“Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân” là nội dung chính trong văn bản số 264-TB/TW, Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh việc mang lại lợi ích cho người dân, đây được đánh giá là cơ hội để doanh nghiệp (DN) Việt Nam phát huy lợi thế “sân nhà” của mình. Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đó.
Nhiều doanh nghiệp thờ ơ
Để hàng Việt được người nước ngoài lựa chọn ở chính thị trường trong nước là một thách thức lớn cho các DN sản xuất, kinh doanh. |
Vậy nhưng một thực tế khá bất ngờ, chương trình “Tuần hàng Việt Nam” cũng chỉ thu hút 9 DN đăng ký trực tiếp tham gia và 140 DN tổ chức lồng ghép chương trình như BigC, Siêu thị Intimex, Siêu thị điện máy Viettronimex, Trung tâm Metro Đà Nẵng, Siêu thị Rosa Đà Nẵng; các DN thuộc các ngành hàng điện tử, điện máy, thời trang, thuốc tân dược, giày dép… Gần đây nhất, “Phiên chợ hàng Việt” tại phố chợ Thanh Vinh, thuộc KCN Hòa Khánh cũng chỉ thu hút 13 DN quen thuộc tham gia trưng bày sản phẩm như Công ty Dệt may Hòa Thọ, Vinatex, Dệt Hòa Khánh, Dược Danapha, Vissan Đà Nẵng, Giày da BQ, Phước Thái, Hương Quế, Liên doanh nhà máy bia Việt Nam, Thực phẩm Minh Anh, BigC Đà Nẵng.
Theo ông Lê Viết Tươi, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, với khoảng 10.000 DN đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ thương mại tại Đà Nẵng, lẽ ra đây là chương trình thu hút được nhiều DN tham gia nhằm quảng bá, khẳng định thương hiệu cũng như xâm nhập, tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng thì ngược lại, con số này lại rất hạn chế. Ngoài những DN, cửa hàng bán lẻ như đã nói ở trên, nhiều DN khác vẫn tỏ ra dè dặt với cơ hội này.
Cùng nhìn nhận về vấn đề này, ông Hứa Tự Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đà Nẵng cho rằng, nếu bảo các DN không biết mà không tham gia thì không đúng, vì những chương trình liên quan đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được công bố rộng rãi trên website của trung tâm cũng như báo chí địa phương, nhưng hiệu ứng lan tỏa của nó xem ra chưa thật sự rộng lớn trong cộng đồng… Không quay lưng, cũng không đón nhận là thái độ của phần lớn các DN hiện nay.
Trong khi các sản phẩm chủ lực như hàng may mặc, thủy-hải sản, giày da ở Đà Nẵng vẫn chưa đủ sức để cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Chưa kể là nguồn vốn ít ỏi, nhiều DN nhỏ không dám mạo hiểm, bứt phá khỏi những lối mòn quen thuộc mà chỉ đóng vai trò là người xem, đứng vòng ngoài quan sát.
Lợi thế sân nhà chưa được phát huy
Công ty Dệt may 29-3 xem cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là cơ hội để DN phát huy lợi thế sân nhà. |
|
Hoạt động sản xuất, kinh doanh ở tỉnh, thành nào, DN cần phải hiểu rõ văn hóa, thói quen tiêu dùng của địa phương đó để có hướng đầu tư phù hợp. Ví dụ, sản phẩm của Công ty Thực phẩm Minh Anh phần lớn liên quan đến hai từ “đặc sản” như rượu Hồng Đào (đặc sản Quảng Nam), rượu Bầu Đá (đặc sản Bình Định), nước uống đóng chai Bà Nà, rượu Ông Thầy… Những sản phẩm này đã định hình uy tín và chất lượng của công ty ở thị trường trong nước. Với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, công ty xem đây là một cơ hội để xâm nhập vào thế giới tiêu dùng của người Việt, mục tiêu chính của công ty vẫn là quảng bá rộng rãi về sản phẩm của mình.
Không tỏ ra thờ ơ, nhưng theo ông Phan Phú Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thái, DN mình còn khá mơ hồ với cuộc vận động này, dù vẫn tích cực đăng ký tham gia. Hơn nữa, đây là chương trình đầu tiên nên nhiều DN còn dè dặt, chưa thật sự thấy được lợi ích thu lại nên chọn thái độ “im hơi lặng tiếng”. Ngoài ra, công tác tổ chức, truyền thông còn khá hạn chế, nhiều người dân vẫn chưa biết cụ thể về địa điểm, thời gian. Đưa lên website là một hình thức hay nhưng liệu một người bình dân có cơ hội để tiếp cận? Vì vậy, sức lan tỏa yếu cũng là tất yếu.
Được đánh giá là có lợi thế sân nhà, nhưng xem ra nhiều DN đang hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng không mấy chú ý đến nó, vẫn chọn xuất khẩu là chiến lược chính dù DN vẫn còn nhiều hạn chế cả về kinh nghiệm, chất lượng sản phẩm lẫn nguồn vốn. Khi xuất khẩu gặp khó khăn, DN quay về thị trường trong nước trong tư thế bị động, chỉ chú trọng duy trì sản xuất để giữ chân khách hàng chứ chưa thật sự xem đây là thị trường tiềm năng.
Muốn hướng vào thị trường nội địa, các DN cần có hướng đi hợp lý, sao cho vừa giữ vững được thị trường xuất khẩu, vừa từng bước thâm nhập, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng của người dân địa phương, dần xác lập chỗ đứng cho thương hiệu của mình. Nếu làm cho người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng của chính sản phẩm được sản xuất trong nước thì hàng hóa của DN cũng rất thuận lợi khi xuất khẩu sang thị trường nước khác.
Làm thế nào để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mang tính chất dài hơi chứ không chỉ gói gọn trong một thời gian nhất định, ông Lê Viết Tươi bày tỏ. Bởi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mang tính vĩ mô, DN chủ động nắm bắt, linh hoạt vận dụng để có chiến lược kinh doanh phù hợp mới tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa.
TIỂU YẾN