.
8 NĂM SĂN LÙNG OSAMA BIN LADEN:

CIA cần thay đổi chiến thuật

.

Ngay sau vụ tòa tháp đôi ở New York bị tấn công dẫn đến bi kịch thảm khốc ngày 11-9-2001, đứng đầu chính quyền Mỹ lúc bấy giờ - Tổng thống George W. Bush đã quyết định tiến hành “san bằng” Al-Qaeda và cử riêng lực lượng tình báo đặc nhiệm đến Afghanistan và nước láng giềng Pakistan để truy lùng trùm khủng bố số một thế giới Osama Bin Laden. 8 năm sau, chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu này nhưng một viên chỉ huy tham gia chiến dịch này thừa nhận cần phải thay đổi chiến thuật.

Thất bại của một viên chỉ huy

Bin Laden

Art Keller lê từng bước chân trở về nhà sau hơn 3 năm trời ở Pakistan. Anh quyết định rời bỏ công việc ở CIA để trở thành nhà văn. Không chỉ buồn vì không thể hoàn thành nhiệm vụ CIA giao phó cho anh và các đồng nghiệp phải tìm ra tung tích để tiêu diệt trùm khủng bố số một thế giới Bin Laden; mà anh còn phải cảm nhận sự cô đơn tột cùng.

Cha anh đã qua đời vì căn bệnh ung thư, để lại căn nhà trống vắng nhiều năm nên nhanh chóng xuống cấp. Hơn nữa, anh đau triền miên tới mức độ kiệt sức và còn bị ngộ độc thức ăn. Với Keller, 39 tuổi, đó chính là giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc đời. Keller được đưa tới Pakistan năm 2006 với vai trò chỉ huy lực lượng CIA làm việc tại Waziristan nhưng anh không thể nói được ngôn ngữ Trung Đông cũng như không phải là chuyên gia về Al-Qaeda hay Pakistan.

Keller chỉ là một trong số gần 100 nhân viên tình báo được CIA gửi sang Pakistan với nhiệm vụ tìm và tiêu diệt Bin Laden và các tay chân của trùm khủng bố này. Khu vực mà CIA yêu cầu các nhân viên tình báo là vùng biên giới giáp ranh giữa Pakistan với Afghanistan, bởi họ tin đó là nơi Bin Laden đang ẩn nấp trước sự truy lùng của Mỹ. CIA không làm việc riêng lẻ mà phối hợp với lực lượng tình báo của Pakistan (ISI).

Các nhân viên CIA đóng ngay tại Waziristan, nơi được xem là trung tâm đầu não của Taliban, ngày đêm dán mắt vào màn hình máy tính để thu thập thông tin, hình ảnh qua vệ tinh nhằm phân tích chỗ ở của Bin Laden. Hầu như họ phải trú ẩn trong các hang động ẩm thấp, tối tăm, bởi vì chỉ cần xuất đầu lộ diện với tóc vàng, mắt xanh thì đương nhiên sẽ trở thành mục tiêu ám sát. Từ những thông tin thu thập được của CIA, các nhân viên của ISI, gián điệp người Pashtu sẽ theo đó lần ra đường dây. Dù sự phân công rõ ràng như thế, nhưng phía Pakistan lại muốn làm chủ cuộc truy tìm này.

Keller thuật lại rằng có lần anh có được những thông tin rất quan trọng, muốn tự mình tiến hành một chuyến tìm kiếm dấu vết nhưng những gián điệp Pashtu dẫn đường lại không làm đúng như những gì đã thu thập được. Sau nhiều năm tích cực tìm kiếm, những cuộc không kích do CIA chỉ đạo cũng đã tiêu diệt được nhiều nhân vật quan trọng của Taliban nhưng hai nhân vật quan trọng nhất là Bin Laden và phó tướng Ayman al-Zawahiri vẫn bặt vô âm tín.

Thay đổi chiến thuật?

Tòa tháp đôi

 

Keller về nước trong nỗi thất vọng nhưng anh cam đoan rằng, những gì anh thu thập được cho thấy Bin Laden vẫn ở Waziristan. Trùm khủng bố số 1 thế giới này chỉ trao đổi công việc qua thư từ mỗi tháng một lần, chứ không bao giờ bằng điện thoại vì hắn ta biết rằng nếu như thế thì sẽ bị không kích. Bin Laden di chuyển từ làng này qua làng khác ở Waziristan với một nhóm nhỏ bảo vệ tinh nhuệ. Nhưng điều quan trọng mà Keller cho rằng rất khó bắt được Bin Laden bởi vì hắn ta vẫn là vị khách đặc biệt của vùng này, đặc biệt tới mức không ai màng tới số tiền treo thưởng 25 triệu USD do CIA đưa ra để lấy đầu Bin Laden hoặc chỉ là thông tin chính xác về nơi ở.

Sai lầm của CIA vẫn là tuyển mộ những người Pashtu làm gián điệp, bởi vì họ vẫn không dám làm trái lời các tộc trưởng ở đây, những người thường xuyên trò chuyện với Bin Laden. Chính vì thế mà họ thường dẫn nhân viên CIA đi sai đường mỗi khi có yêu cầu. Theo lời của Keller, muốn bắt được Bin Laden, CIA phải thay đổi chiến thuật. CIA cần mời trở lại những nhân viên đã nghỉ hưu có kinh nghiệm ở chiến trường Afghanistan. Họ biết rõ địa bàn ở Waziristan và có thể nói sỏi tiếng Pashtu.
 
Ngoài ra, những cựu binh này cần phải chấp nhận làm việc lâu dài ở một nơi điều kiện sinh hoạt vô cùng tồi tệ thì mới hy vọng có kết quả. Cuộc truy tìm Bin Laden không thể nói là thất bại nhưng cần thêm rất nhiều thời gian nữa và người Mỹ phải chủ động nhiều hơn trong công việc truy tìm này.

ANH THƯ

;
.
.
.
.
.