.

Trong ngục tối

.

Truyện ngắn của VALERI BRIUXOV (Nga)

I
Sultan Mahomet đệ nhị, người đã chinh phục hai đế quốc, mười bốn vương quốc và hai trăm thành phố đã thề rằng sẽ chiếm thành Roma để lấy lúa kiều mạch trên bàn thờ thánh Pie nuôi lũ ngựa của mình. Akhmed, một dũng tướng của Sultan đã cùng đội quân hùng mạnh vượt qua vùng vịnh, bao vây thành phố Otranto từ cả hai phía đất liền và trên biển và đã chiếm được thành phố sau một trận công kích vào ngày 26 tháng 6 năm 1840. Những kẻ chiến thắng đã tỏ ra rất tàn bạo:


Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

họ dùng cưa để xẻ thịt tư lệnh quân đội Franchesko Largo, đánh đập dã man những người có khả năng cầm súng, các cha đạo và những người tu hành bị sỉ nhục đủ điều, còn đàn bà con gái thì bị xâm phạm tiết hạnh bằng vũ lực.

Người đẹp Julia, con gái của Franchesko Largo, bị đưa đến hậu cung viên dũng tướng. Người con gái kiêu hãnh xứ Napoli không chịu làm hầu thiếp cho kẻ vô thần. Ngay khi gặp viên tướng Thổ, nàng đã nhục mạ hắn và làm hắn nổi khùng. Akhmed có thể dùng vũ lực để cưỡng bức người con gái yếu đuối này, nhưng hắn đã quyết định dùng cực hình đối với nàng bằng cách ra lệnh quăng nàng vào ngục tối dưới lòng đất của thành phố. Đây là nơi chính quyền xứ Napoli dùng để giam giữ những tên giết người ghê tởm nhất, những kẻ tội lỗi đen tối nhất, những kẻ mà người ta muốn trừng phạt nặng nề hơn là cái chết.

Tay chân Julia bị trói chặt bằng những sợi thừng to tướng và bị mang vào ngục trên một cái cáng phủ kín mít, nhưng những tên Thổ vẫn dành cho nàng một chút ưu ái vì thân thế và địa vị của nàng. Nàng bị kéo dọc theo những bậc thang chật hẹp và bẩn thỉu xuống sâu nhà tù, sau đó bị xích vào tường. Trên người nàng chỉ còn lại bộ váy áo đắt tiền bằng lụa Lion, những thứ trang sức bằng vàng bạc, ngọc trai và kim cương đã bị tước đoạt hết.

Nhà tù này được đào sâu vào lòng đất, nằm dưới tường ngọn tháp chính của thành phố. Hai cửa sổ nhỏ nằm ở sát trần được bọc lưới sắt dày. Phần trên cửa sổ hơi nhô lên khỏi mặt đất một tí đủ cho chút ánh sáng mờ mờ dọi vào căn ngục để những cặp mắt đã quen với bóng tối của người tù có thể nhận ra nhau. Các bức tường đá được gia cố bằng các móc sắt và các đai sắt được khóa chặt.

Trong ngục có sáu người. Những người Thổ không muốn thả ai trong số họ sau khi chiếm thành phố vì thông thường họ thích tuân theo những tập quán của nơi họ chiếm đóng. Julia bị xích giữa một bà già tên Vanosa vì tội làm phù thủy và một chàng trai trẻ xanh xao tên Marko vì tội chống lại chính quyền trong thời gian thành phố bị bao vây.

II

Julia nằm như chết trong những giờ đầu tiên trong ngục. Nàng bị chấn động bởi những gì xảy ra cho mình và thở khó nhọc trong bầu không khí ngột ngạt và oi bức của ngục tối. Nàng chờ đợi từng phút cuộc sống sẽ lìa bỏ nàng.

Những người trong ngục vẫn chưa biết rằng thành phố đã bị chiếm đóng nên không ngớt bàn tán về việc họ vừa chứng kiến. Trước tiên họ tranh cãi chí chóe vì sao trong ngục lại xuất hiện mấy tên Thổ. Sau đó họ chuyển sang nói về Julia, về vẻ bề ngoài của nàng: khuôn mặt, quần áo và đoán non đoán già nàng là ai và cái gì đã khiến nàng rơi vào cái địa ngục này.

- Một con bé kháu khỉnh, Lorenso – một tên cướp già bị xích ở phía đối diện với Julia nói - rất tiếc là tao ở xa quá! Đừng làm lỡ chuyện đấy Marko nhé!

- Đây là món đồ quyền quý, không dành cho chúng mày đâu! Bà già Vanosa nói. Nó mặc cái váy mới sang làm sao! Trả vàng mới mua được cái ống tay áo đấy chúng mày ạ.

- Giá mà tao ở gần nó thì tao sẽ bẻ gãy cổ nó - Kozimo nói từ góc tối của hắn - nó là đứa ăn sung mặc sướng khi bọn tao đói meo.

Maria, người gầy trơ xương, thương xót Julia:

- Ối trời. Từ chăn bông gối nệm xuống nằm đất, từ cuộc sống vương giả xuống ăn bánh mì uống nước lã. Thật khốn khổ cho con bé.

Còn lão thầy bói Philippo ngồi tù trên hai chục năm, tóc dài quá gối nói bằng giọng đe dọa:

- Đã đến ngày tận thế rồi đấy! Những tên vô thần kia, những kẻ hả hê và tự hào kia. Chúng mày cứ vui mừng đi.

Chỉ có Marko là im lặng. Vì mới bị nhốt vào đây chưa lâu nên những người tù kia cũng không hoàn toàn xem Marko là người phe mình.

III

Dần dần Julia tỉnh lại, nhưng nàng vẫn nằm bất động và nhắm nghiền mắt. Nàng nghe họ nói về mình và rất khó nhọc mới hiểu được lời họ nói. Sau đó trời tối hẳn và những người tù lần lượt chìm vào giấc ngủ. Từ bốn phía vang lên những tiếng ngáy to lớn. Chỉ lúc đó Julia mới khóc nức nở và thổn thức mãi cho đến sáng.

Sáng sớm những người coi tù mới đi xuống ngục. Đó là hai tên Thổ: một lớn tuổi và một trẻ hơn giúp việc. Cũng như những người coi ngục trước, họ dọn dẹp căn ngục. Tên giúp việc dùng xẻng xúc những thứ dơ tích tụ lại sau một ngày, còn tên kia đặt những mẩu bánh mì mốc meo và rót nước vào những cái cốc bằng đất nung.

Những người tù lúc đầu yên lặng không nói gì, sau đó nhộn nhạo hỏi việc gì đã xảy ra và tại sao không thả họ tự do nếu chính quyền thành phố đã thay đổi. Nhưng những tên Thổ không hiểu được tiếng Ý.

Khi đến chỗ Julia, tên lớn tuổi ngạc nhiên trước vẻ đẹp tươi trẻ của nàng. Đặt cái túi đựng bánh mì xuống, hắn bắt đầu thì thào vui vẻ và muốn ôm nàng. Nhưng Julia, quên mất thân phận hiện tại của mình, không chịu nổi sự sỉ nhục và tát vào mặt hắn.

Tên Thổ long sòng sọc cầm lấy ngọn roi bên người và quất túi bụi vào nàng. Ngay sau đó, dưới tiếng cười hô hố và tiếng kêu vui vẻ khắp ngục, hắn đã cưỡng hiếp nàng.

Thế là sự trinh trắng của người đẹp Julia Largo, sau khi khước từ sự phục tùng đối với viên dũng tướng, đã bị một tên Thổ tầm thường, một kẻ chưa bao giờ được thấy phụ nữ trong chốn lầu son chiếm đoạt.

IV

Đời sống ngục tù cứ thế trôi qua.

Julia từng chút một làm quen với hoàn cảnh khủng khiếp này, với không khí ngột ngạt, với bánh mì khô cứng, với nước uống bị rỉ váng. Nàng phải chịu đựng những việc mà trước đây chỉ nghĩ đến thôi nàng đã thẹn chín người. Hằng ngày nàng câm lặng chịu đựng những âu yếm của tên coi ngục và đôi khi cả những trận đòn của hắn. Cũng như những người tù khác, nàng phải làm những việc mà thông thường người ta phải che giấu trước mắt những kẻ khác.

Những người tù bị xích ở khoảng cách khá xa nhau, họ rất khó đến gần nhau. Độ dài sợi xích chỉ cho phép họ ngồi, không đứng lên được. Mặc dù thế, những người tù nghĩ ra đủ cách để giải trí. Lorenso và Kozimo lượm những mảnh xương và dùng chúng chơi cả ngày đổi lấy bánh mì và nước, đã có trường hợp kẻ thua phải nhịn đói đến năm ngày.
 
Varonsa cũng thường xuyên tham gia trò chơi. Kozimo còn tiêu khiển bằng cách ném đất đá vào người khác làm cho lão Philippo nổi nóng gầm gừ như con bò đực, giật tung sợi xích làm rung cả tường. Những câu chuyện dài dòng giữa những người tù thường biến thành những trận chửi lộn khốc liệt. Đôi khi mấy ngày liền chẳng ai muốn nói lời nào: tất cả nằm khoanh trong góc tối của mình với nỗi chán chường và tuyệt vọng.

Julia sống cô độc giữa những người tù. Nàng không trả lời các câu hỏi và cũng không để ý đến những câu chửi rủa tục tằn dành cho nàng. Nàng không nói cho ai biết nàng là ai, điều ấy vẫn còn là bí mật đối với tất cả người tù. Nàng sống những ngày dài trong sự đăm chiêu tỉnh lặng, không khóc lóc, cũng không tiếc thương.

Một đôi lần nàng chỉ trao đổi vài lời với lão Varonsa bên cạnh. Varonsa, ngồi tù đã nhiều năm, cho Julia vài lời chỉ dẫn khá thiết thực. Bà ta hướng dẫn Julia cách ngồi xổm để chân không bị tê, chỉ cho nàng cách làm thế nào để sợi xích sắt không ép vào người, khuyên nàng mỗi sáng đổ nước thừa trong ly ra để tránh nước bị váng. Julia không thể không nhận thấy lợi ích của những lời khuyên này và thỉnh thoảng nàng cũng nói vài lời cảm ơn bà ta.

Một hôm Julia bất cẩn làm đổ ly nước của mình. Nước trong tù rất quý vì đang là mùa hè và trong tù rất nóng. Julia kiệt sức vì khát nhưng nàng vẫn cố không để lộ ra.

Marko bị xích bên cạnh đẩy ly nước của mình cho Julia và nói:

- Cô muốn uống nước, hãy lấy nước của tôi đi.

Julia nhìn Marko. Cặp mắt đen và đôi má trắng nhợt của Marko làm nàng hơi đỏ mặt. Nàng nói:

- Cảm ơn.

Nước rỉ váng ngày hôm đó thật ngọt.

V

Từ hôm ấy Julia bắt đầu trò chuyện cùng Marko. Lúc đầu câu chuyện hay bị ngắt quãng. Dần dần họ nói chuyện dài hơn, sau đó thì câu chuyện kéo dài cả ngày.

Julia kể về cuộc sống vui vẻ nơi cung đình: về những cái giường bằng gỗ quý, những chiếc đèn chùm bằng pha lê xứ Venezia, những khu vườn có thác nước và vòi phun nhân tạo, những chiếc khăn đính vàng và ngọc trai, những lễ hội, những tiệc chiêu đãi, những vũ hội và những chuyến đi săn thú vị trong rừng. Nàng cũng kể về những buổi biểu diễn trong nhà hát với các loại đàn tranh, sáo và đàn luýt, những tác phẩm nghệ thuật, các đồ trang sức do thợ kim hoàn giỏi nhất làm, những bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng, những sự kiện lịch sử. Nàng kể về những cuốn sách của Philelpho, Pontano, Panoramito, Alberti và các nhà văn hiện đại khác.

Còn Marko kể cho Julia về những chiếc vỏ ốc biển xinh đẹp, những con cá biển màu sắc sặc sỡ; nhớ lại những mẻ lưới ban đêm dưới ánh đèn nhựa cây, những buổi đua thuyền, những cơn bão biển dữ dội; về cuộc sống ở Sicily và những người da đen ở châu Phi, những con voi và lạc đà; những câu chuyện lạ lùng của nhà đi biển Sinbad một lần nhầm cái lưng của quái vật biển là hòn đảo và những đất nước lạ lùng với những người không có đầu; về những nàng tiên cá gảy đàn lia vào đêm trăng để quyến dụ những thủy thủ trẻ tới rồi làm đắm thuyền của họ; về những loài hoa biết nói và những thiếu nữ có cánh như bướm.

Có một điều Julia và Marko không bao giờ đề cập đến là tình cảnh hiện tại cũng như tương lai của họ, về những ngày họ ở trong ngục cũng như điều gì chờ họ.

Những người tù khác lúc đầu cười nhạo khi nghe chuyện, sau đó họ cũng không thèm để ý đến nữa.

VI

Sau khi biết nhau, Julia và Marko lại trở nên thẹn thùng. Và họ lại bắt đầu che giấu những điều mà người ta thường giấu giếm trước kẻ khác.

Một buổi sáng nọ, tên coi ngục lại để ý đến Julia, mặc dù đã gầy rạc vì đói khát, vì thiếu không khí và bệnh tật, nàng không thể được xem là còn xinh xắn nữa. Tên người Thổ ngồi gần nàng, mỉm cười và lại muốn ôm nàng như những ngày đầu nàng bị giam cầm. Nhưng Marko từ phía sau chụp lấy vai hắn, quật xuống đất và chút nữa đã đập bể đầu hắn bằng sợi xích sắt.

Tên giúp việc dĩ nhiên dễ dàng xử lý chàng trai trẻ yếu đuối vì ngồi tù đã lâu. Cả hai tên Thổ ập đến và bắt đầu dùng roi quất Marko một cách không thương tiếc. Chúng thay phiên nhau đánh Marko cho đến khi mệt lữ mới thôi. Trước khi đi, chúng còn chửi rủa và đe dọa, để lại Marko nằm trong vũng máu.

Cả ngục chìm trong yên lặng. Không ai biết nên nói gì.

Julia cố tiến về phía Marko theo độ dài dây xích cho phép. Nàng rửa vết thương cho chàng và thấm nước lên đầu chàng.

Marko mở mắt ra và nói:

- Tôi đang ở thiên đường đây à.

Julia hôn vào vai Marko vì không thể vươn đến môi chàng được và nói:

- Em yêu anh, Marko. Anh là ánh sáng của đời em.

Tất cả đều nghĩ rằng hôm sau tên Thổ sẽ giết Marko. Nhưng không hiểu sao sáng hôm sau có hai tên coi ngục khác đến để dọn dẹp. Cả hai trông có vẻ trầm ngâm và không chú ý gì đến ai. Những tên Thổ cũ sợ hãi hay chúng đã bị đổi, điều này vẫn là bí mật đối với những người tù.

VII

Marko bị ốm mất mấy tuần. Trong thời gian đó, Julia chăm sóc cho Marko trong chừng mực nàng có thể. Và khi Marko bình phục, Julia bật khóc nức nở.

Một buổi chiều nọ, Julia bắt đầu lên cơn đau thắt người, và không hiểu tại sao nàng không chịu nổi cơn đau này. Lão Varonsa hiểu điều gì đã xảy ra và dìu nhẹ nàng lại phía bà ta.

Sáng hôm sau, Julia sinh được một đứa bé nhưng đã bị chết.

- Tiếc là đã chết - Lorenso nói - Hiếm có kẻ nào có thể sinh nở thành công trong tù.

Kozimo rủa Varonssa vì bà ta đã giúp Julia.

- Dù sao họ cũng là phụ nữ với nhau - Maria gầy gò trả lời.

Buổi sáng, những tên Thổ coi ngục đến, gói ghém thi thể nhỏ bé cùng những thứ dơ bẩn và mang đi.

VIII

Một vài ngày sau, vào ban đêm, khi mọi người đã ngủ, Julia nói với Marko:

- Marko! Anh cần khinh bỉ em, em là kẻ đã chết rồi. Anh là người đầu tiên em yêu nhưng em không thể dâng hiến sự trong trắng cho anh. Người ta đã dùng vũ lực làm em nhơ bẩn. Em không xứng đáng với anh, mặc dù em không có lỗi. Ồ, giá như em gặp anh vào những ngày xưa kia để anh là người đầu tiên nhìn thấy ngực em mà trước đây chưa có kẻ đàn ông nào nhìn thấy! Lúc ấy em sẽ cảm nhận được sự âu yếm của anh và tình yêu bỏng cháy của em dành cho anh.

Nhưng bây giờ anh hãy bỏ em đi, Marko, và đừng cho phép mình nghĩ về em như một người đàn bà nữa. Nếu như em không thể mang đến cho anh cái quý giá duy nhất của người con gái thì em không muốn anh hổ thẹn vì sự chọn lựa của mình. Em sẽ yêu anh mãi mãi, nhưng anh không cần phải yêu em. Trong khi Chúa còn đọa đày chúng ta trong địa ngục này, hãy cho em được thỉnh thoảng nhìn anh để em có thể vượt qua được nỗi sợ hãi có thể làm em phải tự vẫn. Khi nào Đức bà đồng trinh Maria thương xót cho chúng ta được tự do, thỉnh thoảng anh hãy nhớ đến một tâm hồn luôn yêu anh thiết tha. Còn em sẽ ở trong giáo đường để luôn nguyện cầu cho anh.

Marko trả lời nàng:

- Julia! Em chính là thiên thần của đời anh. Đối với anh, không gì trên đời này tuyệt vời hơn hình ảnh của em. Em đã làm cho anh còn tin vào đức Chúa lòng lành và thiên đường hạnh phúc. Ý nghĩ về em thắp lên ngọn lửa tin yêu trong lòng anh. Anh run rẩy khi sờ tay em để cảm nhận đó là những hòn than ngọt ngào cháy bỏng. Giọng nói em như sương mai trên đồng cỏ hay như tiếng sóng vỗ dạt dào theo bãi đá. Anh sẽ hôn lên bất cứ mảnh đất nào em đến. Em không có lỗi gì. Em yêu của anh, hãy để cho anh luôn được nhìn thấy em.

Julia quỳ gối và nói với Marko:

- Marko! Anh yêu của em! Anh có bằng lòng lấy em làm vợ không?

Còn Marko cũng quỳ xuống và nói với nàng:

- Em ơi! Trước đức Chúa trời anh linh, anh nhận em làm vợ của anh, anh cưới em và cùng em xây dựng mối quan hệ khắng khít không kẻ nào có thể phá vỡ nổi.

Như thế họ đã lấy nhau, vẫn quỳ gối trước mặt nhau trong bóng đêm trong lúc mọi người đã ngủ.

IX

Những nhà lãnh đạo Kitô không thể thản nhiên chịu đựng những kẻ vô thần thống trị đất nước. Alfonk, công tước xứ Calabria, con trai của đức vua xứ Napoli tập hợp một đội quân hùng mạnh để đánh đuổi những tên Thổ khỏi đất Ý và chiếm lại thành phố Otranto. Giáo hoàng Sikst đệ tứ đã quyên góp nhiều tiền của để cung cấp lực lượng cho Alfonk và người Hungary cũng gửi quân đến giúp.

Lòng quả cảm và hăng hái của những người Ki-tô đã bẻ gãy sức kháng cự của những kẻ vô thần. Những người này cũng mất nhuệ khí khi nghe tin Sultan Mahomet qua đời vào tháng 5 năm 1481. Những người Hồi giáo bỏ chạy khỏi đất Ý, còn cư dân Napoli chiếm lại được thành phố Otranto vinh quang.

Trong số những người lãnh đạo quân đội Kitô có Pietro, em trai của Fernando Largo và ông ta vội vàng tìm kiếm người cháu gái của mình. Julia được đưa ra khỏi ngục. Nàng thậm chí không đứng nổi trên đôi chân của mình và lòa mắt vì ánh sáng mặt trời. Những ai gặp nàng gầy gò, nhợt nhạt như vậy đều không cầm được nước mắt. Những người hầu nhẹ nhàng tắm rửa nước thơm cho nàng, chải lại tóc nàng, quấn nàng trong những tấm vải mịn màng và êm dịu.

Julia như kẻ mất hồn và hầu như không nói được. Một ngày sau khi được giải thoát, nàng bị ốm nặng thập tử nhất sinh trong mấy tuần liền. Trong cơn mê sảng, nàng thấy mình đã chết và bị cực hình trong chốn địa ngục đầy các loài quỷ dữ xâu xé và làm nhục nàng. Nàng không nhận ra người thân thuộc, và hễ ai đến gần đều làm nàng sợ hãi.

Rồi từng chút một, nàng dần hồi phục nhờ tài nghệ của các bác sĩ và sự quan tâm của những người thân. Tất cả quá khứ trong chốn ngục tối đối với nàng như một cơn mê khủng khiếp. Trước mặt nàng, không ai nhắc lại những ngày tháng nàng bị cầm tù, và bản thân nàng cũng cố gắng không quay lại dù chỉ là trong ý nghĩ.

X

Khi dã khỏe hẳn, Julia chuyển đến Napoli và ở với một người chú. Nhà vua Fernando khi chết có để lại cho Julia một khoản cấp dưỡng hằng năm trị giá 1.000 đukat để tưởng nhớ đến cái chết thảm thương của cha nàng trong lúc thi hành nghĩa vụ. Ngoài ra, Julia còn được thừa hưởng tất cả tài sản, nhà cửa và đất đai của cha cô. Vẻ đẹp của Julia bộc phát một cách rực rỡ làm mọi người sững sờ khi gặp nàng trong các buổi tiệc tùng trong cung, và vì nàng đang là một cô dâu giàu có nên không thiếu những chàng trai trẻ xứng đáng và quý phái tìm mọi cách để lấy nàng làm vợ.

Một hôm, Julia cùng các người hầu gái đang đi dạo chơi dọc bãi biển, nơi có những tòa nhà nguy nga mới được xây dựng. Thình lình nàng nhận ra Marko trong một nhóm nhỏ ngư dân đang đứng cạnh một chiếc thuyền đánh cá. Chàng mặc chiếc áo khoác thủy thủ và đội chiếc mũ không vành màu đỏ.

Một nỗi buồn sâu lắng đột ngột xâm chiếm Julia, dường như nàng đang bị một mụ phù thủy độc ác giơ chiếc đũa thần ra đe dọa mình. Nàng làm ra vẻ không nhận ra Marko, nhưng rõ ràng chàng đã thấy và nhận ra nàng. Julia liền sai một người hầu gái đến chỗ Marko ra lệnh cho chàng chiều nay đến gặp nàng. Nàng thấy chàng cười mỉa mai và gật đầu đồng ý.

Cả ngày hôm ấy, Julia cảm thấy bồn chồn không yên. Marko đến vào lúc chiều tối với vẻ trẻ trung, tươi tắn, rắn chắc và dũng cảm. Julia tiếp Marko tại phòng nàng cùng với cô bạn thân Lukresia và hai cô hầu gái. Julia mặc chiếc váy đính vàng với tay áo xẻ, cổ nàng đeo chuỗi ngọc trai và một viên kim cương đính trên trán. Nàng ngồi trên chiếc ghế cao do nghệ nhân xứ Florence chế tác.

Marko kính cẩn nghiêng mình chào nàng như một ngư dân bình thường trước một cô gái quý tộc.

Ngồi mãi không biết nói gì với Marko, một lúc sau Julia hỏi:

- Này anh bạn, hãy nói cho tôi biết anh làm gì?

Marko ngước lên nhìn đôi mắt đen thẳm của nàng, lại cười mỉa như lúc sáng ngoài bến tàu và trả lời:

- Thưa quý bà, tôi là ngư dân làm nghề đánh bắt cá và thỉnh thoảng chở hàng hóa từ Otranto đi Napoli.

- Anh có hài lòng với công việc của mình không? – Julia hỏi.

- Đối với tôi, được sống dưới ánh mặt trời và biển xanh như thế là quá đủ - Marko trả lời, giọng anh ta thật êm dịu như những giờ phút họ chuyện trò trong ngục tối.

Nhưng Julia đã làm chủ được cảm xúc của mình và nói:

- Tôi ra lệnh mua cho anh một chiếc tàu mới để anh có thể làm ăn riêng.

Marko nghiêng đầu:

- Xin cảm ơn, thưa quý bà, tôi không muốn từ chối làm bà phật lòng. Chỉ xin phép bà cho tôi được lấy tên bà đặt tên cho con thuyền này để kỷ niệm.

Sau đó, Marko nghiêng mình xin phép cáo lui. Khi Marko đã đi khỏi, Julia nói với Lukresia:

- Tôi biết người này đã tham gia vào âm mưu chống lại cha tôi. Nhưng cũng như tôi, anh ta đã trải qua những ngày tháng thành phố bị chiếm đóng, vì thế tôi không thể đối xử nghiêm khắc với anh ta. Tôi đã ra lệnh cấp cho anh ta một chiếc tàu nhưng yêu cầu cấm không cho anh ta lai vãng đến Napoli nữa mà chỉ được làm ăn đâu đó ở Taranto thôi.

HẢI NGUYÊN (Dịch từ nguyên bản tiếng Nga “Tuyển tập tiểu thuyết và truyện ngắn của Valeri Briuxov” do Nhà Xuất bản “Nước Nga Xô viết” ấn hành năm 1983 tại Matxcơva).

;
.
.
.
.
.