.
Giới thiệu sách

Một cuốn sách cần cho thầy và trò

.

Đó là cuốn Chân dung và nhận định* (của chính các nhà văn viết về tác phẩm của mình được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa). Trước hết đây là một công trình đẹp, cả về hình thức, nội dung lẫn mục tiêu mà những người biên soạn đặt ra. Nhu cầu khám phá phía sau mỗi tác phẩm được đưa vào nhà trường của cả người dạy lẫn người học, là một nhu cầu tự nhiên và chính đáng. Họ không chỉ muốn hiểu sâu hơn tác phẩm, mà còn muốn biết về những điều thú vị khác gắn với sự ra đời của tác phẩm ấy.

 

Có thể nói nhóm biên soạn đã chọn đúng thời điểm để mang cốc nước tinh khiết, mát lành, đựng trong một chiếc cốc đẹp đến cho những người đang khát. Trong tập mở đầu (nghĩa là sẽ còn những tập tiếp theo) cuốn sách giới thiệu chân dung tóm lược của 26 nhà văn, nhà thơ, trong đó khá nhiều tên tuổi nổi tiếng như Tô Hoài, Hoàng Cầm, Nguyên Ngọc, Chế Lan Viên, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Hữu Thỉnh, Lê Minh Khuê, Trần Đăng Khoa... Mỗi người hiện lên với một cuộc đời, một gương mặt được làm nên không chỉ bởi số phận họ, mà còn bởi những gì mọi người sẽ nghĩ về họ, qua tác phẩm. Dù mới chỉ là những nét tóm lược, chấm phá nhưng cũng đủ để bạn thỏa mãn phần nào câu hỏi: Do đâu mà họ lại có tác phẩm đó và vì sao họ viết như vậy?

Ta hãy nghe một đoạn tâm sự của nhà văn Tô Hoài, tác giả của Dế mèn phiêu lưu ký nổi tiếng kể về “cú huých” đẩy ông vào con đường văn chương:

“Tôi biết chữ lúc nào và làm thế nào biết chữ, tôi cũng không nhớ... Một hôm, quét nhà, tôi nhặt được ở gầm bàn học chú Luyến một quyển sách đã nát bợt, mủn mấy tờ lót cuối cùng. Cuốn Không gia đình, Nguyễn Đỗ Mục dịch. Tôi đặt quyển truyện vào khe phản, chỗ ngồi đánh giày.

Mỗi buổi trưa, cơm xong, tôi ngồi xem lén mấy trang truyện.

Cuộc đời phiêu bạt của thằng bé trong truyện. Tôi mê man theo nó bỏ đi với ông già làm xiếc. Cái lúc thằng bé đứng trên ngọ đồi, nhìn lại túp nhà mình dưới làng, trước còn rõ, sau mờ dần. Mắt tôi cũng mờ. Rồi nó quay mặt quả quyết bước theo ông già. Tôi cũng bước theo nó. Cũng buồn, cũng giận, cũng tủi chung nỗi cảm thương với người bạn xa xôi rất thân thiết đó”.

Còn đây là nguyên cớ để nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có một cái tên đẹp và đi vào ký ức nhiều người:

“Tôi sinh ra ở cái làng nhỏ nơi mà cha và mẹ tôi đều bị Pháp bắt an trí, đưa về đó. Làng Ưu Điềm. Bà nội Đạm Phương đặt tên tôi: An Điềm (an trí ở Ưu Điềm). Lớn lên đi học, tôi cảm thấy tên mình dài như tên con gái, tôi mạo muội bỏ chữ An và thành tên như hiện nay”.

Và đây nữa, một cái nguyên cớ rất... công việc, rất “chữa cháy” đã khiến chúng ta có tác phẩm Rừng xà nu nổi tiếng:

“Làm xong tạp chí số 1, chúng tôi bắt tay làm tiếp số 2. Anh Nguyễn Chí Trung bảo:

- Số 1 cậu viết tùy bút rồi, số này phải viết truyện ngắn.

...

- Không viết nổi truyện ngắn đồng bằng ông ạ. Hay là mình viết một truyện... miền núi nhé.

- Miền núi à? Miền núi thì chán chết. Bây giờ đang cần đồng bằng kia, đang đánh nhau ở đồng bằng... nhưng mà, thôi, thì tạm một cái miền núi cũng được.

Và tôi viết Rừng xà nu”.

Chỉ đơn giản vậy thôi, từ việc vào nghề, những bí ẩn (mà thực ra rất đơn giản) về một cái tên, về nguyên cớ ra đời một tác phẩm bất hủ hay đôi khi chỉ là do sai sót trong khâu in ấn cũng đã để lại một câu thơ đẹp long lanh mà đời nối đời giải mã mãi không xong... Tất cả những chuyện như vậy sẽ chẳng dễ dàng gì có thể “mò” được ở đâu, mặc dù ai cũng tò mò muốn biết. Nó chỉ nói lên rằng, lĩnh vực sáng tạo luôn là một lĩnh vực bí ẩn, thú vị, đầy bất ngờ và thuộc loại hấp dẫn nhất của đời sống.

Trân trọng giới thiệu cùng các thầy, cô và các em học sinh.

Tạ Duy Anh

* Nhà Xuất bản Giáo dục 2009. Sách phát hành trên toàn quốc.

;
.
.
.
.
.