.

Để tổ chức giao thông hiện đại

.

So với các tỉnh, thành khác, hệ thống giao thông, điều khiển giao thông ở Đà Nẵng là khá hiện đại và vượt trội trên nhiều mặt. Ở đây xin đề cập những điểm còn bất cập với kỳ vọng sẽ ngày càng tốt hơn, không nhằm phê phán bất cứ điều gì.

1- Đèn tín hiệu giao thông ở đầu cầu Sông Hàn phía Tây:

Theo hướng đi, khi ra khỏi vòng xuyến, các xe dễ leo lên đầu dải phân cách này.

Có lẽ các cơ quan chức năng đã phải tốn rất nhiều kinh phí cũng như tính toán các lợi ích thì đầu cầu Sông Hàn phía Tây mới có được bộ đèn tín hiệu giao thông như hiện nay. Thế nhưng, nhiều người không thể hiểu được là tại sao hệ thống đèn chỉ hoạt động lúc không phải là giờ cao điểm. Vào giờ cao điểm chỉ thấy đèn vàng nhấp nháy, có nghĩa là các xe hãy đi chậm, quan sát kỹ và coi như không có đèn điều khiển giao thông! Và vì thế đã lại xảy ra kẹt xe như khi chưa có đèn.
 
Theo phỏng đoán của chúng tôi thì hình như ngành giao thông cho rằng vào giờ cao điểm, khi lượng giao thông tăng cao gần như quá tải thì đèn điều khiển chỉ tạo thêm ách tắc giao thông chứ không điều khiển giao thông được. Nhìn đường phố ở TP. Hồ Chí Minh, dòng xe người đặc kín, bất tận thế nhưng chính nhờ đèn điều khiển mà xe cộ còn đi lại được. Ở ngã tư đầu cầu Sông Hàn phía Tây, cho dù vào giờ cao điểm lượng xe có cao thế nào đi nữa thì đèn vẫn cần hoạt động để điều khiển giao thông, còn hơn là các xe đi thật chậm kiểu đàn kiến bò, cứ đụng đầu thì tránh.

Thêm nữa, nhiều người không thể hiểu được trụ đèn giao thông đặt trên đường Trần Phú, phía trước tòa soạn báo Đà Nẵng là điều khiển ai, tác động đến đối tượng giao thông nào. Thiết nghĩ, ngành giao thông nên mở đường Bạch Đằng lên Trần Phú phía trước Bưu điện và sẽ điều khiển dòng xe này bằng trụ đèn đó. Mở đường cho phép xe từ Bạch Đằng lên Trần Phú không hề gây tăng áp lực cho bùng binh đầu cầu nếu nó được điều khiển bằng đèn, cái được là người lên đường Lê Duẩn không phải vòng xuống tận Quang Trung.

2- Có nên cấm rẽ phải khi đèn đỏ?

Những bùng binh to bất thường trên đường Phạm Văn Đồng.

 

Cấm rẽ phải khi đèn đỏ là để nhường lòng đường lại cho người đi bộ băng qua đường. Đó là điều hiển nhiên toàn thế giới, thế nhưng thực tế ở nước ta thì không cần phải vậy là vì: Đường trong phố ta nhỏ hẹp, xe đi chậm, người băng qua đường không tìm đến ngã tư để qua mà băng qua chỗ nào cũng được, chỉ cần quan sát kỹ.

Hơn nữa, ngay chỗ ngã tư băng qua đường thì người đi bộ cũng chỉ an toàn được 1/2 đường, 1/2 còn lại xe vẫn chạy chứ không được như nước ngoài là hoàn toàn không có xe trên toàn bộ mặt đường khi có đèn đỏ. Như vậy cấm xe rẽ phải khi có đèn đỏ chỉ là hình thức chứ không phải thực chất vì người đi bộ băng qua đường. Nếu vậy tại sao ta không cho phép rẽ phải để giảm lưu lượng xe trên đường khi đèn chuyển sang xanh?

3- Đà Nẵng nên là thí điểm của cả nước về tổ chức giao thông hiện đại:

Các đầu dải phân cách trên đường Ngô Quyền phình to ra.

Đà Nẵng đang là thành phố kiểu mẫu trên nhiều mặt, vậy nên thêm vào mục tiêu “3 có” ấy một tiêu chí nữa là Có giao thông hiện đại, kiểu mẫu? Đây không chỉ là mơ ước của các cấp lãnh đạo mà còn của toàn thể người dân. Trong tất cả các thành phố, có lẽ Đà Nẵng là thành phố thuận lợi nhất để tiến hành tổ chức một kiểu giao thông hiện đại, an toàn. Như cách tổ chức giao thông ở Singapore, Kuala Lumpur, Bangkok:

- Mặc dù đường phố trong nội thị không khác ta bao nhiêu nhưng giao thông trong thành phố tốc độ đều trên 70km/giờ. Chính nhờ tốc độ cao này mà hoàn toàn không có cảnh người băng qua đường, xe trở đầu bất chợt, xe tấp vào lề trái bất chợt (điều thường xảy ra ở ta do đi tốc độ chậm).

- Muốn đi tốc độ nhanh thì phần lớn đường là đường một chiều, đường hai chiều đều có dải phân cách cố định. Hoàn toàn không có ngã tư giao cắt, nếu có thì làm cầu vượt hoặc điều khiển bằng đèn giao thông. Để bảo đảm cho người đi bộ băng qua đường, ở các ngã tư đều cấm rẽ trái. Xe chỉ được rẽ trái khi có bùng binh hoặc chỗ cho phép rẽ trái.
 
Nhìn ở góc độ này thì việc mở thông đường Hoàng Văn Thụ xuống Bạch Đằng là hạ sách, đơn giản là vì đường Trần Phú sẽ thêm một ngã tư giao cắt, tiềm ẩn xung đột giao thông, trong tương lai 10-20 năm nữa thì những ngã tư trên đường một chiều như thế này đều không được rẽ trái nếu tốc độ muốn tăng lên 70km/giờ.

- Để thực hiện điều đó thì câu “gần nhà mà xa ngõ” là câu cần được phổ biến như một phương châm cho người sử dụng xe cơ giới tham gia giao thông. Hãy biết chấp nhận đi vòng khi gặp dải phân cách, khi gặp ngã tư cấm rẽ trái. Cấm rẽ trái ở ngã tư là điều rất hay gặp ở các thành phố nước ngoài, nhưng ở ta thì lại hầu như chưa thấy, ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

TRUNG HỒ

;
.
.
.
.
.