.

Tản mạn chuyện du học

Ý thức được tầm quan trọng của việc học tập tại nước ngoài, nhất là khi đất nước bước vào giai đoạn mở cửa và hội nhập, Đảng và Nhà nước đã tạo mọi điều kiện để nhiều đối tượng học sinh, sinh viên và cán bộ đi du học ở nước ngoài.

Trong định hướng phát triển nhân lực phục vụ cho mục đích lâu dài, nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Đà Nẵng đã thực hiện chiến lược đào tạo lại một cách bài bản bằng nguồn kinh phí không nhỏ từ ngân sách thành phố, với hy vọng nguồn nhân lực được cử đi đào tạo sẽ góp phần hỗ trợ cho sự phát triển chung của mỗi địa phương. Chương trình “Đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ” đã triển khai với hàng chục bạn trẻ đang theo học tại các trường đại học ở các nước phát triển như Anh, Úc, Pháp, v.v… Bên cạnh đó, các học sinh có thành tích xuất sắc trong các kỳ thi đại học cũng được thành phố xét chọn, cấp kinh phí để theo học tại các trường đại học ngoài nước...

Tuy nhiên, trong khi nhiều cán bộ và sinh viên Việt Nam đang miệt mài học tập để đạt được kết quả tốt nhất, đâu đó vẫn có những người chưa xác định được tầm quan trọng của việc học, họ cho rằng, học chỉ là hình thức “đổi gió”, chỉ cần đạt trung bình là xong, hoặc nguy hiểm hơn, coi chuyện học ngang với việc đi làm kiếm thêm tiền dưới danh nghĩa rất thuyết phục là để giao tiếp rộng rãi, nâng cao trình độ ngoại ngữ và trang trải một phần kinh phí cho sinh hoạt đắt đỏ tại nước sở tại.

Điều đáng lo ngại là sự tiêu cực từ trong tư tưởng, thể hiện qua việc so sánh và có cái nhìn bi quan về quê nhà. Một bạn trẻ từng du học tại Anh đã tâm sự với người viết rằng, anh rất ngạc nhiên và cảm thấy khá thất vọng khi có một số người, dưới tác động của ngoại cảnh, họ thường nhắc đến Việt Nam, hay cụ thể là địa phương nơi họ đang cư trú trước khi đi du học với sự ái ngại và chê trách. Những so sánh đại loại như:
 
“Sao môi trường ở ta ô nhiễm?”, “Sao không có các công trình xây dựng quy mô?”, “Sao việc điều hành quản lý hành chính lại tùy tiện và thiếu khoa học?”, “ Sao ý thức người dân trong cộng đồng lại kém đến thế?”. Và, xã hội ở nước sở tại lại được họ ca tụng hết lời, nào là tổ chức thật bài bản, nào là phúc lợi cao, mọi người đều tự giác và tự túc, hay là các công trình, các phong cảnh ở đâu cũng đẹp và Chính phủ nước đó thật là biết tận dụng, khai thác tiềm năng…

Điều đáng trách ở đây là họ không tìm hiểu rõ ngọn nguồn của sự khác biệt đó nên đem so sánh sẽ dẫn đến sự khác biệt lớn. Hơn nữa, khi đã mang sẵn tâm trạng thất vọng về quê nhà, họ sẽ không hiểu được một điều quan trọng là để đạt đến chuẩn mực phát triển như họ đang được hưởng thì đất nước đó, xã hội đó phải trải qua nhiều bước thăng trầm của cả một thời kỳ chiến đấu, lao động lâu dài và cật lực của cha anh, sự hy sinh xương máu của biết bao người đã ngã xuống cho hoà bình hôm nay, chứ không phải trong ngày một, ngày hai mà có được.

Cách so sánh “nước ngoài - nước mình”, nếu vẫn còn lưu giữ cho đến khi về nước chắc chắn sẽ khiến người trong nước cảm thấy rất khó chịu. Nhưng hơn thế, nó có thể dẫn đến tâm lý bi quan chán nản, từ đó phát sinh cách phát ngôn và thái độ trịch thượng, kẻ cả của người “văn minh” hơn đối với chính nơi mà nhờ đó mình có được cơ hội lớn khôn. Cuối cùng là nguy cơ đánh giá không đúng bản thân, coi mình, sau cuộc “lột xác” tại nước ngoài, đã “lên giá” thực sự. Và hệ lụy của nó đương nhiên sẽ là thái độ làm việc hời hợt, không còn tâm huyết.

Thực tế trên, là một lời nhắc nhở cho những ai đã đang và sẽ tham gia du học do Nhà nước đài thọ kinh phí, nằm trong các dự án, chương trình về đào tạo nhân lực cho tương lai của thành phố. Thiết nghĩ, các bạn lưu học sinh chúng ta thay vì để suy nghĩ tiêu cực và phê phán, hãy biết tận dụng những gì tích cực mình có được, tận tâm tới từng bài thi, luận văn, luận án, để rồi đem những gì tiếp thu được, về “ao nhà” mà “gạn đục khơi trong”.

Có như thế mới đáng quý, đáng trân trọng, đáp ứng được lòng mong đợi của những người đã chăm lo, kỳ vọng về họ và của cả những người dân đã đóng từng đồng thuế để họ có cơ hội mang kiến thức về phục vụ quê hương.

Dân Hùng

;
.
.
.
.
.