.

Thời ấy xa rồi

.

Còn ai nhớ những khán đài nêm chặt người trên sân Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) 18 năm trước trong trận chung kết vô địch quốc gia mùa bóng 1990-1991 giữa chủ nhà Hải quan và Quảng Nam-Đà Nẵng? Đó là trận đấu để lại nhiều nụ cười, nước mắt tôn vinh truyền thống bóng đá Sài Gòn, nhưng đồng thời ghi dấu chiến công của một đại biểu tỉnh lẻ lần đầu vượt qua các anh hùng hào kiệt để góp mặt ở tiệc hội hoành tráng cuối cùng một mùa giải.
 

Câu lạc bộ TPHCM. (Ảnh tư liệu)

Còn ai nhớ những cuộc thư hùng ngồn ngộn cảm xúc tạo nên từ màu áo của những thương hiệu bóng đá trứ danh một thời như Cảng Sài Gòn, Sở Công nghiệp TPHCM, Công nghiệp Thực phẩm, Công an TPHCM, những cái tên chỉ thoạt nghe đã gợi nhiều cảm hứng và có sức hút bội phần? Có một thời, bóng đá TPHCM trở thành chiếc nôi thu hút mời gọi cảm hứng sân cỏ và là thước đo đối với nhiều làng bóng tỉnh lẻ nhờ vào nguồn lực, phong cách lẫn tiềm năng của một trung tâm bóng đá lớn.

Thời ấy, với nhiều người yêu bóng đá Sài Gòn, tiếc thay, xa rồi. Những thương hiệu hấp dẫn một thời chìm dần vào quên lãng, thay vào đó là một thực tế khá phũ phàng diễn ra trong những năm gần đây: Các đại biểu của làng bóng Sài Gòn luôn chật vật, lao đao và nhạt nhòa, thiếu dấu ấn trong các giải đấu quốc gia.

Nhiều năm liền vắng bóng các câu lạc bộ bóng đá của TPHCM trong các trận chung kết đỉnh cao, cứ như tiệc hội sang trọng nhất bây giờ không có chỗ cho bóng đá ở vùng đất giàu truyền thống này. Xót xa ở chỗ dường như không ít người - trong đó có cả các quan chức giữ trọng trách định hướng phát triển môn thể thao vua - nghĩ đó là chuyện tất yếu. Tất yếu như chuyện chẳng còn ai day dứt, ngạc nhiên trước nguy cơ đại biểu duy nhất còn lại của bóng đá thành phố này ở V-League là Câu lạc bộ TPHCM phải xuống hạng từ mùa bóng mới!

Lý giải cho thực trạng trên, nhiều người nhắc đến chuyện… thiếu tiền. Đúc kết ấy quả gây ngạc nhiên, thậm chí nhức nhối với nhiều khán giả tâm huyết, nhưng không phải không có cơ sở. Không ít lần người ta nghe được tiếng than nghèo phát ra từ những đội bóng ở thành phố này. Trong cuộc đua khắc nghiệt đòi hỏi không chỉ sức mạnh tài năng mà còn nguồn lực tài chính ở V-League, thế trận đã xoay chuyển khi đại biểu TPHCM tỏ ra lép vế dưới cái bóng cao to của nhiều đại gia.

Nhưng sự hụt hẫng về tiềm lực, thiếu một hâu phương vững vàng chỉ là phần ngọn của một thực tế mang tính nguồn cội: cha chung không ai khóc. Đã xuất hiện nhiều tiếng kêu bức xúc từ phía công chúng hâm mộ rằng các nhà quản lý bóng đá TPHCM thiếu hẳn cái nhìn thực tế và chưa hề đặt mình vào vị trí của những người gắn bó với truyền thống sân cỏ ở một vùng đất giàu nguồn lực.

Cách đây vài năm, khi phân tích về cảnh đi xuống của bóng đá Sài Gòn, một nhà quản lý thể thao của TPHCM cho rằng không có gì phải hoảng hốt vì sự thụt lùi của làng bóng này cũng đồng nghĩa với bước phát triển của nhiều làng bóng khác, trong đó có các làng bóng tỉnh lẻ trước đây như Bình Dương, Long An, Gia Lai… Có thể như thế thật, nhất là khi nhìn vào thực tế ngày càng có nhiều nhân tài bóng đá Sài Gòn “đánh thuê” cho nhiều màu áo khác trong cả nước, nhiều cầu thủ, chuyên gia trở thành nhân tố then chốt trong thành công và sự đi lên của các câu lạc bộ ngoài TPHCM.

Tuy vậy, không ít người chỉ ra sự biện minh vụng về trong nhận xét của quan chức thể thao này. Ông ta quên mất rằng bước lùi của bóng đá thành phố này không chỉ hiển hiện trong vị trí xếp hạng, trong cảnh trầy trật chông gai của các câu lạc bộ, mà chính ở chỗ càng ngày, bóng đá TPHCM càng đánh mất chất thu hút, gợi cảm vốn làm rung động con tim nhiều thế hệ khán giả.

Nhạt nhòa về bản sắc, hờ hững với truyền thống, phải chăng đó mới là mất mát lớn nhất?

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

 

;
.
.
.
.
.