.

Sự tích lăng Nhơn Thần làng Tân Lưu

.

Sự ra đời của lăng Nhơn Thần làng Tân Lưu, nay thuộc khu vực Tân Trà, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, gắn liền với chuyện kể khá hấp dẫn và thú vị, được lưu truyền qua nhiều đời...

Lăng Nhơn Thần nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh M.Đ)

Xưa, làng Tân Lưu có một khu rừng khá rộng, nằm sát biển, với nhiều loại cây cổ thụ. Ngoài bìa rừng có đình làng Tân Lưu khá to và một xóm chừng ba trăm nóc nhà gọi là xóm Cát, bởi tất cả đều nằm trên những bãi cát mênh mông. Rừng Tân Lưu, cũng như nhiều khu rừng của các làng xã bấy giờ đều do làng quản lý, được gọi là rừng cấm.

Người dân không có quyền vào đốn cây, lấy củi nếu không được phép của làng. Ai vi phạm, không những bị làng quở trách mà còn bị phạt tiền. Nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt nên từ đời này sang đời khác, khu rừng cấm gần như còn nguyên vẹn và trở thành nguồn lợi của làng. Hằng năm, khi có tế lễ, hoặc tu bổ đình, miếu... làng mới quyết định bán một ít cây làm quỹ.

Cũng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở xóm Cát có một ông họ Đặng khá đặc biệt, có vợ người tộc Mai, sinh ra hai cô con gái. Gia đình ông nghèo khổ, quanh năm suốt tháng vất vả với miếng cơm manh áo hằng ngày. Đặc biệt, ông có nghề... tìm trầm, nhưng không lặn lội vào tận những khu rừng sâu gần như vô chủ để “săn” trầm mà khai thác ngay tại khu rừng cấm Tân Lưu, rồi mang ra Tourane, tức Đà Nẵng ngày nay, bán cho người Hoa.

Thoạt tiên, ông giấu kỹ, không cho ai biết. Nhưng, cuối cùng, chuyện cũng đổ bể và chẳng mấy chốc đến tai lý trưởng và các vị chức sắc ở làng. Thế là làng bắt phạt. Ông chịu nộp phạt. Tưởng vậy ông sẽ tởn đến già, nhưng không, nộp phạt rồi cứ lâu lâu, khi biết cây dó nào ở rừng Tân Lưu cho trầm, ông lại lẻn vào khai thác.

Thấy phạt mãi mà ông vẫn cứ chứng nào tật ấy, lý trưởng và các vị chức sắc trong làng bèn tổ chức họp, hội ý để mọi người ký tên vào tờ “đồng thuận”. Ông Quờn, đại diện tộc Nguyễn, là dân biển, chỉ chú ý chuyện làm ăn, nghe nói qua, hăng hái “lăn” ngón tay điểm chỉ vào tờ “đồng thuận” trước. Sau đó, mới đến các tộc, họ khác. Trên cơ sở đó, làng sức cho dân đốn tre, làm rọ, chuẩn bị bắt ông tộc Đặng. Khi biết tin làng sẽ bắt mình, ông này bỏ chạy. Đám trai làng đuổi theo. Ông vội núp sau chuồng heo nhà nọ, lấy cái nơm úp cá úp lên người.

Đám trai làng phát hiện, bắt ông nhốt vào rọ, bỏ lên chiếc ghe đậu sẵn ở bến sông gần nhà ông Phổ, chở ra ngoài sông Hàn, đoạn giữa cầu Tuyên Sơn và cầu Nguyễn Văn Trỗi hiện nay, thả xuống nước để xác ông trôi đi đâu thì trôi. Bấy giờ, trời tháng chín, tháng mười mưa tầm tã, nước dâng cao, xác ông không trôi ra biển mà lại trôi ngược về ngay chỗ cũ, trước bến sông nhà ông Phổ.

Từ đó, xảy ra một sự kiện lạ lùng, khủng khiếp. Đầu tiên là 4 người tộc Nguyễn của ông Quờn bỗng nhiên nổi lên nôn mửa rồi lăn đùng ra chết. Tiếp đến, các tộc, họ khác cũng diễn ra tình trạng tương tự. Cả làng có đến hơn mười người chết, đâu đâu cũng có tiếng khóc than thảm thiết. Xưa, nghe nói làng nào có nhiều người chết, nhất là chết bất đắc kỳ tử, dân các làng lân cận tò mò đến xem rất đông.

Trong số những người đến xem, có thằng bé khoảng mười lăm tuổi, bỗng “lên đồng”, phán một câu xanh rờn rằng “...các người đã giết tao, các ngươi phải chôn cất tao đàng hoàng, làm nhà cho tao ở, không thì tao bắt chết hết”. Nghe vậy, mọi người đều rụng rời. Họ tin rằng do ông họ Đặng bị làng bắt chết oan ức nên trả thù. Lý trưởng, hương chức đâm hoảng, liền cử người đến khiêng xác ông họ Đặng lên, khấn vái, chôn cất đàng hoàng.

Xong, họ xây lăng, nằm ở xóm Cát, gọi là lăng Nhơn Thần, nghĩa là từ người biến thành thần. Lăng ban đầu bằng tranh tre. Trải qua thời gian được tôn tạo dần mới có hình dáng như ngày nay. Cùng với việc xây lăng, làng quy trách nhiệm hằng năm người dân xóm Cát góp công của, tổ chức cúng tế linh đình. Nhà giàu lưng nửa ang gạo, ang nếp, nhà nghèo đơn giản chỉ mủng khoai. Ngoài ra, còn có quỹ thu được từ tiền bán gỗ ở khu rừng cấm Tân Lưu và tiền đóng góp của bà con trong làng. Nhờ vậy, năm nào, đến ngày ấy, làng cũng tổ chức làm heo, bò...

Trong ký ức của những cụ già cao tuổi, lễ hội cúng Nhơn Thần diễn ra 6 ngày đêm, từ mồng 6 đến ngày 11 tháng Giêng mới kết thúc. Trước lúc tổ chức, bà con tập trung dọn sạch khu vực lăng. Sau tế lễ, dân làng thường mời các đoàn hát bộ, hô bài chòi, có bán vé, để mọi người đến xem... Từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám đến nay, do điều kiện khó khăn chung, lễ hội cúng ông Nhơn Thần đông vui, náo nhiệt không còn nữa. Thay vào đó là lễ cúng đơn sơ nhưng cũng không kém phần uy nghi, trang trọng.

MINH ĐẠT

 

;
.
.
.
.
.