.

Ước vọng tuổi thơ

.

Thời buổi đã khác, nhưng trẻ con ngày nay vẫn giữ lại ít nhiều nếp sống của các thế hệ đi trước và dưới cái nhìn của những người lạc quan, đó là sự níu lấy những gì trong sáng còn lại của tuổi thơ trước những đổi thay đến chóng mặt của xã hội đương đại.

Ít ai nghĩ rằng, cô gái (ngoài cùng bìa trái)sắp sửa làm “cô Tú” này lại đi thả bò giúp mẹ.

Dân gian Việt Nam từ xa xưa đã quan niệm “ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Một thời, ở các miền quê, khi đời sống nông nghiệp tất bật từ sáng sớm đến tối mịt thì “con gái đầu lòng” luôn là mong ước của hầu hết các gia đình. Con gái đầu như một “phó tướng” trong nhà, được xếp sau “nội tướng” là người mẹ. Nhiều bé gái đã “vào đời sớm” ngay tại nhà mình với mọi công việc từ trong nhà ra đến đồng ruộng.

Đi thả bò là chuyện nhỏ

Chị Mai Thị Minh Hoa, quê ở làng Phước Lý, nay thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, nhà có đến tám anh chị em. Vừa học vừa phụ cha mẹ làm cả mẫu ruộng, cực quá, ráng lắm cũng chỉ học tới lớp 7 rồi nghỉ - chị trầm ngâm nhắc chuyện xưa. Tới hồi lập gia đình, cũng đâu có bỏ cái liềm, cái cuốc. Sinh đứa con gái đầu, vừa mừng, vừa thương. Mừng vì có đứa nó lo chuyện cơm nước giúp mình. Thương vì sợ đời con sẽ lam lũ như đời mẹ. Chồng chị, anh Đoàn Văn Tiến, bỏ ruộng đi làm nghề xây dựng, quyết không để con cái phải “vào đời sớm” như cha mẹ.

Được cái là con chị đứa nào cũng chăm học, Thùy Dung năm nay lên lớp 12, từng đoạt giải khuyến khích môn Địa cấp thành phố. Hôm chúng tôi đến, Dung và thằng em kế đang dắt bò ngoài đồng. Thấy tôi đưa máy ảnh lên, Dung quay mặt đi. Lạ thật, giữa một làng quê đã lên phố hơn chục năm rồi mà vẫn có đứa con gái sắp làm “cô Tú” đi dắt bò giúp cha mẹ.

Đi thả bò là... chuyện nhỏ, mấy đứa bạn thân của con tới nhà còn tranh nhau đi thả, chỉ sợ mấy bạn mới, tụi nó biết rồi “chọc quê” thôi – giọng Dung chân chất. Dung và hai đứa em trai đều là học sinh giỏi, cả ba vừa được tuyên dương trong đêm văn nghệ “Thắp sáng ước mơ học đường” do Chi hội Khuyến học tổ 54 Phước Lý tổ chức.

Hàng xóm và bạn học cùng khối lớp với Dung, có em Trịnh Thị Thùy Trang, người 11 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi. Trang thích nhất môn Văn và tiếng Anh, với “thần tượng” là cô giáo dạy Văn ở trường, em nuôi mộng trở thành cô giáo, bất chấp lời “bàn ra” của bạn bè: Mi chọn cái nghề chi mà khổ và nghèo quá, răng không đi kiến trúc, kinh tế?

Trang có hai bạn rất thân, một đứa có cùng mơ ước như em, một đứa sau này muốn thành nhà báo. Nghề chi thì nghề - Trang tâm sự, miễn mình yêu nó, sống chết với nó là cảm thấy bằng lòng với cuộc sống rồi. Trước mắt, em làm “cô giáo” với hai đứa em trong nhà.

Ba mẹ Trang chưa ai học qua lớp 11. Đó là một sự thua thiệt lớn đối với xã hội - anh Trịnh Khải, ba của Trang, giọng đầy tiếc nuối. Đời mình coi như “cho qua” rồi, chừ chỉ mong cho con cái nó không khổ như mình là quá quý.

Làm lớp phó học tập, Trang luôn giữ thái độ vui vẻ, gần gũi với chúng bạn. Bạn Trang, nhiều đứa cứ ước ao có cái điện thoại di động, có đứa từ lớp 9 đã có “dế” để a-lô “dợt le” thiên hạ rồi. Nhưng em thì chẳng hề đua đòi: Có thì dễ liên lạc với nhau hơn, không có thì cũng chẳng thấy chi xấu hổ. Chưa đến lúc cần đến “dế”, chừ nên lo tập trung học tập, sang năm thi rồi mà.

Dung và Trang đã góp phần làm nở mày nở mặt tổ 54 khu vực Phước Lý, “vùng sâu vùng xa” của phường Hòa Minh nằm dưới chân núi cùng tên. Anh Nguyễn Đình Hùng, tổ trưởng dân phố 54 rất phấn khởi: Dân nghèo, một số nằm trong quy hoạch làm ảnh hưởng đến việc học của con cái, nhưng ai cũng mừng vì năm rồi, cả tổ có 46 học sinh giỏi trên tổng số 104 học sinh.

Làm việc nhà để thư giãn

Nhờ làm việc vặt hằng ngày, Tân có đủ tiền mua sắm mọi thứ cho năm học mới.

 

Ở tổ 6C khu vực Thành Vinh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, có em Lê Văn Cường năm nay lên lớp 7 nhưng trông chỉ như cậu học sinh cuối cấp tiểu học. Người gầy gò, đen trùi trũi như một ngư dân thực thụ, hệ quả của những ngày hè cùng chúng bạn đá bóng ngoài bãi biển. Anh Dũng, cậu của Cường, người đang nuôi nấng em sau khi bà ngoại em qua đời, làm nghề lưới rê, có khi chạy thúng chai ra tới hòn Chão ngoài gành Hải Vân. Làm nghề cực quá, con cái chẳng có đứa nào theo - anh phân trần. Chừ cũng hướng cho Cường nó học kiếm cái nghề chi trên bờ cho khỏe tấm thân.

Chị Nguyễn Thị Kim Cân, cán bộ chuyên trách chăm sóc trẻ em phường Thọ Quang vừa xin ngành Lao động - TB&XH tặng cho Cường một chiếc xe đạp để em không phải đi bộ tới trường. Chị hỏi, sau này con thích làm nghề gì, Cường lặng yên một hồi rồi bẽn lẽn: Dạ, cầu thủ bóng đá. Thì ra, “thần tượng” ở xa của em là Ronaldo, ở gần là SHB Đà Nẵng, cái đội bóng vừa đoạt Cúp Vô địch V-League 2009.

Khác với Cường, em Bùi Xuân Tân ở tổ 21 khu vực Thọ An 2 có gương mặt thư sinh chính hiệu. Hồi mới vào lớp 10 Trường THPT Phan Châu Trinh, mang mặc cảm mình là “dân quận Ba”, Tân quyết tâm học giỏi để học trò nội thành “lé mắt”. Là con duy nhất trong nhà, em vừa học, vừa tranh thủ xếp giấy Thổ công, mỗi sáng chở sữa đậu nành giúp mẹ, còn nấu cơm, đi chợ là chuyện thường.

Hồi học THCS Tân thích nhiều nghề, đến khi tham gia làm báo lớp ở bậc THPT, em nuôi mộng sau này làm nhà báo “để được đi nhiều nơi, biết nhiều điều, cập nhật thông tin nhanh chóng trước người ta”. Em quan sát cuộc sống quanh mình, nhất là người dân ven biển quê em, rồi tập tò viết báo. Với Tân, “vào đời” ngay từ lúc còn đi học sẽ vất vả một chút, nhưng lại tạo cho mình tính tự lập. Cái điện thoại di động mà em đang sử dụng là kết quả của việc xếp giấy Thổ công mùa hè năm ngoái.

Những lần chở sữa đậu nành giúp mẹ, gặp bạn, Tân vẫn cười, cái cười vô tư như cô bé Dung thả bò dưới chân núi Phước Lý. Sẽ có ai đó bảo, để cho con cái lo ăn học chứ ai lại bắt chúng “đi làm” sớm thế. Nhưng chính các em lại nghĩ khác, làm việc nhà cũng là một cách thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng, còn hơn là tụm năm tụm ba vào những cuộc chơi quá đà, vô bổ.

VIÊN PHÚC QUÂN

 

 

;
.
.
.
.
.