.

Đào tạo liên thông: Chậm mà chắc

.

Năm 2009, trong số gần 2 triệu thí sinh trên cả nước dự thi thì chỉ có khoảng 200 nghìn thí sinh trúng tuyển vào đại học (ĐH), và nhiều lắm cũng thêm khoảng 150 nghìn thí sinh nữa được tuyển vào cao đẳng (CĐ). Hơn 1,5 triệu thí sinh không vượt qua “vũ môn” kỳ này sẽ đi đâu, về đâu?

Thực hành điện – điện tử tại  Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng.

Theo lời khuyên của TS Nguyễn Hoàng Việt, Trưởng ban Đào tạo - Đại học Đà Nẵng, học sinh tốt nghiệp THPT nên xem lại nguyện vọng cũng như khả năng của mình, nếu thấy yếu quá, không học được mà có năng khiếu về một nghề nào đó thì tốt nhất là nên đi học nghề. Tốt nghiệp THPT xong, không nhất thiết phải vào ĐH ngay, tùy điều kiện, hoàn cảnh, có thể học liên thông từ bậc thấp hơn lên bậc cao hơn. Học liên thông, nếu học khá thì thời gian đào tạo cũng không dài hơn nhiều so với đào tạo chính quy, học kém thì vẫn có điều kiện vào ĐH, tuy dài hơn một chút.

Đến nay, hầu hết các trường trực thuộc ĐH Đà Nẵng đều đã đào tạo liên thông. Trong đó, Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng là một trong 6 trường đầu tiên trong cả nước được giao nhiệm vụ thí điểm đào tạo hệ liên thông từ năm học 2004-2005. Năm học 2006-2007, khi ĐH Đà Nẵng chủ trương chuyển đổi mô hình đào tạo từ niên chế sang tín chỉ, Trường CĐ Công nghệ tiếp tục là một trong số ít trường CĐ đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình đào tạo tiên tiến này.

Một năm sau, học chế tín chỉ được tiếp tục áp dụng cho khóa đào tạo liên thông. Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ, TS. Võ Như Tiến nhận xét: “Những thành công bước đầu trong 5 năm đào tạo hệ liên thông và 3 năm đào tạo theo học chế tín chỉ tại Trường CĐ Công nghệ cho thấy, mô hình học chế tín chỉ và loại hình đào tạo liên thông là các giải pháp đúng đắn, hiệu quả và hấp dẫn người học”.

Theo phân tích của TS. Tiến, sinh viên thi vào ĐH thường không có đủ thông tin về ngành nghề và không đủ kinh nghiệm để nhận thức được liệu bản thân mình có phù hợp với ngành nghề đã chọn hay không. Một khi đã trúng tuyển vào ĐH, sinh viên khó có khả năng thay đổi và buộc phải theo đuổi chuyên ngành đã chọn.

Từ khi đào tạo liên thông được nhân rộng ở nhiều chuyên ngành và nhiều trường ĐH, hiện tượng sinh viên trung cấp và CĐ năm thứ nhất bỏ học đi thi lại ĐH đã giảm đáng kể, từ 15 - 20% xuống 3 - 5%.

Ở Trường CĐ Công nghệ, bằng con đường học liên thông, sinh viên không chỉ hoàn thành việc học tập với chất lượng cao mà còn với mức học phí thấp, chỉ 25 - 30% so với học phí của các trường ĐH tư thục.

Trong khi đó, sinh viên hệ liên thông luôn biết rõ và an tâm về ngành nghề theo học. Một khi đã tiếp cận với nghề nghiệp ở cấp thấp và tiếp tục học lên cao hơn ở bậc liên thông, sinh viên hầu như đã có định hướng tốt về chuyên ngành theo học. Nếu xét thấy không phù hợp với ngành nghề đã chọn, sinh viên có thể chuyển sang học ngành mới sau khi hoàn thành bậc trung cấp hoặc CĐ. Điều này giúp hạn chế được sự lãng phí cho ngân sách và người học khi có những sinh viên học xong ĐH lại thấy không phù hợp và phải theo học một ngành mới.

Việc mở rộng cánh cửa cho sinh viên vào ĐH bằng con đường liên thông đã được các trường CĐ ở Đà Nẵng đặc biệt chú trọng trong thời gian gần đây. Năm 2009, Trường CĐ Phương Đông được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức đào tạo hệ liên thông cho 3 ngành kế toán, điện - điện tử và điều dưỡng; đến 2010 sẽ mở ngành quản trị kinh doanh và tài chính ngân hàng.

Vì sao một trường kinh tế - kỹ thuật như thế lại đào tạo ngành điều dưỡng? Ông Lê Ngọc Việt, Chủ tịch HĐQT Trường Phương Đông giải thích: “Phương Đông luôn nghiên cứu, tìm tòi một ngành nào đó mà xã hội đang cần và các trường chưa đào tạo.

Năm ngoái, chúng tôi đã mở ngành Điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, khóa đầu đào tạo 318 em bậc trung cấp. Được các bệnh viện ở Đà Nẵng và khu vực hoan nghênh, năm nay, chúng tôi mở tiếp CĐ ngành Điều dưỡng. Ngành này hiện đang có “đầu ra” rất khả quan, trường đang ký hợp đồng với một đơn vị để xuất khẩu 300 lao động điều dưỡng viên sang Nhật. Các em được đào tạo nghề tốt rồi, nay phải học thêm 1 năm tiếng Nhật”.

 Điều dưỡng là một ngành đào tạo liên thông “không đụng hàng” ở Trường CĐ Phương Đông.

 

Tuy không nói ra, nhưng các trường CĐ vẫn ngầm cạnh tranh nhau về chất lượng và đặc biệt là “đầu ra” cho học sinh, sinh viên. Về chất lượng trong đào tạo liên thông, theo đánh giá của TS. Nguyễn Hoàng Việt, học sinh liên thông học hành nghiêm chỉnh hơn học sinh chính quy, học liên thông là phải cố gắng hết mình, không nỗ lực thì không thể học lên ĐH; một số học sinh đã đi làm nên có kinh nghiệm và có ý thức học tập tốt hơn.

Tốt nghiệp sau 3 năm học CĐ, nếu có điều kiện, sinh viên có thể học liên thông lên ĐH mất thêm 1,5 năm nữa. Trường hợp không có điều kiện vào CĐ, cứ học trung cấp mất 2 năm, rồi liên thông lên CĐ mất 1,5 năm và cuối cùng liên thông lên ĐH thêm 1,5 năm nữa; nếu liên thông thẳng từ trung cấp lên ĐH cũng chỉ mất 2,5 năm.

TS Lê Công Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Phương Đông, cũng có cùng nhận định với TS Nguyễn Hoàng Việt: “Đi thẳng vào ĐH mất 4 năm, liên thông tốn thêm nửa năm hoặc một năm nữa, nhưng tôi cho đó là con đường rất hiệu quả, rất thuận tiện cho những sinh viên nào tự lượng được sức học của mình. Học sinh (và cả phụ huynh nữa) không nhất thiết phải cố đi vào chỗ mà mình không chen chân được, nên đi bằng con đường khác”.

TS Võ Như Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng:

Đối với sinh viên khối ngành công nghệ kỹ thuật, giải pháp học liên thông luôn là lựa chọn hợp lý, hiệu quả và khôn ngoan, xét trên tất cả các mặt: khả năng chọn lựa, điều chỉnh chuyên ngành, tính vừa sức và khoa học của việc học đa giai đoạn, tính kinh tế trong việc tiết kiệm chi phí học tập nói lên ưu thế của học tập theo hệ liên thông.

VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.