.
Chất lượng sống đô thị:

Thương hiệu được mong đợi

.

Quá trình phát triển của Việt Nam luôn đồng hành cùng với đô thị hóa. Năm 1998, cả nước chỉ có 633 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa là 24% thì đến đầu 2009 đã có tới 747 đô thị với tỷ lệ đô thị tương đương 30% và dự báo đến 2020 có thể đạt 45 - 50% (khoảng hơn 50 triệu người sống trong các đô thị).

Những công trình mới đang mọc lên ở Đà Nẵng.

Dự báo này do Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm đưa ra đầu tháng 7 năm nay. Và chúng ta cũng đang xây dựng những đô thị mới, nơi hơn một nửa dân số Việt sẽ sống ở đó như thế nào? Chính xác hơn mỗi đô thị sẽ phát triển dưới thương hiệu nào? Đô thị hóa cao tạo nhiều thuận lợi phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, tạo nhiều việc làm và tạo môi trường sống tốt, song còn bất cập, hạn chế nếu không giải quyết tốt giữa tăng số lượng với chất lượng đô thị.

Đến thời điểm này tại Việt Nam chỉ duy nhất Đà Nẵng đạt thành công bước đầu trong việc vừa phát triển đô thị song hành nâng cao chất lượng sống. Bắt tay vào quy hoạch, thành phố này đã được xác định phấn đấu có quy mô 1,2 triệu dân. Và tất cả từ xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực đến phát triển những khu đô thị mới ở ngoại ô đều phải trên cơ sở quy mô dân số và tiềm năng kinh tế.

Từ khách du lịch đến người dân đều hỏi, một khúc sông chừng 10km, Đà Nẵng xây làm gì đến 7 cây cầu? Trong vòng 10 năm, dân số đô thị tăng từ 800 nghìn lên 1,1 triệu dân, tức tăng 40%, nhưng không kẹt xe. Rồi nắn sông, mở đường, dỡ bỏ hàng rào bao quanh công viên cũ, xây công viên mới bên sông, bên biển. Cùng với hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế nhằm biến Đà Nẵng thành một trung tâm dịch vụ tài chính, cảng biển và công nghiệp có mức tăng trưởng 13%/năm, những kịch bản nâng cao chất lượng sống dân cư được đưa vào đời sống.

Đến nay, chương trình thành phố năm không và ba có trở thành hiện thực đã tác động mạnh mẽ vào chất lượng sống đô thị. Đến năm 2008, Đà Nẵng chính thức đặt mục tiêu phấn đấu là “Thành phố môi trường sạch nhất Việt Nam vào năm 2015”, với dự án cung cấp nước sạch và thoát nước hiệu quả, vệ sinh môi trường được kiểm soát chặt bằng các dự án tài trợ từ nước ngoài.

Những dự án của tương lai 5 năm tới cũng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ thành phố như dự án đầu tư của Nhật Bản 100 triệu USD xây Đại học quốc tế. Một dự án khác với Singapore đầu tư hệ thống kiểm soát giao thông điện tử toàn thành phố. Con đường Đà Nẵng đến mục tiêu thành phố an toàn, thân thiện và môi trường vẫn còn ở phía trước, nhưng không hề xa ngoài tầm tay với.

Bây giờ, du khách nội địa bắt đầu chọn Đà Nẵng làm điểm đến, bởi trong mắt họ đô thị ven biển này đẹp, hiện đại trong bối cảnh phát triển kinh tế khá nhanh và vẫn giữ được sự thân thiện. Ở đây đã từng tồn tại câu chuyện tranh luận giữa kỳ họp HĐND thành phố về việc bắn pháo hoa đêm giao thừa. Nhiều đại biểu muốn dành kinh phí đó để hỗ trợ người nghèo ăn Tết. Nhưng lãnh đạo thành phố lại có quan điểm khác:
 

Bên sông bên biển đều có công viên.

 

Người nghèo vẫn được quan tâm thường xuyên bằng nhiều chương trình xã hội, còn việc bắn pháo hoa là lo cho toàn dân có giao thừa đẹp, để hưng phấn bước vào một năm mới. Từ một đêm pháo hoa giao thừa, Đà Nẵng đã đi đến tư duy làm thương hiệu văn hóa du lịch bằng festival pháo hoa hàng năm vào dịp kỷ niệm giải phóng thành phố. Và bây giờ mỗi đêm người dân tự hào ngắm nhìn con sông Hàn đẹp rực rỡ khi thành phố đầu tư 8 tỷ đồng dành riêng chiếu sáng nghệ thuật những cây cầu, những công trình kiến trúc hai bên bờ.

Đối với Hà Nội, từng mang danh thành phố cây xanh và xe đạp trước năm 1975, từng là thành phố của nghìn năm văn hiến, có thương hiệu, có nền tảng di sản nay đang rạn vỡ nghiêm trọng từ không gian kiến trúc đến rường mối đạo đức xã hội. Hà Nội đã có quá trình phát triển hàng nghìn năm, bởi vậy trong tổ chức không gian phải đặt đúng tầm yếu tố văn hóa, bảo tồn di sản. Bài học kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, nhận diện đầy đủ quỹ di sản, cảnh quan tự nhiên không chỉ để tạo bản sắc, tạo sự cạnh tranh giữa các đô thị mà còn tạo điều kiện thân thiện cho mọi người dân thành phố.

Sài Gòn với tên gọi Hòn ngọc Viễn Đông thời trước năm 1954, nay là TP Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế trong thời kỳ đổi mới, tuy nhiên với quá trình phát triển nhanh và khó kiểm soát thì rất khó xây dựng một thương hiệu đẹp. Dù là một thành phố có nền kinh tế sôi động nhất Việt Nam, nhưng TP. Hồ Chí Minh vẫn đang tụt hậu hàng chục năm so với các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á về mức thu nhập bình quân đầu người, trình độ quản lý đô thị, cảnh quan kiến trúc.

Để phát triển thực sự, những thành phố nhỏ như Huế, Đà Nẵng và Nha Trang vẫn cần trên nền tảng công nghiệp hóa với những khu công nghệ cao, dịch vụ tài chính, đường cao tốc, đường bay quốc tế, cảng. Nhưng xây dựng thương hiệu thành phố, đề cao tính văn hóa và nhân văn để thu hút khách du lịch, thu hút nhân tài, và để chính người dân yêu mến, gắn bó, góp phần bảo vệ quê hương là hướng phát triển đúng đắn và hết sức cần thiết!

Thiên Thanh 

;
.
.
.
.
.