.

Đại học nhất định phải tốt hơn!

Nền giáo dục đang xuống cấp trầm trọng và cái “đỉnh” của nó, các trường đại học (ĐH) đang phải chống chọi với nhiều lời ta thán nhất, nhiều nỗi đau đầu nhất. Đó là lẽ tất nhiên, bởi vì trường ĐH là nơi ươm mầm – gieo – gặt tinh hoa trí tuệ của nước nhà.

Thứ nhất, ĐH phải là nơi kiếm tìm chân lý, phát triển chân lý và, vận dụng chân lý đó hiệu quả trong thực tiễn xã hội. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch, mà nếu thiếu nó, trường ĐH trở thành lực cản của nền kinh tế tri thức, nếu đào tạo “xong” mà các doanh nghiệp phải đào tạo lại thì đào tạo để làm gì? Nếu muốn hội nhập nhưng bằng cấp của trường ĐH nước mình không được quốc tế thừa nhận thì làm sao có thể có được “trí hòa đồng duyệt” với bè bạn gần xa?

Thứ hai, thực trạng đọc – chép thiếu sáng tạo, mòn mỏi của lối học bao cấp ngày “xưa” đang là gánh nặng lớn nhất của các trường ĐH. Làm sao chúng ta “mới hóa” được nền giáo dục ĐH nước nhà nếu tư duy cũ, con người bảo thủ cũ kỹ không thay đổi? Chuẩn hóa bằng cách “chạy hóa” bằng cấp như hiện nay là chất lượng ảo của một tư duy giáo dục đầy khiếm khuyết. Mặt khác, nếu SV không có quyền nghi ngờ (hoặc thầy cố ý làm cho không được phép nghi ngờ) thì làm sao sáng tạo (innovation)? Khát khao sáng tạo đang là đòi hỏi cấp bách của toàn xã hội. Các thầy giáo, cô giáo phải ý thức được điều đó khi buộc phải tin rằng sự thay đổi là không gì cưỡng lại được.

Thứ ba, những môn học nhàm chán cần phải loại bỏ. Tại sao lại “chọn môn học theo thầy” mà không tìm cách để “chọn vì mục tiêu đào tạo”? Đào tạo theo tín chỉ đang trở thành một món trang sức tốn tiền – lãng phí bởi chỉ có 1 thầy (hoặc 2) thì SV “chọn” ai? Áp đặt tư duy, vô cảm trước phát triển khoa học, lối mòn của truyền thụ, tính khô cứng của nhận thức, bảo thủ trước thay đổi là những căn bệnh nan y của đa số giảng viên ĐH hiện nay.

Thứ tư, nếu SV cứ mãi hoài thi cử theo cung cách học thuộc – đọc – chép – kiếm bằng thì không bao giờ có đủ nhân tài cho một nền kinh tế đang khát khao. Tại sao không ra đề mở, đề thi mà SV có quyền lựa chọn một trong năm câu chẳng hạn, để kích thích sáng tạo? Người xưa dạy – Bất phẫn bất phát, không thúc đẩy cho người học buộc phải sáng tạo thì chúng ta chỉ có thể tìm được những tinh hoa hạng hai cho đất nước mà thôi.

Thứ năm, Đà Nẵng hiện nay đang có hàng vạn SV (chỉ riêng ĐH Đà Nẵng là 20.500 SV, chưa kể đến các trường khác như Đại học Đông Á, Đại học Duy Tân…). Số liệu đó chứng tỏ rằng nền giáo dục ĐH của Đà Nẵng đã làm được rất nhiều và đang có đủ các điều kiện để ươm mầm, gieo và gặt những sản phẩm tốt nhất.

Chờ đợi một sự thay đổi từ cơ chế là cách chờ đợi thụ động. Cần phải sáng tạo và biết đầu tư. Xin đưa ra một dẫn chứng cụ thể: Để chuẩn bị môn học Lịch sử văn minh phương Tây và phương Đông cho hai lớp của ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng đã cử hai giảng viên ra Huế học, ngoài tiền lương 2,3 triệu đồng mỗi người, các giảng viên đó còn được trợ cấp 1,5 triệu đồng tiền ăn mỗi tháng! Cách đầu tư và nhìn xa ấy là cần phải nhân rộng và phải thẳng thắn thừa nhận là rất nhiều trường ĐH khác không làm được. Quy tắc có thực mới vực được… chất lượng ĐH, bao giờ cũng đúng! Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung, cần phải quan tâm đến yếu tố này khi muốn cho người thầy toàn tâm để dạy, học trò không thể không toàn sức để học.

Một cuộc cách mạng theo nghĩa toàn diện về cách dạy và học, chiến lược đào tạo, nội dung giảng dạy; đang là đòi hỏi cấp bách. Nếu không thực tiễn hóa cách thức đào tạo; nếu cứ dạy và nghiên cứu những điều cao xa, chung chung; nếu không mạnh dạn cắt bỏ những mầm gène bảo thủ, trì trệ; thì chất lượng giáo dục ĐH vẫn là bến lạ, bờ xa trên trái đất này

HÀ GIANG

;
.
.
.
.
.