.
Trung Quốc:

Văn hóa “thê thiếp” sống lại

.

Ở Trung Quốc, câu ngạn ngữ “phía sau mỗi người đàn ông thành đạt có một người phụ nữ đảm đang” đã bị bóp méo thành “phía sau mỗi quan chức tham nhũng có ít nhất một cô nhân tình”. Mới đây một lãnh đạo cao cấp của cơ quan chống tham nhũng đã thừa nhận công khai rằng 95% số quan chức tham nhũng bị chính quyền tóm gáy đều có bồ nhí.

“Văn hóa thê thiếp” - đàn ông năm thê bảy thiếp - đã có truyền thống hàng ngàn năm ở Trung Quốc và nay đang sống lại. Nhiều cán bộ trong bộ máy đảng và Nhà nước Trung Quốc hiện coi việc có thêm một vài cô bồ nhí là biểu hiện “đẳng cấp” trong xã hội và giải quyết nhu cầu sinh lý.

95%: con số gây sốc!

Bìa phim “Bá Vương biệt cơ” của Trần Khải Ca, bộ phim được nhiều giải quốc tế lớn của Trung Quốc hiện nay.

Nói chuyện với cán bộ thành phố Đông Hoàn, tỉnh Quảng Đông hôm đầu tháng 7, ông Qi Peiwen, phụ trách Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cảnh báo các quan chức phải tránh xa “phụ nữ đẹp” vì bồ bịch là con đường dễ nhất đi tới tham nhũng và thoái hóa, biến chất.

Lời cảnh báo của ông Qi làm dấy lên nhiều phản ứng sôi nổi trên báo chí và trên mạng Internet về sự hồi sinh của văn hóa nàng hầu thời phong kiến. Con số 95% quan chức tham nhũng có một hoặc nhiều cô bồ nhí mà ông Qi đưa ra đã gây sốc; một số người nói đùa rằng, xu thế đó làm những người không phải là quan chức càng thêm khó khăn trong việc kiếm vợ, vì Trung Quốc có tỷ lệ nam nữ rất mất cân đối. (Theo Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc, tỷ lệ nam-nữ trong số trẻ mới sinh năm 2005 là 119 nam/100 nữ).

Truyền thống đàn ông được lấy vợ bé đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc dẹp bỏ từ năm 1949. Trung Quốc cũng đã thành công trong việc quét sạch những tệ nạn xã hội như nạn mại dâm, nghiện hút. Ngày nay, lấy hai vợ là phi pháp, ít ra là trên giấy tờ.

Đối với những kẻ giàu có và thế lực, việc duy trì quan hệ ngoài hôn nhân đã trở thành mốt thời thượng, nhất là trong giới quan chức. Dường như từ giới quan chức cấp cao đến cấp cơ sở, hễ ai có quyền thì cũng có bồ nhí. Quan chức cao cấp nhất bị sa ngã trong những năm gần đây là ông Trần Lương Vũ (Chen Liangyu), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Ông ta đã bị kết án tù 18 năm vì tội tham nhũng và nghe nói ông có ít nhất hai cô nhân tình.

Giữ kỷ lục về số bồ nhí có lẽ là ông Xu Qiyao, cựu giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Giang Tô, vừa thoát án tử hình vì tội tham nhũng. Ông Xu, phụ trách các dự án hạ tầng cơ sở ở tỉnh duyên hải miền đông Trung Quốc, được biết đã nuôi tới 140 cô bồ. Ngày nay, quan chức tham nhũng và bồ bịch của họ đã trở thành đề tài châm biếm của giới báo chí và blog Trung Quốc.

Công dân mạng ở Trung Quốc thậm chí còn soạn danh sách các kỷ lục mà quan chức tham nhũng lập được căn cứ vào số lượng và sắc đẹp của các nhân tình của họ, cũng như số tiền mà họ chi tiêu vào việc nuôi bồ nhí. Danh sách này được công bố rộng rãi trên các trang web có nhiều người đọc.

Quyền, tiền và tình dục

Văn hóa thê thiếp mới của Trung Quốc không chỉ giới hạn trong giới quan trường. Hiện tượng này đã lan rộng, với sự xuất hiện những “làng thê thiếp” trong các thành phố ven biển. Ông Jin Weizhi, tổng giám đốc một công ty sữa quốc doanh đã bị kết tội hối lộ và biển thủ công quỹ hồi năm 2000, có lần nói rằng: “Nuôi bồ nhí không chỉ vì nhu cầu sinh lý. Đó là một biểu hiện địa vị xã hội. Nếu bạn không có vài người đàn bà, người ta sẽ coi khinh bạn”.

Vợ bé thường bị cáo buộc là xúi giục các quan chức nhận hối lộ hoặc phạm tội lợi dụng quyền hạn, chức vụ. Đổi lại, các quan chức thường cung phụng các cô vợ bé những món quà xa xỉ, tiền hoặc hợp đồng thực hiện các dự án béo bở. Trong một trường hợp có tính điển hình, ông Deng Baoju, quản lý ngân hàng ở thành phố Thâm Quyến, đã ăn cắp 18,4 triệu nhân dân tệ, tương đương 2,7 triệu đô-la Mỹ, từ quỹ của ngân hàng để cung phụng cho 5 cô bồ nhí trong 800 ngày, bình quân mỗi ngày tiêu tốn 23.000 nhân dân tệ, hay khoảng 60 triệu đồng Việt Nam. Ông ta đã bị tù 15 năm về tội lừa đảo.

Theo một phóng sự năm 2008 của Tuần báo Phương Nam có trụ sở tại Quảng Châu, nạn tham nhũng và nạn nhân tình nhân ngãi đi kèm với nhau. Tờ báo đã khảo sát trường hợp tham nhũng của 41 quan chức cấp tỉnh bị phanh phui trong khoảng thời gian 1998-2008 và cho thấy có đến 36 trường hợp có bồ nhí. Tờ báo cũng trích lời bà vợ một quan chức cao cấp nói rằng, khu nhà ở dành cho quan chức mà bà đang cư ngụ “giống như làng góa phụ”, vì đàn ông ít khi có mặt ở nhà. Nhiều bà vợ biết các đức ông chồng không chung thủy, song họ vẫn giữ im lặng vì lợi ích của gia đình.

Theo luật pháp hiện hành của Trung Quốc, người đàn ông lấy hai vợ có thể bị phạt tới hai năm tù giam, nhưng trong thực tế việc nuôi bồ nhí ít khi bị xử phạt, chừng nào người đàn ông đó chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn lần nữa.

Dẹp bỏ văn hóa nàng hầu

Sự trỗi dậy của văn hóa nàng hầu đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tiến hành một cuộc trừng trị các quan chức nuôi vợ bé. Đảng đã thực hiện cuộc khảo sát đầu tiên về tình trạng hôn nhân-gia đình của bộ máy công chức và Thành ủy Bắc Kinh thậm chí còn bắt buộc công chức phải báo cáo tình trạng hôn nhân với cơ quan quản lý. Tuy vậy cho đến nay biện pháp này chưa có nhiều kết quả.

Trong khi đó, hầu như mọi quan chức cao cấp bị điều tra về tội tham nhũng đều bị phát hiện có một hoặc nhiều cô vợ bé. Báo chí Trung Quốc đã đề xuất cơ quan chống tham nhũng nên bắt đầu các vụ điều tra bằng cách phát hiện xem quan chức đó có nuôi vợ bé hay không.

Để ngăn chặn tình trạng các cô vợ bé lạm dụng thế lực của các ông chồng, cơ quan tư pháp Trung Quốc đã mở rộng khái niệm hối lộ để bao hàm cả hành vi tặng quà cho các cô bồ của các quan chức.

Đầu tháng này, chính quyền thành phố Mỹ Sơn (Meishan) thuộc tỉnh Tứ Xuyên đã có lệnh cấm “quan hệ bất thường” giữa quan chức và phụ nữ. Tuy nhiên, lệnh cấm này bị phản đối kịch liệt vì không thực tế - chính quyền không thể giải thích được thế nào là quan hệ bất thường và cũng không đề ra được biện pháp chế tài mà người vi phạm phải gánh chịu.

Cũng giống như báo chí ở mọi nơi trên thế giới, báo chí Trung Quốc thích đăng tải những câu chuyện hấp dẫn về quan chức tham nhũng và bồ bịch của họ. Tuy vậy, nếu can phạm vẫn còn nắm quyền thì ít ai dám đặt vấn đề về lòng chung thủy hoặc sự trong sạch, không dính tới tham nhũng của họ.

Huỳnh Hoa (Theo Thời báo châu Á - Asia Times)

;
.
.
.
.
.