Theo ấn định của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2009-2010, tất cả các trường ĐH, CĐ trong cả nước sẽ phải chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo học chế tín chỉ. Nhiều trường CĐ ở Đà Nẵng, nhất là các trường ngoài công lập đã bắt đầu giai đoạn “chạy nước rút” trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ để chuyển đổi phương thức đào tạo.
Không thể “bình mới, rượu cũ”
Sinh viên Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng đang tranh tài tại cuộc sáng tạo Robocon do nhà trường tổ chức năm 2008. (ảnh Ngọc Đoan) |
Trường CĐ Phương Đông đang tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nhất là khu thực nghiệm và hệ thống thư viện, phòng tự học. Một khi áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ với yêu cầu tăng giờ tự học, tăng tính chủ động cho sinh viên, giúp sinh viên phát triển tư duy sáng tạo trong học tập thì giáo trình, học liệu phải được đầu tư đúng mức, để mỗi sinh viên có thể thực hiện được lịch học của riêng mình.
Đây cũng là “nút thắt” cho nhiều trường ngoài công lập khi áp dụng hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ. Chưa kể những khó khăn về đội ngũ giảng viên. Nếu như đào tạo theo niên chế, một chuyên ngành có thể chỉ cần một giảng viên phụ trách, nhưng đào tạo tín chỉ ít nhất phải có 2 giảng viên trở lên. Bởi tín chỉ lấy người học làm trung tâm, do đó người học được quyền lựa chọn thời gian học và giảng viên.
Hiện nay, Trường CĐ Phương Đông có 110 giáo viên ở cả hai bậc Trung cấp và Cao đẳng, trong đó có 40 người có trình độ thạc sĩ, 5 tiến sĩ. Trong chưa đầy 2 năm còn lại trước khi chuyển sang đào tạo tín chỉ, “bài toán đội ngũ” sẽ được nhà trường giải quyết theo ba hướng: thu hút giảng viên có học hàm, học vị đúng với chuyên ngành đào tạo; cho đi đào tạo và tuyển dụng mới.
Trường CĐ Công nghệ và Kinh doanh Việt Tiến lại có một lộ trình riêng. Năm học 2009-2010, trường bắt đầu tuyển sinh và áp dụng luôn hình thức đào tạo tín chỉ ở bậc CĐ. Với quan niệm đào tạo tín chỉ đặt ra yêu cầu cao với sự nỗ lực của người thầy bởi muốn đạt được mục tiêu người học là trung tâm thì sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ - giảng viên là rất quan trọng, trường đã tổ chức hai hội nghị bàn về đào tạo tín chỉ.
Ông Lê Quang Hữu, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính cho biết: Nhà trường đã hoàn chỉnh chương trình đào tạo của các ngành nghề, đề cương chi tiết bài giảng, giáo trình... để đưa lên mạng nội bộ; tổ chức một đợt kiểm tra lại nhận thức của SV các khoa và giảng viên về đào tạo tín chỉ, tiến hành dự giờ một số buổi giảng thử các môn trong chương trình hệ CĐ để rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà.
“Nâng cấp” năng lực quản lý
Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) là một trong những trường sớm áp dụng phương thức đào tạo tín chỉ. TS. Võ Như Tiến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, các trường CĐ sẽ rất khó khăn về năng lực quản lý: từ việc bố trí lịch giảng dạy cho giáo viên, theo dõi thời khóa biểu của sinh viên, tín chỉ tích lũy của sinh viên, công khai điểm thi… Đấy là chưa kể việc chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ sẽ phá vỡ biên chế lớp truyền thống trước đây; việc xét học bổng, thôi học, tạm dừng của các khoa quản lý sinh viên là rất phức tạp. Nếu trường nào không đầu tư cho CNTT tốt thì không khỏi có những xáo trộn trong quá trình chuyển đổi”.
Các trường CĐ hiện nay đang khai thác triệt để những thế mạnh của CNTT trong công tác quản lý. Từ lợi thế của một trường đã triển khai xây dựng theo mô hình “trường học điện tử”, Trường CĐ Công nghệ và kinh doanh Việt Tiến đang nâng cấp phòng thực hành quản lý mạng, bảo đảm đáp ứng được việc sinh viên đăng ký môn học, tải tài nguyên, làm các thực hành ảo... Trường Đại học Đông Á đã triển khai chương trình SMS - học tập để tăng tính chủ động cho sinh viên. Với SMS - học tập, sinh viên không cần phải đến trường vẫn nhận được lịch thi, điểm thi, thời khóa biểu, xếp lớp, các sự kiện, các thông báo thay đổi lịch học, phòng học và các thông báo khác của nhà trường ở mọi lúc, mọi nơi.
Theo các chuyên gia giáo dục, chuyển từ đào tạo niên chế sang tín chỉ có thể coi là cuộc cách mạng về chất trong đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị chu đáo, chương trình khung đào tạo phần cứng, chuẩn kiến thức và lực lượng giảng viên, cơ sở vật chất bảo đảm... là những đòi hỏi bắt buộc. Các trường CĐ đã bắt đầu có những bước chuẩn bị tích cực, chu đáo trong điều kiện có thể để việc thực hiện chuyển đổi không dừng lại ở hình thức.
H.Lương - N.Hà