.

Công chức trẻ - Đôi điều muốn nói

Công chức trong các cơ quan Nhà nước của thành phố hiện nay, đặc biệt là công chức trẻ, về cơ bản phần lớn đều được đào tạo bài bản. Số công chức đi học để lấy bằng hai đại học hoặc thạc sĩ ngày càng nhiều. Một thực tế không thể phủ nhận nữa là, chất lượng đầu vào các cơ quan Nhà nước, cơ quan chính quyền ngày càng được quan tâm, công chức muốn được tuyển phải đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản về bằng cấp chuyên môn, trình độ tin học, ngoaị ngữ.
 
Hằng năm, các công chức trẻ còn được tạo điều kiện tham gia các khóa học về quản lý Nhà nước, về tin học, ngoại ngữ. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ trẻ được thành phố đặc biệt quan tâm bằng việc tạo điều kiện cho đi đào tạo trong nước và ngoài nước. Ngoài ra, ngày càng có nhiều cán bộ trẻ được đưa vào diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, được đề bạt, bổ nhiệm khi còn ở độ tuổi chưa tới 40… Điều mà những năm trước đây còn khá hiếm… Đó là những mặt tích cực, là sự đột phá rất cần được phát huy, điều mà so với nhiều địa phương ở nước ta không phải nơi nào cũng làm được.

Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là chất lượng công chức trẻ, nếu chỉ lấy thước đo qua bằng cấp, năng lực chuyên môn, mà xem nhẹ yếu tố nhận thức chính trị, sự hiểu biết về thành phố, về đất nước, sự thờ ơ với thời cuộc… thì lại là một hiện tượng không thể xem nhẹ.

Thực tế là đã có những công chức trẻ, tốt nghiệp đại học chính quy bằng khá, giỏi, thậm chí đã là thạc sĩ, nhưng khi được hỏi về những vấn đề mang tính thời sự của thành phố, chẳng hạn như các mục tiêu trong Chương trình “thành phố 5 không” hay “3 có” thì lại ấp úng, chưa nói là việc nói cho chính xác các mục tiêu của “5 không” vừa điều chỉnh, lại càng lúng túng. Không phải là cá biệt, có những bạn trẻ không biết phường nào thuộc quận nào. Rồi là huyện Hòa Vang có mấy xã, trong đó bao nhiêu xã miền núi. Thậm chí có bạn còn thể hiện trong văn bản hành chính là cầu Thuận Phước thuộc địa bàn quận Cẩm Lệ, phường Hòa Thuận Đông thuộc quận Thanh Khê, v.v.. và v.v…

Trong khi đó, có những người từ địa phương khác đến làm việc cho thành phố, đôi khi lại rành rẽ Đà Nẵng hơn cả… người Đà Nẵng. Quả thật là đáng lo khi những công dân Đà Nẵng chính hiệu, được tuyển chọn vào các cơ quan Nhà nước, nhất là các cơ quan phải tiếp xúc nhiều với đối tác nước ngoài, mà lại không biết hết về thành phố nơi mình sinh ra và lớn lên.

Phải chăng đang có một sự thờ ơ, hay nặng hơn là sự lười biếng trong việc nắm bắt những kiến thức cơ bản liên quan đến quê hương, đất nước. Thật đáng buồn khi những công chức, tuy được xem là có chuyên môn giỏi, nhưng khi hỏi về những gì liên quan đến nơi mình sinh sống lại phải vào “google” (website tìm kiếm trên mạng) để tra cứu!? Chả lẽ lúc nào cũng phải lệ thuộc, là “nô lệ” của cái máy tính? Có người nói vui: “Dân ta phải biết sử ta, nếu mà không biết thì vào gút gô (google)”.

Công chức của một bộ máy Nhà nước đang trong quá trình chuyên nghiệp hóa, mở cửa và hội nhập với thế giới mà độ nhạy về chính trị, kiến thức về văn hóa-xã hội nghèo nàn thì quả là chuyện không thể xem nhẹ. Trong vấn đề này cũng phải đề cập đến khía cạnh môi trường đào tạo. Những kiến thức cần thiết ngoài chuyên môn đã mai một ở nhiều bạn trẻ khi họ bước vào môi trường làm việc là cơ quan Nhà nước. Những học sinh, sinh viên, nếu ít được va đập với cuộc sống, lại được cha mẹ chăm bẵm từng ly từng tí, để chỉ biết có học, thì khi vào đời, dù có được tuyển dụng do giỏi chuyên môn nhưng kiến thức xã hội không tương xứng với chuyên môn thì không thể xem là một công chức toàn diện được.

Đối với cán bộ lãnh đạo trẻ lại càng phải đòi hỏi cao hơn. Tại buổi nói chuyện với Lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý (khóa 2) dành cho cán bộ trẻ mới đây, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh có nói đến một chi tiết rất đáng để suy ngẫm: “làm lãnh đạo phải hơn một cái đầu”. Thiết nghĩ, sự hơn người này không đơn thuần chỉ là sự năng động, sáng tạo trong chuyên môn, quyết đoán trong quản lý… mà còn là “hơn người” ở sự am tường kiến thức xã hội, có độ nhạy chính trị, am hiểu vấn đề nóng hổi của quê hương đất nước.

Đôi điều về vấn đề chất lượng công chức trẻ hiện nay, nhìn từ góc độ ngoài chuyên môn, để thấy rằng, để có được một đội ngũ rường cột của thành phố, của đất nước “vừa hồng vừa chuyên” thì không thể xem nhẹ những yếu tố như đã nêu. Một khi người ta hiểu, yêu mến quê hương thì sự cống hiến cho quê hương mới thật sự trọn vẹn và có ý nghĩa.

DÂN HÙNG

;
.
.
.
.
.