.

Cửa sổ tri thức

.

* Tôi nghe mấy người bạn nói rằng trong các đảo thuộc hệ thống quần đảo Hoàng Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng) có một số đảo mang tên các đội trưởng Hoàng Sa được các vua triều Nguyễn cử ra ngoài đó công tác. Xin quý báo nói rõ về điều này. (Trần Ngọc Hùng Anh, Hải Châu, Đà Nẵng).

Đảo Quang Ảnh cách đảo Hoàng Sa khoảng 12 cây số về phía Nam Tây Nam. (Ảnh chụp màn hình từ tư liệu của Google Earth).

- Đó là đảo Quang Ảnh và đảo Hữu Nhật - tên của hai người đội trưởng Hoàng Sa cùng mang họ Phạm ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Về Phạm Quang Ảnh, sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” chép: “Ất Hợi chính nguyệt, khiến Hoàng Sa đội Phạm Quang Ảnh đặng vãng Hoàng Sa thám độ thủy trình”. Nghĩa là: “Tháng Giêng năm Ất Hợi (1815), sai đội trưởng đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh đến Hoàng Sa để xem xét, đo đạc thủy trình”. Năm sau, vua lại tiếp tục sai Phạm Quang Ảnh ra Hoàng Sa: “Bính Tý Gia Long thập nhất niên, mệnh thủy quân cập Hoàng Sa đội thừa quyền vãng Hoàng Sa khám đạc thủy trình”.

Về Phạm Hữu Nhật, theo bài viết “Người dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa 170 năm trước” của TS Nguyễn Đăng Vũ (đăng trên báo Quảng Ngãi ngày 11-1-2008), vào mùa xuân năm Bính Thân (1836), Phạm Hữu Nhật vâng mệnh vua Minh Mạng đưa binh thuyền đi xem xét, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa. Mỗi binh thuyền đem theo 10 bài gỗ, mỗi bài gỗ rộng 5 tấc, dài 5 thước, dày 1 tấc. Trên bài gỗ có khắc dòng chữ: “Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chí thử lưu đẳng tự”. Nghĩa là: Năm Minh Mạng thứ mười bảy, năm Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây để ghi nhớ.

Sau khi hai đội trưởng này mất, tên hai ông được đặt tên hai đảo ở phía Nam đảo Hoàng Sa (Pattle).

Đảo Quang Ảnh (tiếng Anh: Money Island) đã được Kỹ sư Trần Hữu Châu mô tả trong “Phúc trình về công tác nghiên cứu phốt-phát cuối cùng tại quần đảo Hoàng Sa của phái đoàn Nhật-Việt vào mùa thu năm 1973” đăng trong Tập san Sử Địa số 29 (tháng 1, 2, 3 – 1975) Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa như sau:

Đảo Hữu Nhật (dưới, trái) cách đảo Hoàng Sa (trên, phải) 4,5km về phía Nam. (Ảnh chụp màn hình từ tư liệu của Google Earth).

 

“Đảo có hình dạng của một hình bầu dục hơi tròn, chu vi 2.500m, diện tích khoảng 0,5 cây số vuông (50ha). Phần lớn bao phủ bởi cây “phosphorite” và một loại cây khác rất giống cây mít nhưng không có trái. Đặc biệt là đảo Vĩnh Lạc (Quang Ảnh) này chúng tôi gặp rất nhiều cây lớn, cao tới gần 50m ở gần trung tâm đảo. Trung tâm đảo là một bãi cỏ dại khá lớn, bãi cỏ này được che bởi một vòng đai cây gai cao khoảng 1,5m, dày khoảng 30m. Hiện đảo có rất nhiều chim biển tới cư ngụ. Chúng tôi không gặp một dấu vết gì chứng tỏ đã có người cư ngụ ngoại trừ một chòi nhỏ bằng cây, có lẽ đó là chỗ nghỉ chân của dân chài tới đảo để lấy trứng chim”.

Và đảo Hữu Nhật (tiếng Anh: Robert Island):

“Đảo gần hình tròn, chu vi 2.000m diện tích khoảng 0,32 cây số vuông (32ha). Một vòng đai san hô bao quanh đảo, vòng đai này ở nhiều chỗ lấn hẳn vào bãi cát của đảo. Qua bãi cát là vòng đai cây “phosphorite” và cây nhàu nhàu dày khoảng 30m, cao từ 2m đến 3m.

Chính giữa đảo là những lớp cát hoặc đá, nơi đây không có cây lớn, đôi chỗ có vài cây họp thành bụi nhỏ. Hiện còn một số chim biển cư ngụ tại phần chính giữa này. Đảo Cam Tuyền (Hữu Nhật) hiện không có người cư ngụ”.

Nói thêm, Tập san Sử Địa là tập san sưu tầm, khảo cứu chuyên ngành do nhóm giáo sư, sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn chủ trương thực hiện từ năm 1966 - 1975. Năm 2007, toàn bộ 29 số tập san đã được tái bản dưới dạng số hóa trong một CD-ROM do Hội Khoa học lịch sử VN phối hợp Viện Viễn Đông bác cổ của Pháp thực hiện dưới sự đồng ý của TS sử học Nguyễn Nhã - nguyên chủ bút tập san.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.