.

Hãy bắt đầu từ một que tăm

Chuyện người Việt dùng hàng Việt - yêu nước cụ thể nhất bây giờ là người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; nhờ đó, để đưa nền kinh tế đất nước đi lên, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững, đã trở thành tâm tư, ước nguyện của tất cả mọi người! Tuy nhiên, từ cái mong muốn của tình cảm đến hiện thực hiệu quả là cả một khoảng cách rất xa…

Từ những ngày đầu tiên đến lớp học, tuổi thơ chúng ta không ai là không biết đoạn văn nổi tiếng của Thép Mới: Nước Việt Nam xanh muôn vàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre, nứa. Tre Đồng Nai. Nứa Việt Bắc. Tre ngút ngàn Điện Biên Phủ. Lũy tre thân thuộc làng tôi. Đâu đâu ta cũng có nứa, tre làm bạn

Những câu văn hay đến nỗi ta vững tin rằng từ đôi đũa đến que tăm, từ chiếc chõng tre đến sợi lạt mềm buộc chặt; không gì ta không có! Thế nhưng, nghịch lý của bức tranh kinh tế - xã hội hiện nay là: Bạn hãy đến bất kỳ một quầy hàng xén nào cũng thấy tăm tre nước ngoài tràn ngập với màu sắc óng ả, trau chuốt; dường như đang phủ lấp tất cả những bó tăm tre do người Việt sản xuất vừa xấu vừa nguy hại bởi những cạnh sắc của nó. Nói như thế để thấy lỗi thứ nhất để người tiêu dùng chưa mặn mà lắm với hàng Việt là do chính các doanh nhân trong nước gây ra! Phải thay đổi cách làm, phải bắt đầu từ điều nhỏ nhất bởi không một người dân Việt nào lại có thể quay lưng với hàng hóa của đất nước mình.

Xu hướng sính ngoại, hơn người bằng những vật dụng người khác không có (hoặc ít có - để khỏi đụng hàng) là tâm lý chung của tầng lớp trưởng giả mới, vừa phất lên trong mươi năm gần đây. “Làn sóng” tiêu dùng của tầng lớp này, rất tiếc, lại đang là chuyện à la mode “hướng dẫn”, “đầu tàu” lôi kéo sự chạy theo, đua đòi của bộ phận không nhỏ người tiêu dùng, nhất là thế hệ trẻ. Đây chính là lỗi thứ hai khiến cho hàng Việt bị quay lưng; thậm chí không ít mặt hàng bị rẻ rúng.

Lỗi thứ ba thuộc về các quan chức - những người quyết định chi tiêu của khối tài sản công. Thống kê cho biết 43% tổng đầu tư xã hội của Nhà nước được chi tiêu hàng năm với số tiền không dưới hàng ngàn tỷ đồng. Nếu lượng vốn khổng lồ đó được chi tiêu đúng và đủ khi mua sắm ô tô, máy móc, vật dụng cho các công sở thì chắc chắn khả năng kích cầu cho nền kinh tế là có thể nhìn thấy được. Hơn thế nữa, có thể tiên liệu rằng một đợt sóng rất lớn sẽ tạo nên một bước chuyển mình mạnh mẽ đối với toàn bộ nền kinh tế.

Lỗi thứ tư là do chúng ta chưa biết cách tận dụng hết ưu thế của mình như chuyện que tăm là một dẫn chứng. Nếu các sứ quán ở nước ngoài có chiến lược định hướng thực sự giúp nông dân thì lo gì không có đầu ra cho hàng nông sản Việt Nam? Cũng tương tự, với các mặt hàng như dệt-may, giày da, cà phê… Nhà nước và chính quyền địa phương các cấp là những nhân tố có trách nhiệm chính khi hợp tác với các nhà ngoại giao bằng những định hướng cụ thể. Sự chung chung, thiếu kiểm soát và phân định trách nhiệm là nguyên nhân làm cho nông dân, doanh nhân đang phải “tự bơi” là chính.

Lỗi thứ năm là do việc tuyên truyền, quảng bá trong nhân dân chưa thật sự tốt. Tại sao trường học không phải là nơi để tổ chức vận động mạnh mẽ? Tại sao nhà ga, bến xe, bến tàu, siêu thị không có những khẩu hiệu cần thiết? Tại sao chưa có những thông tin bổ ích trên truyền hình, các phương tiện truyền thông khác về giá trị của những mặt hàng nội cụ thể để người dân yên tâm mua về sử dụng? Chẳng hạn, Bộ Công thương đứng ra chịu trách nhiệm để chính thức thông tin về những mặt hàng mà ưu thế thực sự thuộc về hàng nội?

Que tăm chỉ là một mặt hàng rất nhỏ so với những núi hàng hóa được tiêu thụ mỗi ngày. Nhưng, hãy bắt đầu từ đó để suy nghĩ xa và đúng hơn đối với toàn bộ nền kinh tế. Khi được hỏi về cảm giác lần đầu tiên đi trên mặt trăng, Amstrong trả lời rằng đó chỉ là một bước đi nhỏ nhưng lại là sự mở đầu cho bước tiến vĩ đại của toàn thể loài người! Hãy bắt đầu từ những câu chuyện nhỏ như một cái tăm tre!

Hà Văn Thịnh

;
.
.
.
.
.