi phí thuốc men cũng như tiền thuê điều dưỡng. Nhưng bù lại họ có thể yên tâm với dịch vụ và kinh nghiệm chăm sóc của những thiên thần mặc áo xanh trong BV. Đến nay sau 6 năm vào nghề điều dưỡng, Uyên được “chuyển ngạch” với mức lương hợp đồng 500.000 đồng/tháng. Cô phải chắt bóp dành dụm rất nhiều mới đủ nuôi mình, nuôi một đứa em đã tốt nghiệp và tiếp tục nuôi mẹ, nuôi cô em út đang học ngành Dược.

Cũng giống như người đàn chị Võ Công Uyên, Nguyễn Thị Kim Cương khăn gói từ quê hương miền núi Minh Long, Quảng Ngãi ra Đà Nẵng làm công việc điều dưỡng sau khi tốt nghiệp Trường TH Y tế Quảng Nam. Cô mong kiếm tiền để có thể học cao hơn nữa và nhận trách nhiệm thay ba mẹ nuôi hai em ăn học.
 
Mỗi ngày thường làm việc trên 10 tiếng, chưa kể trực đêm gần kín tuần nhưng Cương cho rằng dù công việc có vất vả một chút nhưng sẽ học được rất nhiều ở các nhân viên điều dưỡng có kinh nghiệm về thuốc men cũng như cách gần gũi để chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn. Và sau 6 năm nếu kể từ ngày Võ Công Uyên nhận làm điều dưỡng thuê, mức giá thuê mà Kim Cương tiết lộ cô nhận được cũng không khác trước.

Những nhân viên điều dưỡng được thuê hầu hết là học viên học việc đã tốt nghiệp ngành điều dưỡng nên người nhà bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng cũng như thái độ làm việc của họ. Vì nếu không được thuê thì các em cũng làm việc theo sự phân công của lãnh đạo từng khoa phòng trong BV.

Nhưng có một nhận xét chung mà nhiều bác sĩ trong các BV nêu ra là hầu hết những điều dưỡng viên học việc chấp nhận chăm sóc người bệnh theo yêu cầu đều đến từ các tỉnh, thành khác, có hoàn cảnh kinh tế khá khó khăn và nhận trách nhiệm thay gia đình nuôi các em ăn học. Một điều được nhất mà họ nhận được là tay nghề sẽ không ngừng nâng cao, bởi họ không chỉ làm thành thục các kỹ thuật tiêm thuốc, chăm sóc người bệnh, mà còn biết từng loại thuốc hay dinh dưỡng đối với từng bệnh khác nhau…

Nghề và nghiệp của những thiên thần

Những điều dưỡng viên trong màu áo xanh đặc trưng của nghề điều dưỡng.

 

Gánh vác đến 70% công việc từ khâu tiếp nhận bệnh nhân, chăm sóc trong quá trình điều trị (theo dõi tình trạng sức khỏe và nhận y lệnh của bác sĩ, tiêm thuốc, hướng dẫn người bệnh chế độ dinh dưỡng, phục vụ người bệnh hoàn toàn trong điều kiện người thân không được tiếp xúc với người bệnh…) đến thủ tục cuối cùng để bệnh nhân ra viện, những điều dưỡng viên hằng ngày nhận một khối lượng lớn công việc.

Họ là người tiếp xúc với người bệnh nhiều nhất, nhưng có thể là người không hề nhận được câu cảm ơn khi bệnh nhân ra viện! Đây là một thực tế bởi người bệnh vẫn quen với suy nghĩ chính bác sĩ mới là người quan trọng nhất trong quá trình điều trị bệnh của họ. Nhưng không vì thế mà họ xao lãng công việc của mình.

Chị Hứa Thị Lệ Oanh, điều dưỡng viên khoa Hồi sức cấp cứu, BV Đà Nẵng có 25 năm trong nghề điều dưỡng đã từng 2 lần đạt giải nhất trong cuộc thi tay nghề điều dưỡng cấp thành phố. Chị cho rằng đã làm nghề điều dưỡng thì phải làm cho tốt, bởi mình là người theo dõi, tiếp xúc với người bệnh hàng giờ. Cứ hai giờ các chị lại đo huyết áp của từng bệnh nhân, biết được sự sống và cái chết đôi khi rất gần nhau, nên càng phải hết mình trong công việc.

Theo tiêu chuẩn của y tế thế giới, cứ 1 bác sĩ sẽ có 2,5 điều dưỡng. Nhưng ở Việt Nam tỷ lệ này còn khá thấp với mức trung bình là 1 – 1,56 và ở BV Đà Nẵng là 1 - 1,64. Với tổng số 443 điều dưỡng, 103 nữ hộ sinh phục vụ cho 38 khoa phòng (8 khoa cận lâm sàng), BV Đà Nẵng đang thiếu hụt một lượng lớn điều dưỡng viên để phục vụ tốt công việc chăm sóc người bệnh. Số lượng học sinh học việc ở đây luôn có khoảng 50 người cũng đã giải quyết một lượng lớn công việc cho các khoa.

Mức lương cho các điều dưỡng viên trong biên chế có thể gọi là tạm ổn với khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Nhưng những điều dưỡng hợp đồng chỉ được nhận khoảng 600.000 đồng/tháng (không có tiền độc hại nếu làm ở khoa Truyền nhiễm); trong khi những học viên học việc lại không hề có một khoản hỗ trợ nào. Vì vậy, khi có các dịch vụ thuê điều dưỡng chăm sóc những người bệnh mà người thân ít có điều kiện chăm sóc thường xuyên, Phòng Điều dưỡng của các BV luôn khuyến khích các em nhận chăm sóc để có thêm thu nhập.

Năm 2001 BV đã đề ra 3 mức giá chăm sóc: bệnh nhân cấp 1 (chăm sóc đặc biệt) là 90.000 đồng/ngày, và lần lượt cấp 2 là 80.000 đồng và cấp 3 là 70.000 đồng/ngày. Nhưng sau gần một năm triển khai, việc thu phí này có nhiều vướng mắc khiến BV bỏ dở, để các điều dưỡng viên được thuê tự thỏa thuận giá với gia đình bệnh nhân. Mức giá này theo bà Trưởng phòng Điều dưỡng của BV Đà Nẵng Nguyễn Thị Thu Dung, nhiều năm qua gần như không đổi trong khi giá cả, chi phí đã tăng gấp nhiều lần, nên khó thu hút nhiều hơn những học viên học việc, trong khi các BV luôn trong tình trạng thiếu người làm điều dưỡng…

Học viên Nguyễn Thị Kim Cương đang chăm sóc người bệnh.

Dự kiến tuổi thọ bình quân của người dân Đà Nẵng sẽ là 74 tuổi vào năm 2010, điều này dẫn đến sự gia tăng của độ tuổi già và đòi hỏi về nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nhất là công tác điều dưỡng. Do đó nhu cầu cần điều dưỡng viên để chăm sóc sức khỏe tại gia có thể là vấn đề cấp bách cần giải quyết hiện nay.

Năm nay Trường CĐ Kỹ thuật Y tế khu vực 2 tuyển 600 chỉ tiêu cho 4 ngành, trong đó ngành Điều dưỡng (đa khoa, hộ sinh, gây mê-hồi sức) vẫn có số lượng thí sinh đăng ký đông nhất. Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phương Đông cũng là trường tư thục đầu tiên ở Đà Nẵng tuyển sinh ngành điều dưỡng với 100 chỉ tiêu. Như vậy, trong một vài năm tới, số lượng điều dưỡng viên ra trường có thể đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường chăm sóc người bệnh.

Trong năm học 2008 - 2009, các trường TCCN và các cơ sở đào tạo TCCN trên cả nước đã mở thêm trên 180 ngành đào tạo mới, tăng 34 ngành so với số lượng mở ngành mới của năm học trước, tập trung chủ yếu vào các ngành sau: Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Điều dưỡng, Dược sĩ, Tài chính - ngân hàng, Kế toán, Nghiệp vụ nhà hàng… Đáng chú ý, ngành Dược và Điều dưỡng vẫn là hai ngành có nhiều học sinh có nguyện vọng theo học.

(Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Hoàng Ngọc Vinh) - Trích báo cáo Tổng kết GDCN năm học 2008 – 2009


Phóng sự - Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.