.

Giá mình là đại gia

Khi đại gia đã sẵn tiền, thì một vài ngàn đô cho con toại nguyện, có gì lạ đâu. Sao mẹ nó cứ rên rẩm suốt ngày vậy hè. Thông thường, ông bố cho con những khoản tiền không cần đếm. Còn mẹ thì khá dè xẻn.

Cũng chỉ vừa ráo bùn nơi bàn chân chứ đâu có mấy đời nhung lụa, gấm vóc. Nhưng khi nghe cậu quý tử, cô tiểu thư ỉ eo nhiều quá cũng sốt ruột. Đành rút hầu bao mà chiều con vậy. Nhưng khi người mẹ đã rút hầu bao thì cô cậu quý tử mặc sức mà vòi vĩnh. Vậy là mỗi cậu con, mỗi cô con cũng đã sẵn trong túi dăm ba ngàn đô, đủ sức phóng thẳng sang Singapore, Thái Lan mà hưởng cái thú trời mây sông nước.

Mấy đại gia mới giàu xổi thì vẫn còn cố giữ mồm, giữ miệng, giữ ý giữ tứ. Lỡ thiên hạ biết, người ta lại nghi oan mình là tham nhũng, tội nghiệp ra. Nhưng mấy cậu con quý tử thì không nghĩ vậy. Mốt bây giờ là khoe giàu khoe sang. Vậy là sau một chuyến vi vu trời “Tây-gần”, chuyện sinh nhật của một anh chàng sành điệu nhất hội nó mới vung vít ra.

Để có một chuyến sang Sin, cũng phải bỏ túi chí ít dăm ngàn đô. Khi đổ bộ xuống sân bay là có ngay xe đưa đón về Grand central hotel. Đây chưa hẳn là khách sạn sang trọng, chỉ 150 USD/ngày đêm. Nhưng xem ra còn xịn hơn cả năm sao Sài Gòn, Hà Nội. Cần gì helo, ngay tắp lự là thỏa mãn yêu cầu, như thể nhân viên khách sạn, nhà hàng chờ chực ngay ngoài cửa. Bạn bè, chỉ “helo” một tiếng là tề tựu đầy đủ. Ăn uống tưng bừng xong, cả hội kéo nhau đến Ministry of Sound với đèn màu, nhạc sống. Các em đã chờ sẵn, chỉ cần một cử chỉ là đứng dậy. Ai không biết nhảy, vào đây cũng sẽ sành điệu, miễn là chịu chơi. Coi thiên hạ dưới tầm mắt, coi “đô” như lá đa sân đình.

Đời người, ngắn chẳng tày gang. Không chơi, đại gia của ông bô liệu có ích gì cho ai. Một sinh nhật nhớ đời. Dưới con mắt bạn bè, anh chàng sành điệu đã trở thành người “hùng”. Họ còn hẹn nhau năm tới quên mấy ông “Tây gần” đi là vừa. Phải Tây thứ thiệt mới thật hoành tráng.

Nhớ chuyện cô em tôi mấy bữa rồi đến bàn chuyện. Cậu con trai vừa đậu đại học ngoại thương. Lại vừa mới kiểm tra tiếng Anh, điểm đâu 94/100. Nhà trường lập danh sách cho vào hệ “Kinh tế đối ngoại”, có thầy Tây dạy 100% bằng tiếng Anh suốt cả 4 năm học. Tốt nghiệp, được cấp 2 bằng cử nhân Kinh tế Quốc tế và Quản trị kinh doanh, sẽ được chuyển tiếp sang đại học bên Mỹ… hiềm một nỗi, kiếm đâu ra 1.200 đô cho một năm học. Lúc bấy giờ cô em tôi mới cười, ao ước hão “Giá mình là đại gia nhỉ. Chỉ cần bốn năm thôi, cũng được”.

KÍNH HIỀN

;
.
.
.
.
.