Tình trạng học sinh bỏ học trên cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng là một trong những điều đáng trăn trở hiện nay. Hệ lụy của vấn đề này rất nhiều: Sự bất an của gia đình và xã hội, sự sa sút về tầm mức hiểu biết chung của xã hội trong tương lai, gánh nặng của địa phương, cộng đồng đối với bộ phận khá lớn những trẻ vị thành niên không học hành nhưng cũng bế tắc về lối thoát… Giải pháp ở đâu?
Trước hết, chỉ đơn cử ở địa bàn huyện Hòa Vang, trong năm qua (tính đến tháng 6-2009), đã có đến 117 học sinh bỏ học. Đó là con số rất không nhỏ trong một thành phố không lớn lắm như Đà Nẵng. Xét theo góc độ vĩ mô, cần phải có một giải pháp tổng thể từ phía Nhà nước. Thế nhưng, nếu tất cả đều trông chờ vào Nhà nước thì sẽ không có những thay đổi sớm. Đà Nẵng đã có truyền thống đi đầu, đột phá trên nhiều lĩnh vực trong nhiều năm qua. Có thể tìm kiếm một giải pháp theo dạng hợp tác giữa Nhà nước và nhân dân để hỗ trợ cho học sinh nghèo, ít nhất là không phải bỏ học như hiện nay? Trách nhiệm của xã hội, chính quyền là rất lớn.
Những cố gắng của chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp Đà Nẵng nhằm giúp đỡ học sinh nghèo không phải là ít. Điển hình là ngày 13-8-2009 mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn và Thành Đoàn Đà Nẵng đã trao 176 suất học bổng cho học sinh nghèo. Nỗ lực ấy là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, với cách nhìn xã hội học tổng thể thì những cố gắng tương tự như thế là chưa đủ. Cần phải có một kế hoạch mang tính chiến lược để sự hỗ trợ và chăm sóc mang tính toàn diện hơn, hiệu quả hơn.
Thứ hai, chưa có một cuộc điều tra nào về số trẻ em bỏ học trong những năm qua, trẻ vị thành niên từ các địa phương khác dồn về Đà Nẵng nhưng rất có thể con số không dưới hàng ngàn. Xét theo thông lệ và nguyên tắc quốc tế, sử dụng lao động vị thành niên (thậm chí có tuổi thấp hơn) là không phù hợp về mặt nhân văn. Thế nhưng, đó lại là một thực tế phổ biến ở tất cả các nước phát triển, trong đó có Việt Nam. Giải quyết mâu thuẫn này là điều không dễ dàng trong nhiều năm nữa.
Con đường cụ thể nhất có thể là những kịch bản sau: a) Hạn chế học sinh bỏ học. b) Chính quyền hợp tác với các doanh nghiệp mở các trường dạy nghề - học cho trẻ gặp khó khăn. c) Mở các lớp học bổ túc miễn phí cho trẻ vị thành niên đang học nghề ở các cơ sở như sửa chữa xe gắn máy, các siêu thị…
“Học nhi bất yếm” (học không biết chán) theo cách dạy của người xưa đúng trong mọi xã hội. Nó không chỉ có tác dụng nâng cao hiểu biết mà còn là một trong những giải pháp tối ưu để tạo nên sự phát triển bền vững.
Thứ ba, phải lao động sớm là một thiệt thòi cho trẻ em. Sự cảm thông và giúp đỡ của xã hội là rất cần thiết. Nếu coi việc giải quyết tồn tại này chỉ là một trong những công tác xã hội chung chung là không thỏa đáng. Cần phải có chính sách ưu tiên vì nguy hại, tác động của vấn đề là rất lớn. Chẳng hạn, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng trẻ hư, bị lôi kéo vào những góc tối xã hội nếu sự bỏ học không giảm, sự hỗ trợ khi trẻ gặp khó khăn không đủ?
Tổng kết năm học vừa rồi, Đà Nẵng đạt được một kết quả thật đáng tự hào: Hơn 95% học sinh được cử đi thi đoạt giải – có không ít những học sinh này là con những gia đình nghèo. Tinh thần ham học của người Đà Nẵng luôn đáng khâm phục, có không ít những bậc làm cha làm mẹ đã cầm cả sổ đỏ để lấy tiền cho con ăn học. Tất nhiên, không phải ai cũng có sổ đỏ để mà cầm cố, không phải bao giờ sự học cũng cấp bách hơn những lo toan để bảo toàn đời sống.
Đà Nẵng có không ít nhân tài và, nếu chúng ta không giảm thiểu nguy cơ học sinh bỏ học thì thật là đáng tiếc! Mâu thuẫn luôn tạo ra thách thức nhưng đó cũng là cách để con người thể hiện ý chí và quyết tâm. Chấm dứt nạn ăn xin là điều không thành phố nào làm được, trừ Đà Nẵng. Những điều ít khó hơn, tại sao không?
HÀ VĂN THỊNH