.

Cửa rộng mở cho hàng Việt

.

Hàng sản xuất trong nước nhiều năm trở lại đây trở thành sự chọn lựa hàng đầu của người tiêu dùng nhờ chủng loại phong phú, chất lượng và mẫu mã ngày càng được cải thiện không ngừng. Các siêu thị, trung tâm bán lẻ cũng cam kết tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm bán ra; đặc biệt nhiều mặt hàng sản xuất tại địa phương cũng có chỗ đứng bền vững tại siêu thị.

Triển khai tháng “Hàng Việt Nam”

Các mặt hàng chất lượng, giá cả phù hợp sản xuất trong nước và chương trình giảm giá trên mỗi sản phẩm là điều kiện để thực hiện mục tiêu “Người Việt dùng hàng Việt”.

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”, nhiều siêu thị tại Đà Nẵng như Metro, Big C, Intimex, Rosa, các cửa hàng tự chọn thuộc hệ thống G7-mark và Vissan... đã xác định lấy hàng sản xuất nội địa làm chủ đạo trong hoạt động kinh doanh. Cho đến nay, 95% hàng hóa phân phối tại Big C và Metro là hàng sản xuất trong nước, tại Siêu thị Intimex hàng Việt chiếm 75-80%...

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và Đối ngoại Big C Việt Nam cho biết: “Ngay từ khi Big C có mặt tại thị trường Việt Nam, chúng tôi đã đề ra trong chính sách thu mua là hàng nội luôn được ưu tiên hàng đầu. Big C dành những vị trí trưng bày tốt nhất cho các sản phẩm nội địa. Hàng nhập khẩu chỉ đóng vai trò đa dạng hóa gam hàng và thêm sự chọn lựa cho khách hàng (chocolate, sữa, rượu...). Từ 2 năm nay, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng có chiều hướng tăng sử dụng hàng nội đối với một số mặt hàng trước đây chủ yếu là hàng nhập ngoại như hàng gia dụng, sữa, vải sợi… Đây thật sự là một tín hiệu đáng mừng đối với các nhà sản xuất trong nước”.

Bà Quỳnh Trang cũng nhấn mạnh rằng, khi Big C có mặt tại địa phương nào thì việc tìm nguồn cung ứng hàng hóa ở ngay tại đó, nhất là các mặt hàng tươi sống, hàng thủ công, đặc sản địa phương... Vị trí của các mặt hàng này tại siêu thị rất quan trọng, vì đó cũng là lý do người tiêu dùng đến mua sắm tại đây. Tại Big C Đà Nẵng hiện nay có khoảng 35 nhà cung cấp địa phương. Ngoài nguồn hải sản tươi sống, các loại thịt tươi, những mặt hàng đặc sản như nem, tré, nước mắm Nam Ô, rau củ sạch của Đà Nẵng và làng rau Trà Quế (Hội An) đã có mặt tại các gian hàng của siêu thị.

Cùng quan điểm kinh doanh với Big C, Siêu thị Intimex cũng tăng cường hàng nội trong chuỗi hệ thống siêu thị lên đến khoảng 80%. Bà Phan Nguyễn Thanh Thảo, Trưởng phòng Kinh doanh Siêu thị Intimex Đà Nẵng cho biết, hầu hết hàng tiêu dùng trong siêu thị là hàng Việt Nam. Ngoài một số loại thực phẩm tươi sống được cung cấp hằng ngày do những nhà cung cấp địa phương, thực phẩm đóng hộp có Vissan, Hạ Long, Đức Việt (xúc xích); hàng gia dụng như nhựa Duy Tân, nhựa Đại Đồng Tiến, nhôm Kim Hằng, gốm sứ Bát Tràng và Bình Dương đã tạo dựng được thương hiệu với người tiêu dùng trong nước, và đủ sức cạnh tranh với hàng gia dụng Thái Lan do siêu thị nhập khẩu để làm phong phú chủng loại hàng hóa. Hiện 50% nhà cung ứng cho Intimex ở Đà Nẵng và một số tỉnh lân cận.

Ngoài việc các siêu thị tham gia chương trình tập trung bán hàng và quảng bá về hàng Việt Nam do Sở Công thương phát động như “Tuần hàng Việt Nam” tổ chức hồi đầu tháng 5 vừa qua, các siêu thị còn tự khởi động chương trình này. Như tháng 9 được lựa chọn là tháng “Hàng Việt Nam” tại Siêu thị Intimex kéo dài từ 15-8 đến 15-9 vừa qua; Siêu thị Big C sắp tới triển khai tháng 10 là tháng “Hàng Việt Nam” ưu tiên dành cho các sản phẩm nội địa.

Khuyến mãi để hút khách

 

 

Không chỉ tăng cường hàng hóa sản xuất trong nước trên các quầy hàng, các siêu thị cũng đẩy mạnh các chương trình quảng bá thường xuyên với quy mô lớn cho hàng Việt, chi hàng tỷ đồng cho chính sách giảm giá nhằm thu hút người tiêu dùng.

Tại Big C, hàng trăm mặt hàng được giảm giá 10-50% trong thời gian vừa qua. Ngoài ra còn có chương trình “đổi cũ lấy mới” dành cho một số sản phẩm điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng. Từ đây đến cuối năm, Siêu thị Intimex có chương trình khuyến mãi trong hầu hết những ngày lễ lớn… Tất cả sản phẩm nằm trong chương trình giảm giá đều là sản phẩm nội địa. Thông qua các đợt khuyến mãi, doanh thu của các doanh nghiệp đều tăng. Tức là không chỉ người tiêu dùng mà cả nhà sản xuất, các đơn vị phân phối sản phẩm cũng được hưởng lợi.

Đại diện các siêu thị cho biết, trong thời gian triển khai chương trình khuyến mãi, doanh số hàng hóa bán ra tăng mạnh. Những tiêu chí về hàng Việt Nam chất lượng tốt, giá cả phù hợp, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, một số mẫu mã hàng hóa vẫn chưa thật sự nổi bật nếu so với hàng cùng chủng loại nhập khẩu. Điều này khiến hàng sản xuất trong nước chưa có chỗ đứng bền vững trong sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Chương trình “Tuần hàng Việt Nam” diễn ra hồi đầu tháng 5 vừa qua cho thấy sức mua thị trường tăng, tại các siêu thị, trung tâm thương mại có ngày tăng 30-40%. Nhưng vấn đề tăng ở đây là tăng do các chợ, siêu thị, cửa hàng thực hiện bán hàng giảm giá; còn vấn đề nội tại là người mua chỉ duy nhất lựa chọn hàng Việt bởi chất lượng, mẫu mã, giá cả không hề thua kém hàng nhập ngoại thì chưa ai dám khẳng định.

“Người Việt đang quan tâm đến hàng Việt” là câu nhận xét chung của nhiều đại diện siêu thị. Các siêu thị thay đổi chiến lược là do doanh thu hàng nội tăng liên tục trong những năm gần đây, hàng nhập ngoại giảm dần về số lượng, doanh thu. Hàng nội rẻ hơn, được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đang là một thắng thế ngay trên sân nhà. Điều cơ bản là nhà sản xuất, nhà phân phối có gặp nhau nhiều hơn nữa hay không trong việc tìm chỗ đứng và sự quan tâm của chính người Việt.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.