.

Việc làm cho người khuyết tật: Cửa vẫn hẹp

.

Ngày 15-8 vừa qua, trong số hàng nghìn người đến tham quan Chợ việc làm và tuyển sinh học nghề thành phố Đà Nẵng năm 2009 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Đà Nẵng, có một cô gái rụt rè đi tìm gian hàng dành cho người khuyết tật (NKT). Đó là Trần Thị Huệ, bị khuyết tật vận động từ nhỏ, quê ở Đan Phượng, Hà Tây, Hà Nội. Theo chồng vào Đà Nẵng - chồng cô cũng là người khuyết tật - cô mang theo những kiến thức tích lũy được từ quê nhà với ước mong sẽ kiếm được một việc làm phù hợp với mình.

Từ hồ sơ đến phỏng vấn

Sự động viên của các đại biểu sẽ giúp những NKT như em Nguyễn Văn Dương cảm thấy tự tin hơn.

Đi học, Huệ hết nhờ bác, mẹ nuôi, đến bạn bè, rồi cô giáo cạnh nhà đưa tới lớp. Quyết tâm học thật nhiều để bù vào sự khiếm khuyết của số phận, cô đỗ một lúc 2 trường đại học: Ngoại ngữ và Sư phạm – một kết quả mà nhiều thí sinh bình thường cũng khó đạt được. Cô chọn Đại học Sư phạm Hà Nội, vì không phải đóng học phí. Một cô giáo giấu tên ở khoa Sư phạm giáo dục tiểu học mỗi tháng nhờ tài vụ nhà trường gửi cho Huệ 100.000 đồng.

Cô giáo xác định Huệ chỉ dạy được ở các trường khuyết tật thôi, nên khi Huệ tốt nghiệp, cô đóng tiền cho Huệ theo học lớp bồi dưỡng về giáo dục hòa nhập do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Tổ chức Glocal Ventures (Hoa Kỳ) hợp tác tổ chức, học chung với lãnh đạo ngành GD-ĐT 64 tỉnh, thành!

Ra trường, Huệ nộp đơn xin việc tại Phòng GD-ĐT huyện Đan Phượng, hồ sơ đính kèm có bằng tốt nghiệp đại học hạng khá, giấy chứng nhận bồi dưỡng về giáo dục hòa nhập, bằng tốt nghiệp khóa đào tạo công nghệ thông tin do NIIT Hanoi CTT Centre cấp. Đến khi phỏng vấn, cả nhà tuyển dụng và người xin việc đều thất vọng về nhau…

Vào Đà Nẵng, Huệ vẫn gặp lại chuyện buồn như ngoài quê. Một số đơn vị tuyển dụng khi xem qua hồ sơ thì chấp nhận, nhưng khi phỏng vấn, thấy hình hài của NKT lại đâm ra thất vọng và tìm cách thoái thác.

Chợ việc làm do Sở LĐ-TBXH thành phố tổ chức lần trước, Huệ có tên trong danh sách 72 hồ sơ NKT được kết nối với các doanh nghiệp, nhưng không rõ trong số đó có ai may mắn tìm được một việc làm giữa lúc cung – cầu mất cân đối này? Riêng Huệ, cô lại đi tìm cơ may ở Chợ việc làm lần này.

Sợi chỉ thêu cuộc đời

Cô Trần Thị Huệ  (trái) đi tìm cơ hội việc làm ở cơ sở Thanh Ngọc Minh.

 

Chợ việc làm hôm đó có 5 đơn vị tuyển dụng lao động là NKT, gian hàng của cơ sở Dạy nghề và hướng nghiệp từ thiện khuyết tật Thanh Ngọc Minh là đơn vị đầu tiên được các đại biểu ghé thăm. Hai vị khách quan trọng nhất, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi CHDCND Lào Onchanh Thammavong, đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy một bé trai thoăn thoắt đường kim mũi chỉ trên một tấm tranh thêu. Đó là em Nguyễn Văn Dương, quê Quảng Nam, từ bé đã bị liệt hai chân, cha mẹ chia tay nhau, bỏ em lại cho bà nội.

Chị Nguyễn Thị Liền, chủ cơ sở Thanh Ngọc Minh (ở tổ 41 An Hải Đông, quận Sơn Trà), từng là nghệ nhân của Công ty XQ, đã một lần mở cơ sở dạy thêu cho các em NKT rồi, nhưng khó khăn quá, bỏ dở.

Thấy các em như đàn chim lạc bầy, chị cảm thấy có lỗi, quyết tâm gầy dựng lại một lần nữa, gửi đơn lên các cấp chính quyền, mong có một cơ sở rộng rãi hơn để gọi các em về. Em Trần Thị Hoa Măng, nhà ở quận Ngũ Hành Sơn, bị liệt hai chân, đi lại khó khăn, không biết làm nghề gì, tìm đến Thanh Ngọc Minh như tìm ra hướng sống cho cuộc đời mình. Măng và các bạn được hỗ trợ ăn ở ngay tại cơ sở, ngoài ra mỗi em còn được hưởng tiền lương tính trên sản phẩm khoảng 500-600 nghìn đồng/tháng.

Cô đơn, bất hạnh, NKT mong muốn có được một việc làm, vừa tự nuôi sống bản thân, vừa cảm thấy mình cũng còn làm được một việc gì đó trên cõi đời này. Cánh cửa việc làm chỉ rộng mở cho người bình thường, còn NKT thì chỉ biết tìm cơ may các cơ sở dạy nghề, hướng nghiệp dành riêng cho mình.
 
Trần Thị Huệ, sau khi bị các đơn vị tuyển dụng lao động trả lại hồ sơ với cái nhìn ái ngại, cô thử ghé thăm gian hàng của Thanh Ngọc Minh, được chị Liền niềm nở đón tiếp. Nhìn những người bạn đồng cảnh ngộ ở đó chừng như an phận với công việc của mình, Huệ chạnh lòng khi nghĩ tới những năm tháng nỗ lực ở giảng đường đại học để rồi cuối cùng vẫn chưa tìm thấy ánh sáng ở cuối đường hầm đời mình.

Vì sao những trường hợp như Huệ vẫn không thể lọt vào “mắt xanh” nhà tuyển dụng? Anh Trương Công Nghiêm, Giám đốc Công ty TNHH NKT N.Trung đúc kết từ thực tế: “NKT phần lớn văn hóa không đồng đều, mỗi người một dạng tật, muốn đào tạo nghề phải đặt họ vào một vị trí thích hợp để sau có thể phục vụ tốt cho nhà tuyển dụng. Nhận hồ sơ, nhưng các doanh nghiệp từ chối khi thấy hình hài NKT. Tôi nghĩ, vấn đề này các doanh nghiệp nên xem lại, đó chỉ là bề ngoài thôi. Nếu đặt họ vào vị trí thích hợp thì khả năng của họ sẽ phát huy và doanh nghiệp sẽ giải quyết được công việc đang cần tuyển”.

Tháng 7 vừa rồi, Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng (DRT) phát phóng sự “Sợi chỉ thêu cuộc đời” nói về hoạt động của cơ sở Thanh Ngọc Minh với lời bình của nhà báo Kiều Nga: “Sợi chỉ thêu ấy như một sự kết nối giúp cho các em có được một công việc, tin tưởng và hy vọng vào một tương lai mà các em có thể tự nuôi sống mình, có thể tự khẳng định mình bằng chính sự khiếm khuyết, bất hạnh do số phần mang lại”.

Trần Thị Huệ tần ngần một lúc, cô sẽ xếp tất cả bằng cấp lại để làm lại từ đầu bằng việc học nghề thêu chăng? Có thể lắm, khi mà cánh cửa việc làm vẫn khép lại đối với NKT muốn vượt lên số phận như cô.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng:

Chúng tôi đang làm việc với DRT để mở chuyên mục về NKT nhằm giới thiệu khả năng làm việc của NKT, kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động là NKT. Chuyên mục sẽ trao đổi với các doanh nghiệp để họ thấy mặt mạnh của NKT là gì, những gì NKT cần giúp đỡ, hỗ trợ. Chúng tôi đang trình UBND thành phố phê duyệt quy chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ việc làm cho NKT, qua đó có thể hỗ trợ cho NKT học nghề và việc làm, hỗ trợ các cơ sở sản xuất dành riêng cho NKT.


VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.