Như một chứng nhân, số phận đã gắn Trương Văn Lợi cùng những thăng trầm của bóng đá Đà Nẵng với 25 năm có chẵn. Có lẽ, từng trải qua nhiều vinh quang lẫn những cay đắng do bóng đá mang lại, cũng như Lê Huỳnh Đức, không khó để nhận biết Trương Văn Lợi kiềm chế như thế nào cảm xúc đang trào dâng trong anh ở cái ngày 2-8 lịch sử vừa qua.
Thủ môn Trương Văn Lọi (thứ 2, trái sang) hân hoan sau chiến thắng tại Cúp Quốc gia 1993. |
Hơn 10 năm trước (1984), lần đầu tiên được đưa lên đội hình chính thức thi đấu hạng A1, hạnh phúc đầu đời tưởng quá lớn với chàng thủ môn 21 tuổi dẫu chỉ mới đóng vai trò dự bị cho đàn anh Thái Long. Chỉ qua vài vòng đấu, khi thủ môn chính thức bị chấn thương, Lợi đã trở thành “người thế vai” bất đắc dĩ. Thế nhưng, trước cơ hội không dễ có, Trương Văn Lợi đã biết nắm bắt để từ đó, khu vực 16,50 mét của đội QN-ĐN đã thuộc quyền sở hữu của anh. Và cùng với bóng đá sông Hàn, Lợi đã gặt hái không ít vinh quang với 3 ngôi Á quân giải bóng đá Vô địch quốc gia (1987, 1990, 1991), Vô địch Cúp Bóng đá Bác Tôn (1988), Vô địch giải Bóng đá phía Nam nhiều năm liên tiếp…
Sau ngày 21-5-1985 định mệnh ấy, đã có những đồng đội của anh rơi vào vòng lao lý đầy oan khiên, dù những lỗi lầm chẳng thuộc về họ, Trương Văn Lợi thực sự rơi vào khủng hoảng khi anh vẫn không tìm ra đích đến. Phải đến 2 năm sau, hấp lực của quả bóng da mới đưa anh quay lại cùng bóng đá phong trào ở Công ty Cấp nước Đà Nẵng trước khi trở về với bóng đá quê hương vào năm 1997.
Bắt đầu cuộc sống bóng đá trong một giai đoạn mới khi được giao nhiệm vụ HLV thủ môn cho bóng đá Đà Nẵng, Trương Văn Lợi như được sống lại với sự phấn khích cao độ. Song giữa niềm vui ấy, vẫn chưa một lần trọn vẹn bởi hệ lụy của bóng đá bao cấp cứ đeo bám không ít cầu thủ Đà Nẵng, dẫn đến một biểu đồ hết sức thất thường trong bảng thành tích của đội. Và cũng như mọi thành viên trong Ban huấn luyện, anh từng không ít lần phải gánh chịu sự phẫn nộ từ người hâm mộ do lối chơi bóng “không tử tế” của các học trò.
Song, như một tất yếu, năm 2008, bóng đá Đà Nẵng bắt đầu thoát khỏi “bầu sữa bao cấp” khi thành phố đồng ý chuyển giao toàn bộ đội bóng đá sông Hàn cho SH Bank. Để khi Hội đồng Huấn luyện được thành lập, Trương Văn Lợi nhanh chóng được giao nhiệm vụ huấn luyện thủ môn các tuyến, từ U-11 đến CLB chuyên nghiệp SHB Đà Nẵng. Nhớ lại quá khứ khi nhìn về tương lai, Trương Văn Lợi thổ lộ:
- Sau năm 1985, tôi không nghĩ bóng đá Đà Nẵng có thể hồi sinh, nói gì đến việc gặt hái những thành công! May mắn khi lãnh đạo thành phố có sự quan tâm hết mực với bóng đá. Đặc biệt, từ khi chuyển giao, không chỉ lãnh đạo thành phố, Sở VH-TT và DL mà cả Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng đã có định hướng phát triển rất đúng đắn với bóng đá Đà Nẵng. Hơn thế nữa, được giao nhiệm vụ quản lý, huấn luyện thủ môn toàn bộ các tuyến, tôi có cơ hội để phát huy năng lực, thể hiện được trách nhiệm của mình nhiều hơn cũng như thực hiện được hoài bão ấp ủ từ rất lâu của mình.
Và cùng SHB Đà Nẵng, Lợi (hàng đứng - thứ nhất, phải sang) cũng đã có những đóng góp vào thành công chung của bóng đá Đà Nẵng. |
|
Có thể, với Võ Văn Hạnh, Trương Văn Lợi chưa đặt được một “dấu ấn” nhưng với thủ môn trẻ Trần Đức Cường, HLV này vẫn luôn nhắc nhở học trò về cái Tâm, cái Đức trong cả cuộc sống lẫn nghề nghiệp của mình. Có lẽ, với quan niệm và cách sống ấy, Lợi có thể thanh thản hơn trong những ngày cay đắng và cũng không ồn ả quá khi đạt đến vinh quang.
Bây giờ, với cả SHB Đà Nẵng lẫn Trương Văn Lợi, vẫn còn mục tiêu chinh phục khi trận chung kết Cúp Quốc gia 2009 còn phía trước. Hãy dành một lời chúc may mắn cho bóng đá sông Hàn cũng như cho anh, để CLB SHB Đà Nẵng có một kết thúc trọn vẹn hơn ở mùa giải này.
Bảo An