.

Đào tạo công bộc cơ sở

Cuối tháng qua, một lớp học tương đối đặc biệt đã được Sở Nội vụ tổ chức dành cho các vị lãnh đạo là chủ tịch, phó chủ tịch UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố. Nói là tương đối đặc biệt, bởi bên cạnh những lớp học về chính trị, quản lý Nhà nước, đây là lần đầu tiên một lớp kỹ năng cơ bản trong điều hành hoạt động quản lý hành chính Nhà nước tại địa phương được tổ chức dành riêng cho các đối tượng này.
 
Trong thời gian 5 ngày, các học viên được trang bị những kỹ năng chủ yếu như: Kỹ năng lãnh đạo và quản lý; xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở cơ sở; ban hành quyết định trong điều hành, quản lý; điều hành cuộc họp tại đơn vị với tư cách là người đứng đầu; tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố cho rằng, trong điều kiện làm việc hiện nay, nhất là với áp lực ngày càng gia tăng trong quản lý, điều hành của chính quyền ở cơ sở và việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường, thì việc trang bị những kiến thức cơ bản và có tính thực tiễn luôn là cần thiết và bổ ích đối với những người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương.

Ông cũng đồng ý với việc nên mở định kỳ những lớp bồi dưỡng ngắn ngày dành cho các chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường. Trong đó, bên cạnh những kiến thức cơ bản đã được tinh gọn, thì cần thiết phải có những kỹ năng giải quyết các vấn đề mang tính sự vụ và liên quan trực tiếp đến việc triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách mới của thành phố và địa phương để việc thực hiện mang tính thống nhất cao.

Tán thành chủ trương này, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ Võ Văn Thương lý giải: Trong lãnh đạo, chỉ đạo đã thống nhất thì việc điều hành, triển khai thực hiện cũng phải có sự thống nhất, như thế mới đem lại hiệu quả cao. Trong những lớp ngắn ngày theo định kỳ như thế, đội ngũ cán bộ chính quyền tại địa phương cũng cần được nắm rõ hơn và cụ thể hơn ý đồ của lãnh đạo thành phố trong phát triển của từng giai đoạn để từ đó triển khai thực hiện tại địa phương mình.
 
“Tôi cho rằng, việc Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh có cuộc nói chuyện với các chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường đương chức vừa qua là một cách thiết thực và cần xem những cuộc nói chuyện như vậy là một phần của những lớp bồi dưỡng kỹ năng ngắn ngày sau này. Qua tìm hiểu, tôi được biết các lãnh đạo chính quyền phường, xã đã “ngộ” ra nhiều vấn đề, mà có khi họ dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi nhưng chưa nghĩ ra, hoặc suy nghĩ nhưng vẫn khó có sự thống nhất được trên toàn thành phố”-ông Thương lấy ví dụ.

Tại buổi nói chuyện này, bên cạnh việc thẳng thắn chỉ ra những “căn bệnh” trong điều hành chính quyền ở phường, xã, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng đã nhấn mạnh đến những công việc cụ thể trong thời gian tới tại cơ sở.

Đó là phối hợp giải quyết tốt công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư, hoàn thiện các công trình điện, nước ở khu dân cư; đẩy mạnh tiêu chuẩn hóa cán bộ, công tác cải cách thủ tục hành chính; quản lý đất đai, rừng, khoáng sản; triển khai chương trình “5 không”, “3 có” mà trọng tâm là xây dựng nếp sống văn hóa- văn minh đô thị ở cơ sở; tăng cường quản lý đô thị; kiểm soát an ninh trật tự xã hội, tội phạm... nhất là ma túy, trộm đêm, cướp giật; giải quyết khiếu nại, tố cáo; quan tâm gia đình chính sách, xóa đói giảm nghèo, trong đó có hộ nghèo đặc biệt khó khăn; xây dựng quỹ an sinh xã hội để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc tại cơ sở...

Mặc dù đây là những công việc trong bộn bề các “đầu việc” vẫn diễn ra hằng ngày ở địa phương, nhưng việc tinh gọn lại đã cho thấy những vấn đề trọng tâm và mới mẻ trong điều hành chính quyền đô thị, với những cách làm mới mang đặc trưng của Đà Nẵng.

Như vậy, bên cạnh những khóa đào tạo cơ bản nhằm chuẩn bị đội ngũ cán bộ chủ chốt phường, xã trong tương lai để thực hiện chủ trương chuẩn hóa cán bộ cơ sở, thì việc ra đời những lớp ngắn ngày dành cho lãnh đạo chính quyền phường, xã đương chức cho thấy những cách làm luôn mới của Đà Nẵng nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.