.

Đón đầu chống ùn tắc giao thông

.

Lượng xe lưu thông trên đường phố Đà Nẵng được xem là khá thông thoáng so với hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, không có cảnh ùn tắc xe thường xuyên. Nhưng hiện nay, trên nhiều tuyến đường xuất hiện hiện tượng kẹt xe cục bộ trong giờ cao điểm. Trong khi số lượng xe ô-tô, mô-tô đang không ngừng gia tăng thì việc đón đầu chống ùn tắc cần một giải pháp tổng thể, đồng bộ.

Cảnh ùn tắc giao thông rất dễ xảy ra ở khu vực Ngã ba Huế.

Theo thống kê của Công ty QL Sửa chữa công trình giao thông và thoát nước Đà Nẵng, toàn thành phố đang tồn tại nhiều điểm nóng về ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Đó là các điểm ở Ngã ba Huế, Quốc lộ 14B qua KCN Hòa Cầm, ngã tư Ông Ích Khiêm - Quang Trung, ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Lê Duẩn, nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn, đường Ngô Quyền đoạn qua Công ty Giày da Quốc Bảo... cùng hàng chục điểm ách tắc trước các cổng trường học hay chợ.

Điểm chịu áp lực giao thông lớn nhất và thường xuyên bị ùn tắc nhất tại trung tâm thành phố là đầu phía tây cầu Sông Hàn. Đây là nơi nối liền các quận trung tâm Hải Châu, Thanh Khê và các quận phía đông gồm Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, nên vào các giờ cao điểm, mật độ tập trung phương tiện giao thông quá lớn khiến tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra. Chỉ cần một vụ va quệt nhỏ trên cầu, hay nhiều ô-tô đi vào nút giao thông trong giờ cao điểm là có thể gây nên tình trạng ùn tắc cục bộ, hay thậm chí tắc nghẽn giao thông trong hàng giờ liền.
 
Đặc biệt vào mùa hè, khi hầu hết người dân đổ xô ra biển vào buổi chiều thì cầu Sông Hàn rơi vào tình trạng kẹt xe nghiêm trọng, buộc lực lượng cảnh sát giao thông yêu cầu xe ô-tô không được qua cầu. Tại nút giao thông Lê Duẩn-Nguyễn Chí Thanh, tình trạng ùn tắc cũng thường xuyên xảy ra. Tại đây, cứ vào giờ tan tầm, học sinh tại các trường như THPT Phan Châu Trinh, TH Phan Thanh, một số trường mầm non tan lớp, hàng trăm phương tiện của phụ huynh đến đón con cùng nhiều loại xe lưu thông tạo nên tình trạng ùn tắc tương tự.

Ở khu vực ngã ba Huế, cửa ngõ phía Bắc thành phố, mật độ tập trung phương tiện khá dày đặc tạo thành một điểm nóng về tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là những khi có đoàn tàu hỏa đi qua đúng vào những giờ cao điểm. Tại đây lực lượng cảnh sát giao thông phải túc trực thường xuyên để phân luồng, điều khiển giao thông.

Trên đường Yên Bái, đoạn từ Yên Bái-Hùng Vương đến Yên Bái-Phan Đình Phùng thường xuyên xảy ra cảnh kẹt xe vào giờ cao điểm do hàng loạt xe ô-tô con đậu đỗ hai bên đường, phụ huynh đậu xe ngay dưới lòng đường để đón học sinh trước Trường TH Phù Đổng. Cộng với xe ô-tô lưu thông khi đi vào tuyến đường này, cảnh ùn tắc rất dễ xảy ra khi có nhiều người thay vì đi thẳng lại quay đầu xe.
 
Và ngay cả chuyện quay đầu xe, đi không theo hàng lối ở những đoạn đường sắp có nguy cơ ùn tắc, thì người Đà Nẵng vẫn chưa có “kinh nghiệm” như ở nhiều đô thị khác. Chuyện mạnh ai nấy đi sẽ càng làm trầm trọng hơn khi có ùn tắc xảy ra. Đây là vấn đề văn hóa khi tham gia giao thông và sẽ là chuyện đáng bàn đối với giao thông Đà Nẵng trong tương lai.

Theo số liệu từ phòng CSGT-Công an thành phố Đà Nẵng, trong tháng 7-2009 có 4.429 xe mô-tô được đăng ký mới, nâng tổng số 404.980 xe; 355 xe ô-tô các loại đăng ký mới, nâng tổng số lên 24.700 xe. Đó là chưa kể hàng nghìn xe mô-tô, ô-tô các loại đăng ký ở địa phương khác đang trực tiếp lưu thông trên các đường phố Đà Nẵng. Trong khi lượng xe đang ngày càng tăng, diện tích dành cho giao thông tăng không đáng kể, chưa nói là ở trung tâm thành phố không thể mở rộng đường, thì vấn đề kẹt xe, ùn tắc xe trên diện rộng sẽ xảy ra một sớm một chiều.

Hàng loạt cầu bắc qua sông Hàn đã và đang được xây dựng là một giải pháp giảm áp lực cho nút giao thông cầu Sông Hàn. Nhưng phải đến khi cầu Rồng tại nút giao thông Bạch Đằng - Bảo tàng Điêu khắc Chăm, cầu khu vực cầu Trần Thị Lý-Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng và đưa vào sử dụng thì các điểm nóng giao thông mới được giải tỏa.

Giờ tan tầm, người và xe chen chúc trên đường Yên Bái, mạnh ai nấy đi gây nên cảnh kẹt xe cục bộ.

 

UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 713 phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống Giao thông tĩnh thành phố Đà Nẵng với mục tiêu đến năm 2020 toàn thành phố sẽ có 32 bến xe và bãi đỗ xe, trong đó có 2 bến xe khách liên tỉnh (bến xe ở phía Bắc thành phố có diện tích 66.150m2 và bến xe ở phía Nam có diện tích 53.610m2), 5 bến xe tải (rộng từ 24.000-53.000m2) và 25 bãi đỗ xe nội thị (rộng từ 1.500-25.000m2), ngoài ra, còn có các bến xe buýt của 9 tuyến nội đô.

Có thể thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư và khai thác bến, bãi đậu, đỗ phương tiện theo hướng kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, có thể thực hiện theo phương thức cho thuê đất có thời hạn để mở rộng đối tượng tham gia đầu tư hoặc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đối với các bãi đỗ ô-tô nhỏ nếu doanh nghiệp có nhu cầu. Mới đây thành phố cũng ban hành quy định về khai thác nơi đỗ xe trên nhiều tuyến đường, quy định làn đường cho đỗ xe 1 hoặc 2 bên, đường cấm đỗ, thu phí đỗ xe...

Trước nhu cầu đang tăng dần của giao thông bằng xe ô-tô và không thể mở rộng đường khi tăng thêm xe vì cách làm này chỉ dẫn đến một cái vòng luẩn quẩn và một cuộc chạy đuổi vô tận, thì trong các chính sách về giao thông, cần kiểm soát tốt hơn nữa sự bùng nổ của xe ô-tô, tức là kiểm soát chặt việc sử dụng xe trong khu vực trung tâm thành phố. Ưu tiên cho các phương tiện giao thông công cộng, những phương tiện phi cơ giới... Những giải pháp tích cực trên mới có thể giải quyết vấn đề giao thông cho tương lai, đón đầu nhiều vấn đề mà các đô thị lớn đang gặp phải.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.