.

Phòng tránh hiện tượng thiếu máu

.

Nếu có lúc nào đó bạn cảm thấy mệt mỏi, cạn kiệt sức lực, nướu răng và phần trong của mí mắt dưới hơi trắng và nhợt nhạt, hoặc có các triệu chứng như chóng mặt, choáng đầu, dễ bị kích động, có thể bạn đang có hiện tượng thiếu máu. Hiện tượng này xảy ra khi tế bào hồng cầu trong cơ thể hoặc lượng haemoglobin trong tế bào hồng cầu bị thiếu hụt. Có nhiều dạng thiếu máu, tuy nhiên 2 dạng phổ biến nhất là thiếu máu do thiếu sắt và thiếu máu do thiếu axit folic.

 

Thiếu máu do thiếu sắt: Dạng này thường phổ biến hơn ở phụ nữ. Nguyên nhân là do lượng máu mất đi trong thời kỳ kinh nguyệt, ăn quá ít các thực phẩm giàu chất sắt hoặc hấp thụ không đủ lượng sắt cần thiết. Lượng sắt cần bổ sung hằng ngày là 6mg đối với trẻ nhỏ và 30mg đối với phụ nữ có thai. Quá trình mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ, hút thuốc, mất máu ở đường dạ dày-ruột do lở loét hoặc ung thư, có thể làm mất đi nguồn dự trữ sắt.

Thiếu máu do thiếu axit folic: Hiện tượng này xảy ra khi nồng độ axit folic thấp, thường do chế độ dinh dưỡng không đầy đủ hoặc do hấp thụ không đúng cách. Trong khi mang thai, lượng axit folic cần được nhiều hơn so với bình thường, khoảng từ 400 microgram đến 1mg mỗi ngày. Bạn cũng nên chú ý bổ sung một hàm lượng tương tự nếu có ý định mang thai hoặc bắt đầu mang thai trong tháng đầu tiên. Hàm lượng hấp thụ axit folic thấp có thể khiến sinh con nhẹ cân và có nguy cơ bị khuyết tật ống thần kinh như tật nứt đốt sống ở thai nhi.

Những gợi ý dưới đây có thể giúp bạn tránh được hiện tượng thiếu máu:

- Duy trì một chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng mỗi ngày, nhất là các loại thực phẩm giàu chất sắt. Nguồn dinh dưỡng này gồm có gan, thịt bê, heo, bò, thịt nạc, thịt đỏ, thịt gia cầm, cá sạc-đin, nghêu, sò, trai, hàu... Thịt đỏ không chỉ cung cấp một lượng lớn chất sắt mà còn tăng khả năng hấp thụ sắt từ các nguồn dinh dưỡng khác.

Các loại rau củ giàu chất sắt gồm có măng tây, bí, khoai lang, súp lơ xanh; các loại rau thuộc họ bắp cải như cải xanh, súp lơ, củ cải xanh, cải ngọt, và các cây họ đậu như đậu lima, đậu Hà Lan, đậu đen. Trứng, đậu hũ, ngũ cốc cũng là những nguồn cung cấp chất tạo máu tuyệt vời. Các loại rau quả và trái cây tươi như táo, chuối, mơ, mận và một số loại hoa quả khô như nho khô hoặc mận khô cũng là các nguồn giàu chất sắt. Ăn kèm các loại thực phẩm giàu chất sắt với thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, cà chua và dâu tây để giúp tăng khả năng hấp thụ chất sắt.

- Nếu bạn có sử dụng các viên sắt bổ sung, hãy uống kèm với vitamin C, nhưng lưu ý không uống canxi, vitamin E và kẽm cùng lúc với viên sắt. Hãy hỏi kỹ bác sĩ khi bạn uống thuốc được kê theo đơn, vì có một số loại thuốc có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc hấp thụ chất sắt. Tránh dùng aspirin và các sản phẩm có aspirin.

- Giảm lượng đường ăn vào sẽ tăng sự hấp thụ chất sắt. Hạn chế uống cà phê và trà đen, vì các loại thức uống này có chứa chất polyphenols và tannin có thể làm hạn chế sự hấp thụ chất sắt. Thay vào đó, bạn nên uống trà thảo mộc.

- Tránh các chất làm giảm độ axit trong dạ dày (có trong thức uống nhẹ, bia, kem, các thanh kẹo...) và các chất phụ gia thực phẩm vì chúng sẽ ngăn cản việc hấp thụ chất sắt. Không nấu thức ăn quá chín, vì lượng axit folic trong thực phẩm sẽ bị mất đi do nhiệt độ quá cao.

- Cần ăn đầy đủ vitamin B-12. Tủy sống cần phải được cung cấp đầy đủ vitamin B-12 để tạo ra các haemoglobin khỏe mạnh. Nguồn dinh dưỡng thiết yếu này có trong ngũ cốc, tất cả các loại thịt, trứng, rau củ lá xanh và các sản phẩm từ sữa. Bổ sung đầy đủ vitamin B-12 sẽ giúp bạn tránh được hiện tượng thiếu máu và cảm giác mệt mỏi.

LIÊN DUNG (Theo safeslimming)

;
.
.
.
.
.