.

Cửa sổ tri thức

Trận play-off

* Tôi nghe chương trình thể thao trên ti-vi nói cái trận gì đó, phát thanh viên đọc là “lay-ớp”, đọc báo thì thấy ghi “trận play-off”. Xin cho biết, từ gốc tiếng nước ngoài này nghĩa là gì? Tại sao người ta không dùng từ tương đương trong tiếng Việt để người Việt ai đọc cũng hiểu? (Hoàng Văn Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Play-off (tiếng Anh) có nghĩa là trận đấu quyết định. Trong bóng đá, khi 2 đội bị buộc phải cùng đấu play-off thì đội nào thắng sẽ được vào, đội nào thua sẽ bị loại. Từ này được ghép bởi hai từ play (chơi) và off (nghĩa đen là tắt, rời khỏi; nghĩa bóng là nghỉ chơi, bị loại). Từ ý này, báo Pháp Luật TP.HCM có một cái tít chơi chữ rất hay trong số ra ngày 30-8-2009: Chiều nay, trận play-off Nam Định - Cần Thơ: Ai play? Ai off?

Trong trận đấu diễn ra trên sân Chi Lăng (Đà Nẵng) vào chiều 30-8-2009, đội Nam Định (hạng 12 V-League) và đội Cần Thơ (đứng thứ ba giải hạng nhất) đã có một trận sống mái. Thắng 1-0, đội Nam Định được ở lại V-League mùa sau (không phải tụt xuống giải hạng nhất). Đội Cần Thơ ngậm ngùi tiếp tục ở giải bóng đá hạng nhất 2010.

Đưa tin về trận đấu quyết định này, nhiều báo đã không ngần ngại dùng từ play-off: “Trận play-off 2009: Nam Định trụ hạng” (Tuổi Trẻ, 30-8-2009); “Thắng Cần Thơ trong trận play-off, Nam Định ở lại V-League” (Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 31-8-2009)… Trong khi, hoàn toàn có thể thay play-off bằng cụm từ trận đấu quyết định để giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ.

Gần đây, nhiều nhà báo và tờ báo đã xem việc chen tiếng nước ngoài vào trong bài viết như là một cách tự làm sang cho mình mà quên rằng điều này đã làm giới hạn rất nhiều tính phổ biến của thể loại báo chí. Đọc đoạn trích từ bài “Chuyện rắc rối từ một bức tranh” đăng trên báo Thể thao và Văn hóa cuối tuần số ra ngày thứ sáu, 11-9-2009, không phải ai cũng hiểu: “Cuối cùng thì cũng là một cái “happy ending” cho bức tranh “cởi truồng đứng giữa ngã tư” của một họa sĩ thiếu nữ. Nhưng qua đây lòi ra rất nhiều vấn đề. Đó là cách ứng xử văn hóa đối với nghệ thuật và cách nhìn nhận đối với tranh nude”.

Trong đoạn này, nếu thay happy ending bằng kết thúc có hậu và nude bằng khỏa thân hoặc phiên âm thành nuy (từ này đã thông dụng, có thể chấp nhận được) thì bài báo sẽ không “đánh đố” rất nhiều bạn đọc.

Phái đoàn Nhật - Việt ra Hoàng Sa năm 1973

* Chuyên mục Cửa sổ Tri thức trên báo Đà Nẵng cuối tuần vừa rồi có nói đến “Phúc trình về công tác nghiên cứu phốt-phát cuối cùng tại quần đảo Hoàng Sa của phái đoàn Nhật-Việt vào mùa thu năm 1973” của Kỹ sư Trần Hữu Châu đăng trong Tập san Sử Địa số 29 (tháng 1, 2, 3-1975) Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa. Xin cho biết phái đoàn này gồm những ai và đã nghiên cứu những gì ở Hoàng Sa ngày đó? (Văn Thành, Cẩm Lệ, Đà Nẵng)

- Theo bài viết nói trên, phái đoàn Nhật - Việt ra Hoàng Sa ngày đó gồm 5 người. Phía Việt Nam có các ông: Trần Hữu Châu, kỹ sư hóa học, Việt Nam Kỹ nghệ Phân bón Công ty (Bộ Kế hoạch và Phát triển Quốc gia của chính quyền Sài Gòn); Nguyễn Quốc Hải, thông dịch viên, Marubeni Corp, Saigon, Việt Nam. Về phía Nhật có thành viên của Công ty Marubeni Corporation (Nhật): A. Miura, kỹ sư hầm mỏ; K. Okamoto, kỹ sư hầm mỏ; A. Shirane, kỹ sư hầm mỏ, chuyên viên về chuyền vận.

Bản phúc trình đã đăng trong Tập san Sử Địa số 29.

Phái đoàn từ Sài Gòn ra Đà Nẵng bằng máy bay, ra Hoàng Sa công tác từ ngày 12-8 đến ngày 22-8-1973. Với sự trợ giúp kỹ thuật của Marubeni Corporation, phái đoàn đã khảo sát tại chỗ số lượng phốt-phát dưới dạng “Guano” dự trữ tại quần đảo Hoàng Sa. Bản phúc trình của Kỹ sư Trần Hữu Châu - với sự khảo tả tương đối kỹ lưỡng về địa hình, khí hậu, tài nguyên của Hoàng Sa ngày đó - đã đóng góp vào kho tư liệu quý giá nhằm chứng minh và khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.