.

Hàng nội về quê

.

Từ sau ngày 12-9, bà con ở vùng giáp ranh giữa xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) và các xã Điện Hòa, Điện Tiến (huyện Điện Bàn) mách miệng với nhau một thông tin “nóng”: Sát chợ Lệ Trạch có một “siêu thị” mới khai trương, cần mua chi, khỏi xuống tận nội thành Đà Nẵng nữa.

Cửa hàng Vissan tại chợ Lệ Trạch đã thu được 10 triệu đồng tiền bán hàng ngay ngày đầu tiên.

Chị Lê Thị Thu Thủy nhà ở núi Bồ Bồ, nghe mấy chị đi chợ Lệ Trạch về rôm rả báo tin, chị rứt việc nhà để đi xem cái “siêu thị” đó như thế nào. Sau 10 phút chạy xe máy, chị đã đứng trước một ngôi nhà được trưng bày bắt mắt, nhưng đọc nội dung tấm biển treo phía trước, chị hơi thất vọng: “Trời! Tưởng bán chi, té ra bán đồ hộp Vissan!”. Cô Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Hòa Tiến 2, đối diện với “siêu thị”, ban đầu cũng có cùng ý nghĩ đó. Thế nhưng, khi bước vào bên trong mới thấy:

Ngạc nhiên chưa!

“Siêu thị” rộng chỉ 60m2, nhưng bày biện rất ngăn nắp, khoa học. Ngoài sản phẩm của Vissan, nơi đây còn bán nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân nông thôn. Đi một vòng, tự chọn hàng, nếu cần tư vấn thì có thể hỏi cô Đặng Thị Cúc – nhân viên cửa hàng. Ra đến quầy, khách có thể kiểm tra giá cả hàng mình mua trên máy vi tính cùng với nụ cười “khuyến mãi” của cô thu ngân. Hôm đó, chị Thủy mua gần 1 triệu đồng tiền hàng, đang loay hoay thì cô Cúc bảo, nếu chị không chở được thì nhân viên cửa hàng sẽ đưa hàng về tận nhà cho chị.

Thấy hàng cũng không nhiều, chị Thủy xin một cái thùng các-tông đóng hàng, hẹn hôm nào mua nhiều sẽ “làm phiền” cửa hàng. Ngồi yên vị trên xe với thùng hàng đã được buộc kỹ phía sau, chị rất hài lòng: “Tui ngạc nhiên lắm, họ phục vụ không thua chi mấy siêu thị dưới Đà Nẵng, làm mình thấy chi cũng ưng mua. Giá cả cũng rẻ, mỗi thứ rẻ bình quân 2 nghìn đồng, mua mười thứ rẻ được mấy chục nghìn đồng, ở nông thôn như rứa là nhứt rồi”.

Chị Trần Thị Hiền nhà ở Hòa Khương, nghe khai trương Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty Vissan đã ghé vào và thấy có nhiều thứ đáng bỏ tiền ra mua. Về nhà, chị đã mách miệng bà con hàng xóm, nhất là những người có mở quán tạp hóa cần mua hàng giá sỉ. Còn cô hiệu trưởng Hà thì rất ưng ý vì tất cả hàng hóa bày bán ở cửa hàng đều có nhãn mác với chất lượng bảo đảm theo cam kết của nhà sản xuất. Cô tin tưởng đặt mua ở cửa hàng từ văn phòng phẩm cho tới thực phẩm phục vụ cho bếp ăn tập thể của trường, vừa có hóa đơn thanh toán, vừa yên tâm về nhiều mặt.

Thật không tin được, ở nơi giáp ranh giữa hai huyện Hòa Vang và Điện Bàn ấy lại có một cửa hàng phục vụ theo cung cách như các siêu thị dưới phố. Ông Nguyễn Đăng Tâm, cán bộ của Chi nhánh Vissan Đà Nẵng cho biết, sắp tới bà con nơi đây sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa, khi cửa hàng mở thêm một số dịch vụ mới, trước mắt là giao thức ăn tận nhà. Mỗi khi có khách bất ngờ, bà con chỉ cần a-lô là nhân viên cửa hàng sẽ giao tận nhà các thức ăn hoặc món nhậu theo yêu cầu.

Thị trường nông thôn còn bỏ ngỏ

Khách hàng được tư vấn mỗi khi đắn đo trong mua sắm.

 

Trước khi mở cửa hàng ở Hòa Tiến, theo ông Đặng Công Mỹ, Giám đốc Chi nhánh Vissan tại Đà Nẵng, đơn vị đã tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn qua các đợt tặng quà cho bà con trong lễ Tết, thiên tai. Qua đó, cho thấy nhu cầu tiêu dùng của bà con nông thôn là rất lớn, đơn vị xét thấy cần sớm mở một “siêu thị min-ni” để đón đầu kinh doanh. Kế hoạch này được sự hỗ trợ nhiệt tình từ UBND xã Hòa Tiến.

Ông Nguyễn Đình Anh, Chủ tịch xã cho biết: “Với 60m2 mặt bằng ngay sát bên hông chợ Lệ Trạch được xã hỗ trợ trong 5 năm, hy vọng cửa hàng của Vissan Đà Nẵng sẽ mang lại tiện ích cho người dân Hòa Tiến nói riêng, các xã trong vùng giáp ranh nói chung. Cửa hàng này đã được chúng tôi tính đến trong kế hoạch mở rộng chợ Lệ Trạch trong nay mai”.

Trước đó, trong tháng triển khai chương trình “Thực phẩm Vissan phục vụ nông thôn” tại một số chợ ở Đà Nẵng và vùng phụ cận, ngoài các mặt hàng quen thuộc, đơn vị đã giới thiệu 7 sản phẩm mới vừa xuất xưởng tại TP. Hồ Chí Minh với mức giảm giá đến 20%. Ông Mỹ cho biết, dòng sản phẩm mới mang thương hiệu “3 Bông Mai” với tiêu chí chất lượng bảo đảm, giá cả phù hợp này đã song hành với dòng sản phẩm bình thường, làm tăng thêm sự lựa chọn sản phẩm cho người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở nông thôn.

Lâu nay, người tiêu dùng “dị ứng” với các loại thực phẩm giảm giá, bởi thực tế đã có một số mặt hàng (của một số doanh nghiệp) giảm giá là do chất lượng thấp, hạn sử dụng gần hết (gọi là “cận đát”). Vissan quyết tâm thay đổi cách nhìn phiến diện này của người tiêu dùng bằng cách bán hàng mới có giảm giá, nhắc nhở khách hàng xem kỹ hạn sử dụng được ghi trên bao bì.

Là đơn vị đầu tiên được Sở Công thương thành phố Đà Nẵng cấp phép đưa hàng về nông thôn, Vissan Đà Nẵng chủ trương ban đầu chỉ quan tâm đến doanh số mà chưa đặt nặng vấn đề lợi nhuận ở thị trường này, hạn chế tối đa các chi phí để có thể giảm giá đến 20% một số sản phẩm. Theo đánh giá của ông Mỹ, đây cũng là hình thức marketing, dân dùng quen rồi sẽ dành sự lựa chọn cho sản phẩm của hãng mình.

Vissan Đà Nẵng là một trong 13 doanh nghiệp tham gia Phiên chợ hàng Việt diễn ra trong 3 ngày cuối tuần trước ở Khu công nghiệp Hòa Khánh. Thành công ngoài mong đợi của phiên chợ đã củng cố ý tưởng của ông Mỹ về sự liên kết giữa các doanh nghiệp để đưa hàng về nông thôn. Điều này đã được ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Hội chợ-Triển lãm (Trung tâm Thông tin Xúc tiến thương mại Đà Nẵng - Sở Công thương) chia sẻ khi phiên chợ chưa kết thúc: “Chúng tôi sẽ vận động các doanh nghiệp thiết kế các xe chuyên dụng để liên kết đưa hàng về nông thôn theo kiểu bán hàng lưu động”.

Hôm khai trương cửa hàng Vissan tại chợ Lệ Trạch, đại diện lãnh đạo các xã Điện Tiến, Điện Hòa có đến dự và tỏ ý sẽ nghiên cứu đưa mô hình “siêu thị mi-ni” này về xã mình. Vậy là, thị trường nông thôn hiện vẫn còn bỏ ngỏ…

VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.