.

Dã nhơn núi Chúa

.

Dưới chân núi Chúa, từ Quế Lộc băng qua vùng núi cánh cung bao bọc thánh địa Mỹ Sơn phải đi ngang qua Truông Nước bằng con đường mòn cây lá, lau sậy um tùm. Truông Nước có lẽ hình thành từ thời Nghĩa hội Quảng Nam chống Pháp của Tiến sĩ Trần Văn Dư, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu… Quanh vùng núi Chúa này từng có một bầy dã nhơn chừng 7-8 con sống lang thang như một gia đình du mục.

Dã nhơn bắt cá (Ảnh minh họa).

Thời ấy, đất Trung Lộc, Quế Sơn là vùng căn cứ địa của Nghĩa hội. Tất cả những cuộc chuyển quân, liên lạc từ vùng đồng bằng về căn cứ của Nghĩa hội phải đi qua các con đường truông Phường Rạnh, đèo Le và nhất là con đường chiến lược Truông Nước vừa gần, vừa an toàn hơn. 155 năm qua, kể từ 1885 – năm Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu lên nắm quyền chỉ huy Nghĩa hội, Truông Nước vẫn là con đường bạt ngàn lau sậy mà chỉ có những người dân đi làm rừng và săn bắn lui tới.

Cha tôi là một người thợ săn tài tử. Ông có một bầy “mun” (tiếng trong nghề gọi chó săn) và có cả súng săn nòng cỡ 16 và 12. Hồi thập niên 40 thế kỷ trước, ông dám đem một con trâu đực cổ đổi lấy một con “mun” hay nhất ở làng Tĩnh Yên (huyện Duy Xuyên). Cho nên suốt thời trai trẻ cha tôi thường qua lại trên con đường mòn Truông Nước. Và câu chuyện dã nhơn xuất hiện trong vùng rừng núi này đã để lại trong ông những kỷ niệm khó quên.

Theo lời cha tôi thì hồi ấy, đầu đường Truông Nước, phía bên kia Trung Lộc có một mái nhà tranh nằm lẻ loi dưới những tàn cây trâm, cây gạo trên ngọn đồi lúp xúp hoa sim. Những lần đi săn qua vùng nầy, cha tôi thường ghé lại nghỉ chân trong ngôi nhà tranh của ông Trùm Nhì. Thực ra, thì không phải cái nhà, túp lều mà là cái chòi tranh phên nứa không đầy 15m2. Thế mà dân trong vùng vẫn gọi đây là nhà ông Trùm Nhì. Trong căn chòi cô đơn ấy, ông Trùm bày biện đủ thứ hoa kiểng, sừng hươu, gạc nai và có cả bàn thờ ông bà ngay ở giữa chòi một cách trang trọng.

Cha tôi kể, vợ con ông Trùm Nhì ở dưới làng Trung Yên. Ông Trùm ở đây một mình đã nhiều năm làm rẫy, trồng sắn, khoai, trồng chè… và có cả những giàn mướp, giàn bầu xanh ngát. Chung quanh vườn đồi nhà ông lũy tre xanh bao bọc như một cái tiền đồn. Thế mà có lần ba đêm liền, ông không thể nào yên giấc được. Ánh sáng tỏa ra từ cây đèn dầu phụng, ông chong suốt đêm trên bàn thờ, vẫn không thể nào làm cho ông bớt lo lắng, chỉ vì những tiếng kêu lảnh lói của bầy dã nhơn suốt đêm quanh quẩn ngoài chân đồi.

Lúc bấy giờ ở quanh vùng núi Chúa có một bầy dã nhơn chừng 7-8 con sống lang thang như một gia đình du mục. Mỗi con dã nhơn đều có một cây gậy, chúng chống đi như những người già. Những con lớn thường đi trước, chúng đi hai chân như người. Cây gậy cũng chính là dụng cụ dùng để đánh lửa. Mỗi lần bắt được cua, cá, lượm được củ khoai, củ sắn, chúng dùng đầu gậy dộng lên trên tảng đá bên bờ suối, lửa xẹt ra cháy qua bùi nhùi, củi khô để nướng thức ăn.

Dã nhơn cùng một họ với khỉ, vượn. Nhưng chúng to và cao như người, lông đen, khuôn mặt giống người hơn các loài khỉ khác. Những lần cha tôi và đám thợ săn bắt gặp bầy dã nhơn, chúng bỏ chạy rất nhanh vào rừng. Chỉ riêng lần ông Trùm Nhì, không biết bằng cách nào ông đã lấy được một cây gậy của chúng. Từ hôm đó, cứ hễ đêm về là bầy dã nhơn đi quanh đồi nhà ông Trùm Nhì kêu la “í …ôi …”. Tiếng kêu kéo dài thê thiết, ai oán đến lạnh người. Ba đêm liền, bầy dã nhơn càng vây siết căn chòi của ông Trùm Nhì. Ông bắt đầu lo sợ… Và cuối cùng, ông quyết định hé liếp cửa tranh, quăng cây gậy ra ngoài sân trả lại cho bầy dã nhơn…

Từ đêm đó, cha tôi nói ông không còn gặp bầy dã nhơn ấy nữa trong vùng núi Chúa Quế Sơn.

Lớn lên tôi bắt đầu nghi ngờ về câu chuyện cha tôi kể. Nhưng không thể không tin, vì đây là câu chuyện thật mà cha kể cho tôi nghe và những người trong làng Đại Bình bên sông Thu Bồn ai cũng biết. Tôi nghĩ, nếu như loài dã nhơn đi bằng hai chân và chống gậy như vậy thì không phải là loài dã nhơn thấy ở các vườn thú? Nếu có thật một loài dã nhơn như thế, phải chăng đây là một giống người rừng còn sót lại như người Tuyết mà các nhà nhân chủng học đang đưa ra nhiều giả thuyết?…

Rất tiếc, rừng núi quê hương mấy chục thập niên qua, bom đạn gầm thét, rung chuyển không còn là nơi an toàn cho những loài thú kể cả bầy dã nhơn. Về sau nầy, câu chuyện cha tôi kể đã trở thành huyền thoại của quê hương mà thế hệ của ông cha ta đã không để lại một hình ảnh, một dấu tích nào…

HOÀNG QUY

 

;
.
.
.
.
.