.

Cổ tích dưới chân núi Ngũ Hành

.

Ngày đó có một “ông Tiên” đã cứu mẹ tôi khỏi cái chết trong gang tấc và viết lên trong tâm thức tôi một thiên cổ tích dưới chân núi Ngũ Hành Sơn.

Mộc Sơn trong cụm núi Ngũ Hành, nhìn từ Vọng Giang Đài. (ảnh: V.T.L)

Trong những người con của ngoại tôi, cậu Út nổi tiếng học giỏi và giỏi cả đàn. Thương em, mẹ tôi dành dụm tiền quà ra tận chợ Hàn mua cây đàn măng-đô-lin, giấu trong bó củi gánh về làng cho cậu; thời đó Tây kiểm tra ngặt nghèo lắm, sợ dân mình tiếp tế đàn cho Việt Minh hoạt động văn công. Cậu giúp mẹ tôi học chữ, rồi học hát trong tiếng đàn giòn giã của cậu những “Đàn chim Việt”, “Giọt mưa thu”, “Cô láng giềng”...

Mười tám tuổi, mẹ tôi tham gia làm thư ký Hội Phụ nữ, bà ngoại lập riêng một ngăn tủ bí mật để mẹ tôi cất giấu sổ sách. Còn ông ngoại thì, ngay từ lúc chưa đủ trí khôn, mẹ tôi đã nghĩ ông hẳn phải làm một việc gì đó thật hệ trọng khi thỉnh thoảng tiếp dăm ba người từ các nơi về, to nhỏ chuyện trò suốt sáng, suốt chiều. Trong làng, ông giữ chức Thủ sắc, lo việc bảo quản các sắc phong của đình làng.

Ngày đó, cả làng chìm trong bầu không khí ngột ngạt từ những đợt Tây càn, chẳng ai được yên thân, nhất là cánh phụ nữ. Cả làng thi nhau đào hầm bí mật trong vườn nhà để có chỗ ẩn nấp mỗi khi nghe ai đó la to từ phía đầu làng: “Tây đó hử”.

Sáng hôm đó, lúc ông ngoại đang tiếp hai người khách từ ngoài biển vào thì phía đầu làng vang lên tiếng gót giày, tiếng quát tháo của đám lính Tây. Đến nhà ngoại, chúng chia thành hai tốp, một tốp vào thẳng trong nhà, một tốp lăng xăng sục sạo ngoài vườn.

Việt Minh đâu? - tên thông ngôn hỏi, ông giấu hai thằng Việt Minh đâu rồi? Ngoại hết nhìn bọn Tây lại quay sang tên thông ngôn, ánh mắt như có lửa: Nếu mấy ông biết nhà ni chứa Việt Minh, răng không tự đi tìm? Tên thông ngôn tức lồng lên: Ông đừng có thách thức nghe, tìm được bọn chúng là ông sẽ biết tay tôi. Nói xong, hắn xua bọn lính lục lọi khắp nơi. Tìm một lát không thấy gì, bọn chúng xí la xí lô một hồi rồi ra hiệu dẫn ngoại đi ra. Ngoại khoác vội chiếc áo dài trắng lên người, chưa kịp thắp nén hương trên bàn thờ đã bị lôi xềnh xệch ra ngõ.

Bà ngoại lúc ấy đang run bần bật ngoài ảng nước, lâm râm cầu Trời khấn Phật phò hộ. Do có chỉ điểm nên tốp lính ngoài vườn tìm thấy nắp hầm bí mật không mấy khó khăn, chúng bắt ông hàng xóm chui vào hầm gọi mọi người ra. Ông này mới lòm còm bước qua ngăn hầm phía trong đã bị dì tôi bịt miệng kéo vào rồi giữ rịt ở đó. Bọn lính chờ một lát không thấy động tĩnh gì, liền thi nhau chĩa súng bắn xối xả xuống hầm. Tiếng súng chát chúa cùng với từng mảng đất bị cày xới mù mịt khói bụi báo hiệu một nỗi chết chóc đã cận kề. Ai cũng nghĩ phen nầy khó sống sót...

Ngay lúc ấy, phía đám thổ sau vườn nhà ngoại bỗng vang lên mấy phát súng khô khốc. Rồi nhiều loạt súng khác thi nhau nổ, kéo theo những bước chân chạy rầm rập cùng những tràng xí la xí lô của bọn lính. Trong vườn nhà ngoại, bọn lính thôi bắn xuống hầm, lật đật vác súng kéo nhau chạy đi.

Lát sau, thấy im ắng, mẹ, các cậu, các dì tôi chui ra khỏi hầm. Chưa kịp hoàn hồn, đã nghe có tiếng người vọng từ phía xa: “Tây bắn bác Thủ rồi hử”. Mọi người đổ xô đi tìm. Ngoại nằm bên vạt cải, ngửa mặt nhìn lên khoảng trời trong xanh, ánh mắt vẫn chưa tắt ngọn lửa ngạo nghễ. Một dòng máu vẫn còn nồng ấm hơi người từ ngực ngoại chảy ra nhuộm đỏ cả vạt áo trắng. Chiếc khăn đóng ngoại chưa kịp đội còn móc trong cánh tay. Mẹ đưa tay vuốt mắt ngoại, đôi mắt khép lại nhưng vẻ ngạo nghễ lạnh lùng vẫn còn phảng phất đâu đó trên gương mặt.

Đám tang ngoại được tổ chức ngay trong đêm đó, một đêm thượng tuần tháng mười một âm lịch mưa lê thê và gió buốt lạnh, gọi là “đám tang chạy Tây”. Từ đó, ngoại yên nghỉ sau vườn, dưới bóng hàng bồ kết. Còn các con của ngoại thì kẻ ở người đi, kẻ còn người mất, cuộc đời đầy rẫy những buồn vui, cơ cực của một thời nô lệ. Gần một năm sau, mẹ và dì tôi bị Tây bắt vào nhà lao. Cậu Út lặng lẽ cùng với một số thanh niên trong làng tập kết ra Bắc.

Mãi mười năm sau cái ngày đáng nhớ đó tôi mới cất tiếng khóc chào đời ngay trong nhà ngoại. Lớn lên, nghe mẹ kể chuyện xưa cứ ngỡ ngoại là ông tiên hay cứu người trong cổ tích. Chính mấy phát súng lính Tây bắn vào ngực ngoại ngày nào đã làm một thanh niên trong làng hoảng sợ bỏ chạy, khiến cả bọn đi càn rượt theo, cứu các con của ngoại ra khỏi cái chết trong gang tấc. Ngoại che giấu 12 cán bộ Khu Đông trong nhà, bí mật đến nỗi ngay cả mẹ cũng chỉ biết đến sau khi ngoại mất. Lúc biết chuyện, lính Tây đốt rụi nhà ngoại, gia đình ngoại chính thức ly tán mỗi người một nơi từ ngày đó.

Giờ đây, mỗi lần về thăm quê mẹ, đi dưới hàng bồ kết có tiếng ve râm ran, lòng lại bồi hồi thương cảm. Ngước nhìn năm ngọn núi, vẫn cứ ngỡ chuyện xưa là cổ tích...

VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.